Đèn NLMT dễ dàng vận chuyển và lắp đặt ở bất cứ đâu mà không cần đào hoặc chôn dây cáp như điện lưới quốc gia. Ảnh: TBD
Trong tương lai, điện năng lượng mặt trời được dự đoán có thể thay thế các hình thức sản xuất điện khác từ việc đốt nguyên liệu hóa thạch cũng như hạn chế thủy điện làm thay đổi hệ sinh thái… Với nhiều lợi ích mang lại, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã ngày càng quan tâm và đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng này.
Bức tranh năng lượng mặt trời trên thế giới
Trung Quốc được đánh giá là có khả năng sản xuất điện năng lượng mặt trời hàng đầu trên thế giới với khối lượng lên tới 1.330 Gigawatts (GW) mỗi năm. Trong khi đó, tại Mỹ, năm 1982, tại bang California đã xây dựng nhà máy quang điện công suất 1 MW đầu tiên trên thế giới, thông qua tận dụng điều kiện lý tưởng về tự nhiên với khoảng 102,7 nghìn km2 là sa mạc nắng nóng.
Tại khu vực ASEAN, theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, Thái Lan xếp thứ 15 trong Top toàn cầu năm 2016, với công suất hơn 3.000 MW.
Việt Nam cũng nằm trong số những quốc gia "bắt trend" mạnh mẽ khi vào năm 2022 dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về công suất năng lượng mặt trời đang vận hành, với việc chiếm đến 19 GW trong tổng 32 GW công suất của cả khu vực, tăng 12% so với năm 2021
Các chuyên gia cho rằng, có được sự phát triển vượt bậc trong sản xuất điện mặt trời là do những động thái “rải thảm” trong chính sách. Ngay từ năm 2006, Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch.
Tại Nhật Bản, ngay từ năm 2008, Chính phủ đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà sử dụng năng lượng tái tạo với thời gian trả nợ tối đa là 10 năm. Trong đó, đối với những gia đình cải tạo nhà, chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời được vay số tiền tối đa lên đến 5 triệu yen, tương đương gần 5.000 USD.
Để thúc đẩy các dự án điện mặt trời, Singapore cung cấp các mức thuế cạnh tranh và ưu tiên phát triển thị trường buôn bán điện cạnh tranh. Theo đó, tất cả người tiêu dùng, trong đó có các hộ gia đình sẽ có quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình.
Tại Việt Nam, đặc biệt là các vùng nông thôn, nhiều công cụ năng lượng mặt trời đã được áp dụng, trong đó có đèn năng lượng mặt trời (NLMT).
Những năm gần đây, tại nhiều vùng quê Việt Nam, việc lắp đặt đèn NLMT trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành xu hướng nổi bật, diện mạo nông thôn từ đó cũng trở nên hiện đại, tiện nghi, an toàn hơn.
Đèn NLMT hoạt động dựa trên nguyên lý hiệu ứng quang điện. Các tấm pin mặt trời thu NLMT và sử dụng nó để sạc pin. Các tấm pin cung cấp năng lượng cho đèn LED vào ban đêm để chiếu sáng. Đây được xem là giải pháp chiếu sáng thân thiện với môi trường và rất tiết kiệm năng lượng.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới gió mùa được tiếp nhận ánh nắng mặt trời quanh năm. Các địa phương hầu như đều có mùa nắng với lượng ánh nắng cao, thuận lợi cho việc phát triển điện NLMT. Theo báo cáo Triển vọng thị trường điện mặt trời toàn cầu (giai đoạn 2023 - 2027) - Global Market Outlook For Solar Power (2023 - 2027) do Hiệp hội Công nghiệp NLMT châu Âu (SPE) phát hành năm 2023, năm 2022, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về công suất NLMT đang vận hành, với việc chiếm đến 19 GW trong tổng 32 GW công suất của cả khu vực, tăng 12% so với năm 2021.
Đèn NLMT dễ dàng vận chuyển và lắp đặt ở bất cứ đâu mà không cần đào hoặc chôn dây cáp như điện lưới quốc gia. Mỗi hệ thống chiếu sáng NLMT hoạt động như một thiết bị độc lập.
