Tổ chức đóng điện tại 15 xã biên giới thuộc đề án sắp xếp, ổn định dân cư của Chính phủ. Ảnh: T.G
Nhà nào cũng “sinh năm, đẻ bảy”. Có nhà đông quá, đến bữa cơm phải “điểm danh” cũng chẳng xuể… Nay, Hua Sin, Huổi Ban đã khác, điện về mang theo ánh sáng, kiến thức để phát triển kinh tế, biết cách kế hoạch hóa gia đình.
Đêm buồn nơi biên giới
Từ cuối năm 2019 trở về trước, bản Huổi Ban (điểm bản thuộc diện sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79 của Chính phủ), xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên còn chìm trong bóng tối. Anh Hờ A Chống mạnh dạn đi “xin” điện ở bản Co Lót về. Nhà Chống là gia đình hiếm hoi có ti vi, quạt điện.
Tối nào cũng vậy, hầu hết bà con dân bản tụ tập tại nhà Chống để xem ti vi. Nếu không đến cũng chẳng có việc gì khác ngoài đi ngủ sớm vì không có điện. 74 hộ dân ở điểm bản này luôn khao khát sớm được sử dụng điện lưới quốc gia. Họ cứ miệt mài viết đơn, gõ cửa từng cơ quan, từng cấp, từng ngành mong muốn sớm có được “ánh sáng” của Đảng.
“Bà con mong Nhà nước sớm làm đường điện. Có điện được xem ti vi, nghe người ta tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, phổ biến cách trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế”, Hờ A Chống tâm sự.
Tôi rời điểm bản Huổi Ban vào lúc gà lên chuồng. Trong bóng tối nhá nhem, chị Dợ (vợ của Hờ A Chống) với cái bụng to kềnh càng, khệ nệ chăm sóc đứa con đầu lòng. Hai vợ chồng mới chạp tuổi đôi mươi, thế mà đã có đứa con lớn đi học mầm non. Chỉ ít ngày nữa thôi, họ lại đón thêm một thành viên mới.
Tại bản Hua Sin 1 (xã Mường Nhé), bên ấm trà nghi ngút khói, câu chuyện của trưởng bản Hạng A Sùng, như dẫn chúng tôi ngược thời gian mấy năm về trước: Vào vụ tra hạt năm 2000, mấy gia đình người Mông dừng bước di cư lập bản tại đây. Ngày ấy, rừng ở Chung Chải còn nhiều, Hua Sin như tách biệt với các bản lân cận vì không có điện. Buồn nhất khi đêm về. Bản làng như một thế giới xa lạ, tĩnh mịch, lẻ loi.
Đem văn minh về nơi “phên dậu”
Hơn 3 tháng trôi qua kể từ ngày công bố hoàn thành công trình cấp điện cho 621 hộ ở 15 điểm bản (Đề án 79) thuộc địa bàn 5 xã: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong và Pá Mỳ, vậy mà bà con các dân tộc thiểu số ở huyện biên viễn Mường Nhé cứ ngỡ đang mơ.
Cụ Giàng A Phồng 90 tuổi (bản Mường Toong 4, xã Mường Toong) vẫn chưa tin vào mắt mình. Cụ đòi con cháu bật bóng điện sáng suốt mấy ngày liền như để thỏa ước mong. Mỗi tối, nhìn bầy cháu nhỏ học bài, phụ nữ thêu thùa, dệt vải dưới ánh đèn điện, cụ Giàng A Phồng lại cười và nói với con cháu: “Có cái điện về, người Mông ta được sáng mắt, sáng lòng”!
Trưởng bản Mường Toong 4 - Vừ A Của phấn khởi khoe: Bản có 29 hộ, 100% người dân tộc Mông đều thuộc diện sắp xếp, ổn định dân cư theo Đề án 79. Trước đây, dân bản ở tản mát trong các khu rừng nhưng khi Nhà nước triển khai Đề án 79, được sắp xếp về bản mới. Bà con được hỗ trợ làm nhà, đường và nay được sử dụng điện lưới quốc gia, vui lắm!
Cũng được đóng điện cùng đợt với các bản ở xã Mường Toong, bản Hua Sin 1, Hua Sin 2 như thay da đổi thịt. Khi màn đêm buông xuống, bản Hua Sin bừng sáng giữa núi rừng. “Có điện rồi, dân bản Hua Sin 1, Hua Sin 2 sẽ yên tâm lao động sản xuất; không nghe luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, không bỏ bản di cư như trước nữa”, anh Hạng A Tà (bản Hua Sin 1) xúc động nói khi công nhân về đóng điện trong lễ đấu nối và phát điện.
Để đồng bào ổn cư
Hơn 5 năm trở lại đây, UBND tỉnh Điện Biên đã ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, vốn ODA, do EU tài trợ và vốn ngân sách địa phương triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên, với tổng mức đầu tư lên tới 841 tỷ đồng. Điện Biên đặt mục tiêu mỗi năm có thêm hàng nghìn hộ là người dân tộc thiểu số ở các huyện được sử dụng điện lưới quốc gia. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có thêm 12.953 hộ dân thuộc 276 thôn, bản trên địa bàn 81 xã thuộc 8 huyện: Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ được sử dụng điện.
Đạt được mục tiêu trên, cùng với sự quan tâm của Trung ương và tỉnh còn có cả sự tâm huyết, trách nhiệm của mỗi người, mỗi ngành được giao thực hiện.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết, giao thông, các vị trí cột đặt trên đồi núi, vật tư thiết bị đưa vào công trình phần lớn phải vận chuyển thủ công, mất nhiều thời gian. Song tập thể ngành điện xác định phải đoàn kết, nỗ lực vượt khó để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Mục tiêu làm sao đưa điện đến khắp các bản vùng cao sớm nhất có thể, để giảm bớt khó khăn cho người dân”, ông Trần Đức Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên tâm sự.