Với việc giải quyết bài toán cung cấp điện cho miền Trung từ nguồn thủy điện qua việc đầu tư xây dưng nhà máy thủy điện Yaly, Vĩnh Sơn, An Điềm và giải pháp đầu tư đường dây tải điện từ miền Bắc vào, Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Năng lượng và Công ty điện lực 3 vào tháng 11/1987 khởi công công trình HTĐ 220-110kV Vinh- Đà Nẵng (miền Trung nhận điện từ trạm 220kV Hưng Đông -TP Vinh) bao gồm đường dây và trạm 110kV tuyến Đồng Hới - Huế, Huế - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhằm đưa điện từ thủy điện Hòa Bình vào cung cấp điện cho 5 tỉnh (tháng 7/1990 HTĐ Vinh - Đà Nẵng 468km).
Để chuẩn bị vận hành công trình, Bộ Năng lượng đã quyết định thành lập Sở Truyền tải điện 1 trực thuộc Công ty Điện lực 3 (PC3) từ ngày 1/5/1990 trên cơ sở chuyển Ban QLCCT điện thành Sở Truyền tải điện 1, làm nhiệm vụ quản lý lưới điện 110kV trở lên tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi với các đơn vị ban đầu là Đội truyền tải điện Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, TBA 220kV Đồng Hới, TBA 110kV Đông Hà, Huế, Xuân Hà. Thời gian sau đó, đơn vị phải nỗ lực tiếp tục đầu tư đường dây và trạm để cung cấp điện cho tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và điện để thi công nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn. Sau khi MBA 63MVA TBA 220kV Đồng Hới vào vận hành ngày 23/1/1992 thì đóng điện đường dây 110kV đưa điện lưới từ phía Bắc vào đến Quảng Ngãi. Trong thời gian này các tổ đường dây Quảng Ngãi, Vĩnh Sơn, Quy Nhơn tham gia nghiệm thu và đưa vào vận hành 130+90 km đường dây 110kV Quảng Ngãi - Vĩnh Sơn - Quy Nhơn vận hành với điện áp 35kV cấp điện thêm cho tỉnh. Ngày 1/8/1990 lưới điện 110kV chính thức cấp điện Quảng Nam - Đà Nẵng qua trạm 110kV Xuân Hà.
Giai đoạn từ 27/5/1994 đến khi đổi tên thành Công ty Truyền tải điện 2 (1/4/1995)
Sau thời điểm 27/5/1994, Sở TT điện 1 và Ban CBSX 500kV đèo Ngang - Pleiku tiếp tục tổ chức quản lý vận hành lưới điện 110 - 220 - 500kV với 10 đội ĐZ và 2 trạm 500kV Đà Nẵng, Pleiku, các trạm biến áp 110- 220kV trong khu vực, lắp đặt vận hành các đấu nối thiết bị cấp 110 - 220kV sau MBA 500kV Đà Nẵng (9/1994) và sau MBA 500kV Pleiku (11/1994). Đồng thời hợp nhất tổ chức quản lý đơn vị, tổ chức quản lý - sửa chữa lưới điện 110 - 220kV để quản lý lưới điện có nhiều cấp điện áp, nhiều tiêu chuẩn và công nghệ thiết bị khác nhau. Sau đó chuẩn bị tổ chức lại Công ty với điều lệ là đơn vị trực thuộc Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN). Ngày 3/4/1995, Sở Truyền tải điện 1 chính thức được đổi thành Công ty Truyền tải điện 2 trực thuộc EVN và được Bộ năng lượng giao vốn quản lý, chính thức tách ra từ Công ty điện lực 3 (nay là Tổng công ty điện lực miền Trung - CPC). Công ty phải vừa tự chủ bảo đảm vận hành lưới điện theo phương thức vận hành của điều độ A0, A3, tiếp tục lắp đặt các thiết bị để nâng cấp lưới điện, tổ chức công tác sửa chữa bảo dưỡng trong EVN với mô hình có tổ chức các Truyền tải điện tỉnh, đồng thời hoàn thành quyết toán CBSX với Ban A500kV, tiếp nhận tài sản công trình 500kV của ban vận hành HTĐ Bắc - Nam. Kể từ đây Công ty trưởng thành với tổ chức quản lý đơn vị trong mô hình mới, lực lượng vận hành lưới điện và hệ thống thông tin cáp quang Công ty được cán bộ kỹ thuật áp dụng các kiến thức học tập từ Úc, Bỉ, từ Ban CBSX A8 và các trường đại học trong nước về hệ thống truyền tải siêu cao áp, các nguyên lý vận hành và sửa chữa hệ thống thiết bị điện, hệ thống truyền dẫn cáp quang thông qua các quy trình nhiệm vụ - vận hành của Bộ NL ban hành. Trước đó Công ty cũng phải tổ chức quản lý vận hành sửa chữa lưới 110kV với việc bổ sung tiếp địa, thay xà - cột các vị trí xung yếu của lưới điện khắc phục các tồn tại để sẵn sàng cho việc tiếp nhận nguồn điện sau các MBA 220kV của trạm biến áp 500kV.
