Trong hoạch định, Vĩnh Phúc cơ bản sẽ trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015 và thành phố Vĩnh Phúc những năm 20 của thế kỷ 21. Đáp ứng yêu cầu đó, những năm qua PCVP luôn chủ động xây dựng kế hoạch, đưa ra những giải pháp “Đi tắt đón đầu”, đầu tư hệ thống lưới điện hiện đại, hoàn chỉnh, đồng bộ, đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ cho nền kinh tế. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc PCVP cho biết: Với chủ trương đáp ứng tốc độ phụ tải và nhu cầu điện năng ngày càng tăng của khách hàng, hàng năm, công ty đầu tư trên 200 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, xây mới các dự án, công trình điện; từng bước nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo đủ nguồn và giảm tổn thất điện năng, góp phần nâng cao hiệu quả SXKD của đơn vị.
Kỹ sư Công ty Điện lực Vĩnh Phúc vận hành, kiểm tra thông số Trạm biến áp 110 kV Vĩnh Tường.
Hiện nay, hệ thống lưới điện của tỉnh đang được cung cấp bởi 7 trạm biến áp, với dung lượng 60.500 KWA, gồm: Trạm 220 kV Hương Canh và 6 trạm 110 kV: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Lập Thạch, Thiện Kế, Vĩnh Tường và Hội Hợp; với 1.305,77 km đường dây trung thế, 1.918,84 km đường dây hạ thế, 11 trạm biến áp trung gian, đáp ứng cho hơn 176.000 khách hàng sử dụng điện. Với hệ thống điện được đầu tư đồng bộ, tương đối hiện đại và thường xuyên được tu bổ, nâng cấp, nên về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc đang trong giai đoạn phát triển mạnh về công nghiệp, do vậy nhu cầu sử dụng điện của KCN ngày càng tăng mạnh, nhất là đối với các doanh nghiệp nước ngoài đòi hỏi cao về chất lượng nguồn điện. Để đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn cho khách hàng, PCVP đang tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống lưới điện, giảm tổn thất điện để đem lại hiệu quả trong SXKD.
Trước tốc độ đô thị hóa của tỉnh diễn ra nhanh chóng hiện nay, đồng nghĩa với tăng trưởng về điện càng tăng (trung bình trên 15%/năm). Trên cơ sở đó, hàng năm, PCPV tiến hành khảo sát, đánh giá mức tăng trưởng sản lượng điện ở từng khu vực, từ đó chỉ đạo điều hành SXKD điện, quan tâm đến nhu cầu dùng điện của từng khách hàng, phụ tải điện của từng khu vực qua từng tuần, từng tháng để lên kế hoạch phân phối hợp lý, bảo đảm tính kinh tế, sự ổn định của hệ thống điện. Các điện lực trực thuộc căn cứ chỉ tiêu công ty giao, thực hiện giao kế hoạch đến các đội sản xuất như tổn thất đường dây trung áp, tổn thất lưới điện sau các TBA công cộng, thực hiện áp giá đúng đối tượng..., do đó, các chỉ tiêu kinh doanh như điện thương phẩm, tỷ lệ tổn thất, giá bán bình quân, doanh thu, của đơn vị từ đầu năm đến nay đều hoàn thành vượt mức. Chỉ tính riêng năm 2014, tổng sản lượng điện thương phẩm của công ty đạt gần 1.446 triệu kWh, tăng hơn 14% cùng kỳ và tăng 17 lần so với năm 1997. Giá bán điện bình quân đạt 1.411,6 đ/kWh, tỷ lệ tổn thất điện năng đạt 5,35%, đứng ở tốp 5 công ty có tổn thất điện năng thấp nhất các công ty Điện lực miền Bắc; bảo đảm nguồn điện cung cấp cho phát triển KT-XH.
Để đáp ứng tốc độ phụ tải và nhu cầu tăng trưởng, hàng năm công ty đều có kế hoạch đầu tư cải tạo, xây mới, nâng cấp toàn bộ hệ thống lưới điện, góp phần nâng cao chất lượng lưới điện trên hệ thống. Riêng năm 2014, PCVP được Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc giao kế hoạch vốn 69 công trình, với tổng kinh phí gần 145 tỷ đồng và triển khai dự án: Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn (dự án KFW1) bằng vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức. Các dự án, công trình chủ yếu đầu tư vào việc chống quá tải lưới điện gồm, cải tạo và nâng cấp đường dây trung thế với chiều dài đường dây hơn 30 km; xây mới và nâng công suất 44 trạm biến áp nhằm chống quá tải; xây dựng mới các xuất tuyến từ trạm 110 kv Hội Hợp; xây dựng các mạch vòng để đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định cho khách hàng; xây dựng 30 km đường dây mới 35 kV và 22 kV… Đến hết ngày 5-12-2014, các công trình triển khai thi công cơ bản đã xong và đóng điện đưa vào vận hành để khai thác và sử dụng.
Thực hiện Dự án Nâng cao năng lượng khu vực nông thôn vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), trị giá 197 tỷ đồng, công ty tập trung cải tạo, nâng cấp mở rộng lưới điện phân phối trung áp, trạm biến áp và lưới điện hạ áp ở các khu vực nông thôn mới tiếp nhận. Đã xây dựng mới 33 km đường dây trung thế, 84 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 25.560 KVA; cải tạo và xây mới 377 km đường dây hạ thế và đã hoàn thành giai đoạn I, trị giá 97 tỷ đồng; góp phần tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện áp, điện năng, nâng cao chất lượng cung cấp điện. Dự kiến giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục được triển khai vào cuối năm 2014 với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng trên địa bàn 28 xã, thị trấn của 9/9 huyện, thành, thị. Khối lượng thực hiện trong giai đoạn 2 bao gồm: Xây dựng mới và cải tạo gần 30 km đường dây trung áp, lắp mới 3 bộ cầu dao phụ tải, xây dựng mới 29 trạm biến áp, cải tạo thay đổi cấp điện áp 3 trạm biến áp, chuyển nấc điện áp vận hành 10kv lên 22kv với tổng công suất 9.200 KVA; xây dựng mới và cải tạo 128 km đường dây hạ áp.
Đáp ứng nguồn điện của tỉnh công nghiệp và nhu cầu về điện ngày càng tăng của khách hàng, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc PCVP cho biết: "Căn cứ vào quy hoạch các KCN, CCN đã được Chính phủ phê duyệt và tốc độ phụ tải của các khu vực, công ty tích cực triển khai xây dựng các trạm biến áp: 110 kV Vĩnh Yên 2, Tam Đảo và Tam Dương. Song song với đó, xây dựng các đường nguồn, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu khách hàng về điện".