Cán bộ kỹ thuật Điện lực Đồng Phú dùng công nghệ máy camera nhiệt để kiểm tra độ an toàn các mối nối đường dây điện lưới.
Quản lý lưới điện bằng công nghệ
Dựa trên nền tảng công nghệ, nhiều sáng kiến ở các khâu sản xuất, kinh doanh, quản lý, vận hành đã góp phần tăng hiệu quả, năng suất lao động của ngành điện. Điển hình như: Sáng kiến điều hành sản xuất online, phần mềm quản lý KPI; phần mềm thanh kiểm tra đánh giá nội bộ; camera kiểm tra nhiệt độ mối nối trên đường dây; bấm tọa độ, vẽ sơ đồ đơn tuyến nhánh rẽ khách hàng; trạm biến áp không người trực; hóa đơn điện tử… Tất cả đều đã được áp dụng rộng rãi giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thủ tục hành chính trong ngành điện.
Đặc biệt, trong quản lý lưới điện, ngành điện đã tiến hành số hóa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu lưới điện trên nền tảng hệ thống thông tin từ phần mềm quản lý nguồn và lưới điện PMIS, phần mềm tính toán độ tin cậy lưới điện OMS. Bên cạnh đó là chương trình thu thập và điều khiển từ xa SCADA và một số chương trình quản lý hồ sơ, sổ sách, nhật ký vận hành điện tử… phục vụ công tác chỉ huy điều độ vận hành lưới điện, khi có sự cố xảy ra, lập tức hệ thống sẽ báo động chính xác vị trí sự cố. Từ đó, nhân viên trực có thể cô lập khu vực xảy ra sự cố, hạn chế cúp điện trên diện rộng. Ông Lại Anh Tùng, Phó phòng Điều độ, Công ty Điện lực Bình Phước chia sẻ: “Việc khai thác hiệu quả các ứng dụng lưới điện thông minh chính là nền tảng để công ty nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng”.
Trước đây, ngành điện lực Bình Phước phải mất từ 5-7 người thay nhau trực trạm điện, nhờ ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành nên hiện chỉ cần 1 bảo vệ trông coi
Để đảm bảo cấp điện ổn định trên địa bàn tỉnh, ngành điện tỉnh đã tập trung ưu tiên xây dựng, cải tạo, sửa chữa lưới điện, nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện. Đồng thời, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Phó giám đốc Phụ trách kinh doanh Công ty Điện lực Bình Phước Lê Tấn Quang cho biết: “Hiện đại hóa hạ tầng lưới điện được thực hiện thường xuyên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các công nghệ đang được áp dụng và đầu tư mới đã mang lại hiệu quả. Dự kiến đến năm 2022, Công ty Điện lực Bình Phước sẽ thay toàn bộ điện kế khách hàng đang dùng bằng điện kế điện tử để thuận lợi cho việc thu thập dữ liệu từ xa; đồng bộ các thiết bị, hạ tầng lưới điện. Với việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, vận hành, giúp Công ty Điện lực Bình Phước đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh cho hơn 290 ngàn khách hàng”.
Hướng đến doanh nghiệp số
Việc triển khai chuyển đổi số của Công ty Điện lực Bình Phước được thực hiện từ năm 2000 trong một số lĩnh vực và đã mang lại những giá trị nhất định như: Số liệu hóa đơn điện được chuyển qua mạng WAN về các đơn vị chủ động in và phát hành cho khách hàng sử dụng điện. Công ty Điện lực Bình Phước cũng đã đầu tư hệ thống mạng WAN kết nối tất cả các đơn vị trực thuộc. Hệ thống máy chủ, thiết bị số hóa từ khâu quản lý, điều hành cho đến người dùng cuối cùng… Năm 2005, đánh dấu bước chuyển đổi số điển hình trong lĩnh vực quản trị văn phòng với hệ thống phần mềm E-Office. Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, vận hành và chăm sóc khách hàng của Công ty Điện lực Bình Phước ngày một phát triển nâng cao và mang lại hiệu quả trong tất cả lĩnh vực. Ông Lê Tấn Quang cho hay: “Trong quá trình phát triển, chúng tôi đã từng bước chuyển đổi và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Đến nay, tất cả lĩnh vực, khâu cơ bản đã được đầu tư số hóa. Trong quản lý, tất cả thông số kỹ thuật lưới điện đều được thu thập và tập trung qua hệ thống mạng về nơi điều hành. Tại trụ sở công ty, chúng tôi có thể điều hành toàn bộ điện lưới toàn tỉnh. Về kinh doanh, dịch vụ khách hành, chúng tôi có cơ sở dữ liệu hơn 290 ngàn khách hàng. Qua ứng dụng công nghệ số, việc tương tác giữa ngành điện và khách hàng với các dịch vụ tiện ích rất dễ dàng, hiệu quả”. Ông Quang cho biết.
Để tiến tới số hóa toàn bộ, Công ty Điện lực Bình Phước cũng đã xây dựng và đề ra kế hoạch chuyển đổi số. Lộ trình giai đoạn 2021-2025, xác định mục tiêu là tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những tiến bộ của công nghệ để thích ứng hiệu quả các thách thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tập trung vào 3 lĩnh vực: Xây dựng văn hóa số, hoạt động nghiệp vụ và hạ tầng phục vụ chuyển đổi số. Theo đó, giai đoạn 2021-2022 với mục tiêu xây dựng văn hóa số, thực hiện chuyển đổi số ở một số hoạt động nghiệp vụ để giải quyết các bài toán hiện tại. Tiến tới xây dựng các nền tảng cơ bản phục vụ chuyển đổi số phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Giai đoạn 2023-2025, trên cơ sở đã triển khai ở giai đoạn 1, tiếp tục triển khai chuyển đổi số toàn diện trong các hoạt động nghiệp vụ cùng với việc nghiên cứu một số dịch vụ mới phục vụ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng ngày càng cao và hiệu quả tốt nhất.
“Trên nền tảng công nghệ số, Công ty Điện lực Bình Phước đã và đang triển khai áp dụng trong nhiều lĩnh vực và đem lại hiệu quả cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đầu tư đồng bộ từ nhân lực đến hạ tầng cơ sở, ứng dụng công nghệ mới để mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng ngày càng tốt nhất. Hướng tới doanh nghiệp số theo lộ trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam” - Phó giám đốc Phụ trách kinh doanh Công ty Điện lực Bình Phước- Lê Tấn Quang cho biết.
Quản lý lưới điện trên nền tảng công nghệ là một trong những giải pháp để Công ty Điện lực Bình Phước số hóa thông tin quản lý hạ tầng lưới điện, phục vụ chia sẻ dữ liệu, quản lý điều hành và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc khai thác hiệu quả các ứng dụng lưới điện thông minh cũng là nền tảng để số hóa thông tin quản lý hạ tầng lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng. Từ những bước đi bài bản đã và đang giúp ngành điện hoàn thiện dần lưới điện thông minh, hướng tới chuyển đổi số hoàn toàn vào năm 2025.