Thủy điện Trị An. Ảnh minh họa.
Công trình thủy điện Trị An nằm ở bậc thang cuối cùng của sông Đồng Nai, cách điểm hợp lưu của sông La Ngà và sông Đồng Nai khoảng 37km về phía hạ lưu theo chiều dòng chảy. Công trình nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 65km về phía Đông Bắc.
Bờ trái công trình đầu mối thuộc thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, bờ phải thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hồ chứa nằm chủ yếu trên địa bàn của 2 huyện Vĩnh Cửu, Định Quán với diện tích 323km2, dung tích toàn bộ 2,7 tỷ m3, dung tích hữu ích 2,5 tỷ m3.
Trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Công ty Thủy điện Trị An quản lý các loại hình thiên tai cũng ít xuất hiện. Giai đoạn 2016-2020 chỉ xuất hiện 01 trận lũ trên hồ chứa Trị An với lưu lượng trung bình ngày lớn nhất là 2920 m3/s (ngày 09/8/2019) trong thời gian ngắn, tuy nhiên thời điểm này mực nước hồ còn thấp nên không xả nước qua đập tràn.
Khó khăn vướng mắc chính trong quản lý vận hành là đập và hồ chứa thủy điện Trị An trải dài trên một diện tích rộng lớn, dẫn đến việc vi phạm hành lang đập và hồ chứa nước thường xuyên xảy ra. Qua số liệu ghi nhận được thì số vụ vi phạm có dấu hiệu tăng cao trong năm 2019 và các tháng đầu năm 2020. Hiện tại, còn 79 trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ đập, hồ chứa nước chưa được xử lý, trả lại hiện trạng cho công trình (Huyện Định Quán: 53 trường hợp, huyện Vĩnh Cửu: 20 trường hợp, huyện Trảng Bom: 05 trường hợp và huyện Xuân Lộc: 01 trường hợp).
Theo ông Võ Tấn Nhẫn – Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An hiện nay xây dựng, bố trí mật độ trạm, quản lý vận hành các trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng theo Điều 15, Nghị định 114/2018/NĐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể.
Phương án ứng phó thiên tai trong giai đoạn khai thác chưa có mẫu phương án thống nhất, hướng dẫn cụ thể. Hiện tại, mẫu phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập chỉ có trong quá trình thi công xây dựng đập (theo Phụ lục I, Thông tư 09/2019/TT-BCT), khó khăn khi xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp do chưa có bản đồ ngập lụt trên lưu vực sông Đồng Nai.
Để đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả công trình trong mùa mưa bão, Công ty Thủy điện Trị An kiến nghị: Khu vực lòng hồ Trị An, hiện nay Khu Bảo tồn thiên nhiên- Văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn) triển khai dự án thí điểm trồng cây gáo vàng để kiểm soát, ngăn ngừa sự xâm lấn của cây mai dương. Tuy nhiên, cây gáo vàng là cây gỗ, có chiều cao trung bình từ 7-16m, đường kính thân có thể lên tới 1m không phù hợp khi trồng loại cây này trong khu vực lòng hồ. Vì vậy, Công ty đã có ý kiến không đồng ý phát triển loại cây này trong lòng hồ. Hiện nay, Công ty được biết phía Khu Bảo tồn đã trồng thí điểm 02 ha cây gáo vàng trong hồ chứa, đây là việc làm chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật được quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP.
Hiện nay, Khu Bảo tồn được UBND tỉnh Đồng Nai ủy quyền quản lý, khai thác mặt nước hồ Trị An từ cao trình 62m trở xuống (khu vực lòng hồ) theo Quyết định số 65/2013/QĐ-UBND ngày 17/10/2013 về việc ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động của Khu Bảo tồn thiên nhiên- Văn hóa Đồng Nai. Từ đó vận dụng theo Điều 3 Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT, Khu Bảo tồn xem là chủ đập như Công ty Thủy điện Trị An, như vậy gây chồng chéo trong công tác quản lý hồ chứa.
Qua công tác phối hợp với địa phương kiểm tra hành lang bảo vệ hồ chứa, có phát sinh một số trường hợp xây dựng nhà ở tạm xâm phạm vào hành lang bảo vệ hồ chứa, những hộ dân này là người Cam-pu-chia gốc Việt mưu sinh trên lòng hồ Trị An. Công ty kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có ý kiến với các địa phương sớm có giải pháp ổn định về nhà ở cho đối tượng trên nhưng không vi phạm vào hành lang bảo vệ hồ chứa.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa phê duyệt bản đồ ngập lụt hạ du theo quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP để xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm phê duyệt và công bố bản đồ ngập lụt.