Giai đoạn PTC2 về EVN từ 1/4/1995 đến khi chuyển lưới điện 110kV cho PC3 1/4/2007 và hình thành EVNNPT (1/7/2008)
Công ty thường xuyên phối hợp vận hành với các đơn vị trong khu vực như AMT, PC3, A3 và các điện lực trong khu vưc với nhiệm vụ chính trị và kinh tế là bảo đảm cung cấp điện cho phụ tải. Với lưới điện 500kV Công ty nỗ lực duy trì khả năng vận hành an toàn và ổn định cho mạch 500kV Bắc- Nam. Công tác bảo vệ HTĐ 500kV và hành lang lưới điện cao áp với các tỉnh từ Quảng Bình đến Gia lai đã nâng lên một mức tự chủ cao hơn trong công tác quản lý, công tác lãnh đạo của tổ chức Đảng, hệ thống chính trị, hoạt động công đoàn, đoàn thanh niên ngày càng lớn mạnh. Trong giai đoạn này, Công ty hoạt động với chức năng quản lý vận hành truyền tải, sửa chữa và đầu tư trong cơ cấu tổ chức mới của EVN với quy mô phân cấp sửa chữa, quản lý vận hành và phân cấp ủy quyền đầu tư với các nội dung giao tự chủ cho các hoạt động của Công ty về đấu thầu, đầu tư và thanh quyết toán.
Trong giai đoạn này cùng với sự thay đổi cấp điện áp trung thế 22kV của phụ tải, Công ty phối hợp với AMT để nghiệm thu tiếp nhận các trạm biến áp có MBA cấp điện áp 22kV được chuyển đổi ở chế độ nối đất là trung tính nối đất trực tiếp ở trạm Xuân Hà, Quảng Ngãi, Huế, trang bị thêm MBA 22/35kV để khai thác tải phía 22kV, hệ thống rơ le bảo vệ được sửa chữa đầu tư từ Rơ le điện từ qua Rơ le số, bổ sung các cụm Tụ bù Ngang 110kV để nâng cao hệ số công suất cos phi. Nhằm nâng cao tính linh hoạt trong vận hành, Công ty tham gia đầu tư hoàn thiện các sơ đồ 110kV, bổ sung hệ thống SCADA và nâng công suất - sắp xếp các MBA 110kV để vận hành tối ưu hóa với tổng số 11 MBA. Đồng thời để nâng cao khả năng vận hành an toàn giữa các trạm 220kV Công ty đầu tư mới hai mạch 180km đường dây 110kV Đồng Hới - Huế, phối hợp địa phương dịch chuyển đường dây 110kV phục vụ phát triển hạ tầng như di dời ĐZ 110kV tránh khu du lịch Lăng Cô, di dời ĐZ 110kV tránh thành phố Tam Kỳ, Huế. Trong quá trình vận hành đã tổ chức tốt xử lý sự cố sạt lở vị trí 371 (đèo Hải Vân) ĐZ 110kV Huế - Đà Nẵng, không có sự cố cháy nổ thiết bị cấp 110kV tại các trạm biến áp. Công ty đã tổ chức bàn giao toàn bộ lưới 110kV cho PC3 (trừ trạm 110kV Quận 3 và Dung Quất) với các thiết bị đã được EVN cho đầu tư và 460 lao động.
