Theo trang tin Slash Gear, Trung Quốc mới đây công bố kế hoạch xây dựng một trạm năng lượng mặt trời trong không gian - xoay quanh trái đất ở độ cao 36.000 km và truyền năng lượng thu được từ mặt trời xuống trái đất để sử dụng như một nguồn năng lượng sạch.
Với kế hoạch này, Trung Quốc tham vọng trở thành quốc gia đầu tiên xây lắp một trạm năng lượng mặt trời trong không gian.
Theo thông tin từ Nhật báo khoa học và công nghệ, việc xây dựng thử nghiệm đang được tiến hành ở Trùng Khánh. Dự kiến trong năm 2021 và 2025, họ sẽ xây dựng và phóng các nhà máy điện nhỏ vào tầng bình lưu. Sang năm 2030, công suất phát lên mức megawatt và tăng lên đến mức gigawatt vào năm 2050.
Việc đưa trạm năng lượng mặt trời vào không gian như vậy sẽ giúp tránh bị can thiệp bởi các yếu tố khí quyển hoặc những thay đổi theo mùa dẫn đến hao hụt lượng ánh sáng mặt trời mà các tấm pin của trạm dự kiến sẽ nhận được.
Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng trạm năng lượng mặt trời trong không gian hứa hẹn mở ra "một nguồn năng lượng sạch và vô tận cho con người".
Theo tính toán, nhà máy điện vũ trụ này có thể cung cấp năng lượng trong 99% thời gian và với cường độ gấp sáu lần các trạm năng lượng mặt trời hiện nay trên trái đất.
Về lý thuyết, các trạm năng lượng mặt trời trên không gian sẽ thu năng lượng từ mặt trời thông qua các tấm pin, chuyển đổi năng lượng đó thành vi sóng hoặc tia laser và chiếu nó trở lại trái đất. Tiếp theo, các trạm thu trên mặt đất sẽ chuyển đổi chùm tia thành năng lượng điện.
Tuy nhiên, một nhà máy điện như vậy sẽ có trọng lượng khoảng 1.000 tấn, khiến việc đưa thiết bị vào quỹ đạo sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trạm vũ trụ quốc tế (ISS) có trọng lượng là 400 tấn.
Do đó, các nhà nghiên cứu đang xem xét liệu trạm có thể được xây dựng trong không gian bằng cách sử dụng robot và in 3D hay không. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng của bức xạ vi sóng lên bầu khí quyển cũng sẽ cần được nghiên cứu thấu đáo hơn.