Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo về công trình xanh tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội.
Tiêu thụ năng lượng trong xây dựng chiếm từ 22,4% - 30%
Độ tăng trưởng của ngành Xây dựng khá cao, trung bình giai đoạn 2003 - 2012 vào khoảng 12%/năm. Giá trị sản xuất của ngành Xây dựng chiếm khoảng 7% GDP. Mức tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam chiếm từ 22,4% (2003) và 30% (2012) tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia.
Theo Quyết định số 1249/QĐ-TTg ngày 1/8/2011 về danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, cả nước có 1.190 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trong đó có 126 tòa nhà sử dụng năng lượng trọng điểm (tổng mức sử dụng năng lượng trên 500 TOE/năm).
Ông Trần Đình Thái, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trưởng, Bộ Xây dựng, cho biết: Theo điều tra, đối với các công trình mới, có thể tiết kiệm tới 30 - 40% năng lượng nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng, lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ…
Đối với các công trình đang hoạt động, cũng có thể tiết kiệm tới 15 - 25% năng lượng nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và triển khai áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Việc thiết kế các công trình xây dựng mới thành các công trình xanh, đặc biệt là cao ốc xanh, sẽ là một động thái vô cùng tích cực của con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.
Bộ Xây dựng đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế tiến hành khảo sát 57 tòa nhà tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM để làm cơ sở lựa chọn kịch bản áp dụng Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam - các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Dự kiến Quy chuẩn sẽ được Bộ Xây dựng hoàn thiện và ban hành trong năm 2013.
Bộ Xây dựng đang soạn thảo Chiến lược Phát triển công trình xanh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng tiêu chí đánh giá công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Kiến trúc xanh ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu
Với ngành Xây dựng, phát triển công trình xanh và sử dụng tiết kiệm năng lượng nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính và bảo vệ tài nguyên là giải pháp để hạn chế biến đổi khí hậu hữu hiệu.
Đề cập đến yếu tố xanh trong kiến trúc truyền thống Việt Nam với sự gắn kết chặt chẽ con người - kiến trúc - thiên nhiên, đại diện Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam nhận định: Thực trạng kiến trúc Việt Nam hiện nay là quá trình đô thị hóa nhanh bộc lộ nhiều hạn chế như số lượng chưa tương xứng với chất lượng đô thị, phát triển theo hướng “siêu đô thị”, ô nhiễm môi trường, lãng phí đất. Việc đô thị hóa nông thôn dẫn đến các giá trị truyền thống đang mất dần. Bên cạnh đó, kiến trúc còn chưa định hình phong cách cũng là hạn chế lớn của kiến trúc hiện đại Việt Nam.
Kiến trúc xanh là xu hướng của thời đại. Kiến trúc xanh ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu, bắt đầu từ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
Theo Hội KTS Việt Nam, quan điểm phát triển kiến trúc xanh cần tập trung vào phát triển kiến trúc xanh là một bộ phận gắn liền với phát triển bền vững môi trường cư trú; phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển kiến trúc xanh trên cơ sở sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng; có bản sắc văn hóa, lấy con người làm đối tượng và mục đích phát triển, trên cơ sở phát huy tối đa vai trò của các nhân tố đầu tàu cũng như sự tham gia của cộng đồng, của các tổ chức xã hội và doanh nghiệp.
Theo: Thanh tra