Với lưới điện 220kV, trong nững năm 2002, 2003 Công ty tham gia giám sát, nghiệm thu để đưa vào vận hành trục truyền tải 220kV với mạch 1 - ĐZ 220kV Đà Nẵng - Hòa Khánh - Huế và Đà Nẵng - Dốc Sỏi tăng cường liên lạc và công suất cấp điện 110kV qua trạm 220kV Hòa Khánh, Huế, Dốc Sỏi các ĐZ 110- 220kV trục liên tỉnh đã góp phần làm cơ sở nền tảng để Công ty và PC3 sau này đầu tư thêm các trạm 110kV và tổ chức đấu nối thủy điện cũng như các nhà máy năng lượng tái tạo. Với định hướng phát triển trạm biến áp nguồn cung cấp, hoán chuyển và đầu tư các MBA 63, 125MVA để cấp điện cho KCN Dung Quất ở trạm 220kV Dốc Sỏi, NCS trạm 220kV Đồng Hới…
Với lưới điện 500kV tiếp tục nâng cao khả năng vận hành, sửa chữa của 10 đội ĐZ, đồng thời thành lập thêm các đội do lưới 220kV phát triển là Phú lộc Tam Kỳ, Quảng Ngãi và khi có ĐZ 500kV Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng và Đà Nẵng - Hà Tĩnh phát triển thêm 3 đội Kon- Plong, Sơn Hà, Vĩnh Linh (năm 2005). Trong giai đoạn này Công ty bảo đảm vận hành và phòng chống thiên tai với việc xử lý các vị trí sạt lỡ sau mưa lũ ở miền Trung, tiếp tục khắc phục các tồn tại chưa đạt ổn định nền móng công trình của các vị trí xung yếu ở khu vực đèo Hải Vân, Lò xo, ĐakGlei như 1905, 1906, 1864, 1911, 198. Công ty phải xử lý sự cố, hàn nối cáp quang và dây chống sét, đầu tư - học tập công nghệ sửa chữa nóng thay sứ ĐZ 500kV đang mang điện. Công ty tiếp tuc tổ chức CBSX, giám sát và nghiệm thu ĐZ 500kV mạch 2, xử lý sự cố và tồn tại của một số vị trí xung yếu ĐZ Đà Nẵng - Hà Tĩnh 0602, 0603 trên đèo Hải Vân, xử lý sự cố xung yếu vị trí 276, 255 ĐZ 500kV Pleiku - Dốc Sỏi, tổ chức đầu tư sửa chữa đường vào tuyến các vị trí xung yếu để giúp công nhân thuận tiện quản lý vận hành. Ban đầu khi đường dây 500kV mới được tiếp nhận vận hành, đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ cán bộ còn thiếu, chưa quen với công việc, đặc biệt là các đơn vị vùng sâu vùng xa. Đứng trước tình hình trên, lãnh đạo Công ty cùng các tổ chức đoàn thể đã từng bước cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt, vận động CBCNV nỗ lực vượt khó vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ chung, các hoạt động chăm lo đời sống và cơ sở vật chất cho người lao động đều được quan tâm rộng khắp. Cho đến hôm nay có thể khẳng định PTC2 đã đứng vững, đi lên và khẳng định vị trí của mình trong ngành Điện ở khu vực miền Trung. Công ty cũng đã giải quyết tốt việc xử lý sự cố do thiết bị vận hành lâu năm ở trạm 500kV Đà Nẵng, bổ sung các thiết bị đóng cắt … Thực hiện theo chủ trương của EVN thay thế nâng dung lượng Tụ bù dọc từ 1000A lên 2000A và bổ sung Kháng bù ngang để nâng cao khả năng truyền tải và ổn định điện áp vận hành trong giới hạn cho phép.
