Công ty Phát triển điện lực J-Power (Nhật Bản) đang nghiên cứu đầu tư để thực hiện dự án phát triển nhiệt điện tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Ảnh minh họa.
Ngày 12.4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Công ty Phát triển điện lực J-Power để nghe trình bày ý tưởng thực hiện dự án phát triển nhiệt điện tại KKT Dung Quất. Đây là công ty hoạt động trên lĩnh vực cung cấp và kinh doanh điện năng do Chính phủ Nhật Bản thành lập.
Tại buổi làm việc, ông Jahana Takashi, Giám đốc Ban kinh doanh phát triển điện quốc tế của Công ty J-Power cho biết: qua một thời gian khảo sát sơ bộ, công ty mong muốn tỉnh Quảng Ngãi cho phép thực hiện các cuộc khảo sát, nghiên cứu để lập Báo cáo tiền khả thi đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại KKT Dung Quất.
Dự án sẽ triển khai 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1, công ty đầu tư xây dựng nhà máy sử dụng công nghệ siêu tới hạn, với công suất lên đến 2.400 MW, thời gian vận hành thương mại dự kiến vào năm 2028.
Giai đoạn 2, xây dựng nhà máy sử dụng công nghệ chu trình hỗn hợp khí hóa than phát điện (IGCC) với công suất lắp máy 2.000 MW; thời gian vận hành thương mại từ năm 2030.
Nguồn than nhập khẩu: Úc, Nga, Indonesia... hoặc trong nước.
Đồng thời, công ty cam kết sẽ áp dụng tất cả các biện pháp tối ưu để bảo vệ môi trường khi triển khai các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu tại địa điểm xây dựng, bao gồm cả các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, khói, bụi, tiếng ồn.
Lãnh đạo công ty cũng cho biết nguyên nhân muốn xây dựng nhà máy điện than với quy mô lớn tại KKT Dung Quất vì tại đây có cảng biển nước sâu rất lợi thế, đáp ứng cho tàu chở than tải trọng lớn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng hoan nghênh sự quan tâm của Công ty Phát triển điện lực J-Power và khẳng định luôn tạo điều kiện và sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư để thực hiện dự án này trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ông Dũng cũng yêu cầu J-Power cần nêu rõ diện tích sử dụng đất, ranh giới thực hiện dự án; tổng vốn đầu tư; số lượng lao động phục vụ nhà máy và cam kết về bảo vệ môi trường cũng như có giải pháp tối ưu về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, khói, bụi, tiếng ồn…
Sau khi có ý kiến trên của công ty, UBND tỉnh sẽ có văn bản chấp thuận cho đơn vị khảo sát, nghiên cứu để lập Báo cáo tiền khả thi đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại KKT Dung Quất.
Theo: Một thế giới