Tin trong nước

Công ty Nhiệt điện Sơn Động: Nỗ lực trong gian khó

Thứ ba, 30/9/2014 | 08:20 GMT+7
Công suất thiết kế 220 MW; tổng vốn đầu tư 3,7 nghìn tỷ đồng; phát điện thương mại từ đầu năm 2011, Công ty Nhiệt điện Sơn Động -Tổng công ty Điện lực Vinacomin là một trong những đơn vị đầu tiên của Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) gặt hái thành công trong lĩnh vực điện năng.


Nhà máy nhiệt điện Sơn Động

Sau gần 4 năm hoạt động hiệu quả, cùng 4 đơn vị sản xuất điện năng khác của TKV, Công ty Nhiệt điện Sơn Động không chỉ giúp khẳng định chủ trương mở rộng lĩnh vực kinh doanh là đúng đắn mà còn góp phần quan trọng vào các chỉ số tăng trưởng của tập đoàn kinh tế này.

Chưa đầy một năm sau khi phát điện thương mại với rất nhiều khó khăn, như: hệ thống thiết bị trong giai đoàn đầu vận hành chưa ổn định, cần tiếp tục điều chỉnh; trong giai đoạn đầu hoàn vốn đầu tư; đội ngũ cán bộ, công nhân viên chưa làm chủ công nghệ… Tuy nhiên, với truyền thống “Kỷ luật, đồng tâm” của ngành than, với nỗ lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công nhân viên, người lao động, công ty đã minh chứng sức vươn mạnh mẽ ngay những tháng đầu hoạt động. Nói về những kết quả đạt được, ông Nghiêm Xuân Chiến – Giám đốc công ty Nhiệt điện Sơn Động -  cho biết, giai đoạn 2011 – 2013, công ty đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh  của tổng công ty giao và đạt công suất theo thiết kế. Kết thúc năm 2013, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật theo kế hoạch đều được đơn vị hoàn thành ở mức cao.

Bước vào năm 2014, với “rất nhiều khó khăn, trước hết là việc tuân thủ điều tiết của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương trong điều kiện giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao; giá bán điện chưa bám sát các yếu tố cấu thành giá sản xuất điện, nên đơn vị gặp nhiều khó khăn” – ông Chiến nói và khẳng định rằng, không vì thế mà đơn vị không nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Ông Nghiêm Xuân Chiến  - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động:

Đề nghị tổng công ty, tập đoàn và cơ quan cấp trên xem xét, tính toán đưa chỉ số chênh lệch tỷ giá vào giá thành bán điện để giảm bớt khó khăn trong thu hồi vốn đầu tư nhà máy, bảo đảm đến năm 2017, đơn vị bắt đầu có lãi theo kế hoạch.
Theo kế hoạch năm 2014, đơn vị được giao nhiệm vụ phát 1,25 triệu kWh, bảo đảm doanh thu trên 1,536 nghìn tỷ đồng. Sau 8 tháng, đã hoàn thành gần 819 nghìn kWh, bằng 65,6%; doanh thu đạt 72%, tương đương gần 935 tỷ đồng. Những kết quả này là yếu tố quan trọng để đơn vị bảo đảm mức thu nhập bình quân cho 350 cán bộ, công nhân viên ở mức trên 9 triệu đồng/người/tháng, trong khi theo kế hoạch năm 2014, con số này chỉ là hơn 6,6 triệu đồng.

Nói về nguyên nhân của những tăng trưởng ổn định này, ông Chiến cho rằng, đó là kết quả từ việc thường xuyên đẩy mạnh công tác cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Từ các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng đã góp phần không nhỏ nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ thiết bị, hỗ trợ vận hành, xử lý sự cố, sửa chữa thiết bị. Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty đã thực sự quan tâm đến công tác cải thiện điều kiện làm việc cũng như công tác an sinh - xã hội của người lao động.

“Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hai khu nhà ở cho các hộ gia đình và cán bộ, công nhân viên độc thân của đơn vị. Ngoài ra, còn có các khu nhà chức năng như bếp ăn tập thể, sân bóng đá, khu vui chơi… để cải thiện đời sống tinh thần cho người lao động” - ông Chiến nói.

Dù đạt được những thành tích đáng khích lệ, song công ty cũng gặp phải không ít khó khăn. Theo ông Chiến, ở thời điểm này, doanh nghiệp kiến nghị  xem xét điều chỉnh đơn giá tiền lương. Lý giải cụ thể hơn, ông Chiến nhấn mạnh: đơn giá tiền lương theo kế hoạch là 18,3 đồng/1.000 đồng doanh thu với 1,25 triệu kWh sản lượng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên khả năng hoàn thành chỉ tiêu 1,25 triệu kWh trong năm 2014 là rất khó, nên cần xem xét lại đơn giá tiền lương để bảo đảm thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, ông Chiến cũng kiến nghị, để giữ chân người lao động, ngoài khoản kinh phí thu hút lao động hiện bằng 0,2%/lương cơ bản, cần có thêm khoản chi khuyến khích người lao động. “Điều kiện làm việc vất vả; giao thông khó khăn; xa gia đình; các thiết chế văn hóa chưa phát triển… nên không ít cán bộ, kỹ sư, người lao động có trình độ, tay nghề cao đã chuyển công tác, thậm chí bỏ việc” - ông Chiến giãi bày.
Theo: Công Thương