Cả 6 tổ máy của NMTĐ Sơn La đều vận hành ổn định.
Đặc biệt cả 2 nhà máy đều vượt sản lượng thiết kế, cao nhất từ trước đến nay, trong đó NMTĐ Sơn La đạt 10,8 tỷ kWh, NMTĐ Lai Châu đạt 4,95 tỷ kWh.
Nộp ngân sách nhà nước 3.000 tỷ đồng
Năm 2018, mặc dù tình hình thuỷ văn bất thường nhưng Công ty đã chủ động theo dõi chặt chẽ để đề xuất, phối hợp vận hành đảm bảo đúng quy trình, tận dụng tối đa nguồn nước cho phát điện.
Chủ động tham mưu đề xuất với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia và các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đà để khai thác hiệu quả nguồn nước, giảm xả thừa, cắt lũ cho hạ du và phối hợp phục vụ cấp nước cho đồng bằng Bắc Bộ.
Công tác quản lý chất lượng công trình, hành lang bảo vệ hồ chứa luôn được thực hiện theo các quy định hiện hành. Báo cáo đánh giá an toàn ổn định đập và các hạng mục công trình được Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang Sông Đà đánh giá cao, số liệu tin cậy và phản ánh chính xác tình hình hoạt động của toàn bộ công trình.
Năm 2018, Công ty đã thực hiện nộp ngân sách Nhà nước xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Trong đó nộp tại tỉnh Sơn La tổng là 1.345 tỷ đồng; Tỉnh Lai Châu tổng là 937 tỷ đồng; Tỉnh Điện Biên tổng 190 tỷ đồng thuế tài nguyên. Phí dịch vụ môi trường rừng nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam tổng là 518 tỷ đồng.
Cùng với đó, các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương được duy trì thực hiện thường xuyên, mang lại hiệu quả cao. Công tác an sinh xã hội đã nâng cao ý thức trách nhiệm của từng CBCNV trong Công ty, đồng thời thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp với nhân dân, chính quyền địa phương. Tổng giá trị thực hiện công tác an sinh xã hội do Công ty thực hiện năm 2018 đạt gần 1,7 tỷ đồng.
Công ty và Công đoàn Công ty rất quan tâm đến công tác phát động phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Năm 2018, Công ty có 10 giải pháp được công nhận là sáng kiến cấp Tập đoàn. Tất cả các giải pháp được đưa ra góp phần vận hành ổn định, tăng hệ số tin cậy của tổ máy, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào thiết bị nhập khẩu nước ngoài, tiết kiệm chi phí trong quản lý vận hành.
Vận hành an toàn, ổn định 2 nhà máy
Ông Khương Thế Anh – Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết: Năm 2019, Công ty đưa ra mục tiêu tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong các hoạt động sản xuất của Công ty nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý vận hành an toàn 2 Nhà máy Thủy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó, xây dựng Công ty Thủy điện Sơn La là đơn vị đứng đầu khối các Công ty Thủy điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ kế hoạch được giao, góp phần cùng Tập đoàn trong công tác quản lý vận hành tuyệt đối an toàn công trình, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế đất nước.
Công ty đưa ra chỉ tiệu cụ thể, trong đó sản xuất điện đảm bảo theo quy trình vận hành hồ chứa và phương thức vận hành của Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia với sản lượng đạt và vượt 12,432 tỷ kWh (Trong đó NMTĐ Sơn La là 8,326 tỷ kWh; NMTĐ Lai Châu là 4,106 tỷ kWh).
Vận hành an toàn hiệu quả 2 nhà máy thủy điện, không để xảy ra sự cố, tai nạn lao động do nguyên nhân chủ quan gây thiệt hại cho người và thiết bị. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm dịch vụ sửa chữa EVN hoàn thành công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên công trình xây dựng và các hạng mục đầu tư xây dựng được Tập đoàn giao.
Giao nhiệm vụ cho Công ty Thủy điện Sơn La trong năm 2019, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân yêu cầu Công ty cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường kết hợp với hệ thống giám sát trực tuyến, hệ thống điều khiển tổ máy để chủ động phát hiện khiếm khuyết, phòng ngừa sự cố có thể xảy ra. Phối hợp chặt chẽ với A0 để nâng cao khả năng vận hành hệ thống tự động điều khiển tổ máy đáp ứng yêu cầu ổn định hệ thống điện quốc gia. Chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên ngành khẩn trương trình Tập đoàn phê duyệt đề án vận hành hồ chứa theo thời gian thực các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đà. Tăng cường theo dõi và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị dự báo khí tượng thủy văn, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, A0 tính toán, đề xuất phương án vận hành hợp lý, tránh xả thừa. Chủ động phối hợp với các nhà máy thủy điện trên lưu vực phối hợp vận hành tối ưu hồ chứa, tận dụng tối đa nguồn nước. Ngoài ra tăng cường kiểm tra, quan trắc trong lĩnh vực an toàn đập, hành lang bảo vệ hồ chứa; Thường xuyên tuyên truyền bảo đảm quá trình vận hành các tổ máy và khi xả lũ đảm bảo an toàn tuyệt đối.