Về lợi ích của đèn NLMT, có thể nhắc tới những khía cạnh sau: Tiết kiệm điện năng và chi phí, không bị ảnh hưởng bởi giá điện tăng. Ngoài ra, vì chúng không cần dây và không phụ thuộc vào điện lưới nên vẫn có thể hoạt động khi có thiên tai và mất điện. Chỉ cần đầu tư 1 lần, đèn có thể sử dụng từ 10 - 15 năm, độ bền cao; Dùng đèn NLMT góp phần phát triển bền vững, mang lại diện mạo hiện đại cho vùng nông thôn, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, giúp cho việc sinh hoạt của người dân, hoạt động học tập của học sinh không bị gián đoạn, nâng cao chất lượng cuộc sống; Tăng nhận thức cộng đồng về lối sống “xanh”, bảo vệ môi trường.
Chị Hạnh, xóm 6, xã Việt Hồng, Thanh Hà, Hải Dương cho biết: Ngõ vào nhà tôi được lắp tổng cộng 6 đèn NLMT từ 3 năm nay. Trước kia, các hộ gia đình trong cùng ngõ đóng góp tiền để lắp bóng điện sử dụng điện lưới, mỗi tháng chi phí tiền điện khá tốn kém. Do vậy, chúng tôi chỉ ưu tiên bật điện vào dịp lễ tết, khi các gia đình con cháu ở xa về đông, đi lại nhiều.
"Sử dụng đèn NLMT, tuy chi phí lắp đặt ban đầu hơi cao một chút, tầm 1,5-2 triệu/đèn, nhưng chúng tôi không lo trả tiền điện hằng tháng, cứ tối đến là ngõ sáng tưng bừng, suốt cả đêm, an ninh ngõ xóm cũng được đảm bảo hơn, đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Ở xã tôi, mọi người dùng đèn NLMT ngày càng nhiều”.
Hệ thống đèn điện NLMT được lắp đặt cảm biến, khi có chuyển động đến gần đèn sẽ bật sáng còn nếu tĩnh lặng, bóng điện sẽ về chế độ tiết kiệm (sáng nhưng ở mức độ thấp hơn). Trong điều kiện trời nắng, cần 5 giờ để các tấm pin mặt trời nạp đủ năng lượng. Khi trời âm u, ít nắng, việc tích trữ năng lượng sẽ kéo dài hơn. Nếu pin được sạc đầy, thời gian đèn chiếu sáng từ 8-12 giờ.
Hiệu quả từ sử dụng đèn năng lượng mặt trời tại nông thôn Việt Nam
Bà Phạm Thị Dương, xóm 3, xã Việt Hồng, Thanh Hà, Hải Dương nói: “Vùng nông thôn nhà tôi cứ khi gặp trời mưa, có gió, sấm chớp là bị cắt điện, những lúc đó thực sự bất tiện lắm. Vì vậy, tôi đã lắp 2 bóng đèn NLMT, 1 cái ở khu bếp và phòng ăn, 1 cái ở khu vực sân ngõ. Có bóng này, tôi đỡ lo mỗi khi nhà mất điện hơn.
Dùng đèn NLMT rất tiện, khi cần thì dùng điều khiển từ xa bật lên, phạm vi chiếu sáng rộng, kể cả những hôm trời âm u, thậm chí có mưa thì đèn vẫn sáng. Đặc biệt, tiền điện hằng tháng của tôi cũng giảm hơn trước. Tuy số tiền ban đầu bỏ ra hơi cao một chút nhưng tôi thấy đáng giá, xứng đáng đầu tư. Tôi dùng bóng được 2 năm nay rồi mà chưa thấy trục trặc gì”.
Với những ưu thế vượt trội, việc sử dụng đèn NLMT không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu ngày càng cấp thiết nhằm giúp giảm thiểu các nguồn năng lượng không tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng lối sống sống xanh, sạch, tiết kiệm.
Link gốc