Giai đoạn từ 1/7/2008 từ khi thành lập EVNNPT cho đến nay
Đến tháng 7/2008, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia chính thức được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban QLDA CCT Điện Bắc, Trung, Nam. PTC2 chính thức hoạt động theo mô hình chi nhánh của Công ty TNHH nhà nước một thành viên (EVNNPT), PTC2 tiếp tục có nhiệm vụ quản lý vận hành và đầu tư phát triển lưới điện truyền tải điện 220 - 500kV trong phạm vi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, cung cấp điện cho các trạm biến áp 110kV của Tổng công ty điện lực miền Trung. Có thể nói đây là một sự kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đánh dấu trong mốc son trên bước đường xây dựng và phát triển Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia nói chung và của Công ty Truyền tải điện 2 nói riêng.
Trong giai đoạn với bối cảnh thời kỳ mới thành lập EVNNPT, nền kinh tế đất nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu; vốn đầu tư, chi phí truyền tải có hạn chế. PTC2 gặp nhiều khó khăn cần giải quyết công tác thay thế thiết bị trong sửa chữa lớn do đã vận hành lâu năm, quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm được EVNNPT duyệt đang thiếu vốn. Tuy vậy Công ty vẫn nâng cao hoạt động truyền tải theo luật điện lực và các yêu cầu của Bộ Công thương đồng thời với việc phối hợp tham gia đầu tư hoặc giám sát đưa vào vận hành các ĐZ 220kV đấu nối nguồn thủy điện miền trung gần 2000MW tại các vùng Tây Thừa thiên - Huế (ĐZ 220kV đấu nối thủy điện A lưới); các cụm thủy điện ở Tây Quảng Nam, như A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4 được nối lên lưới 500kV Thạnh Mỹ - Pleiku và chuyển tải luồng công suất qua ĐZ 220kV Thạnh Mỹ- Hòa Khánh (đặc biệt trong phương thức ưu tiên 2 tổ máy của thủy điện A Vương cấp riêng cho thành phố Đà Nẵng khi có sự cố lưới 500kV); ngoài ra cụm thủy điện Bắc Trà My được khai thác đấu nối vào trạm 220kV Sông Tranh 2 và truyền tải về trạm Tam kỳ qua ĐZ 220kV Sông Tranh 2- Tam Kỳ; thủy điện khu vực Quảng Ngãi được thu gom về trạm Sơn Hà để truyền tải về trạm 500kV Dốc Sỏi. Trong phương thức phối hợp A3 Công ty đặc biệt quan tâm giám sát và khai thác các ĐZ 220kV đấu nối sau các trạm 500kV để góp phần tiếp nhận ngồn thủy năng, cung cấp điện cho các trạm 220 - 110kV trên địa bàn. Trong giai đoạn này cùng với việc tiếp nhận vận hành thêm 2 trạm 500kV Dốc Sỏi 450 MVA và Thạnh Mỹ (2x450 MVA), Công ty đảm bảo vận hành ổn định điện áp của các đoạn ĐZ 500kV Bắc- Nam và ĐZ 500kV mạch 2 Pleiku- Dốc Dỏi- Đà Nẵng bằng việc trang bị nâng cấp hệ thống tụ bù dọc 2000A và máy cắt, kháng bù ngang ở các trạm 500kV Hà Tĩnh, Vũng Áng, Đà Nẵng, Pleiku, Thạnh Mỹ.
Đối với việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho các trạm 110- 220kV miền Trung, để góp phần từng bước cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội với độ tin cậy cao, giảm thiểu sản lượng không cung cấp điện từ lưới truyền tải thông qua các kế hoạch đầu tư nâng cấp lưới điện 220kV đáp ứng tiêu chí N-1. Công ty đã tham gia giám sát và đầu tư nâng cấp mạch 2 cho các ĐZ 220kV và MBA 220kV số 2 cho TBA trên trục lưới 220kV từ Vũng Áng - Ba đồn - Đồng Hới, mạch 1 ĐZ 220kV Đồng Hới - Huế cho đến ĐZ Huế - Hòa Khánh- Đà Nẵng - Dốc Sỏi, Dốc Sỏi - Quảng Ngãi cho đến Quảng Ngãi - Phù Mỹ - Phước An (Bình Định).
Ngoài việc đầu tư và vận hành lưới điện hiệu quả phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội các địa phương như các trạm 220kV Ngũ Hành Sơn, Đông Hà, Kon Tum, Sơn Hà (Quảng Ngãi), Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Đơn vị tích cực tham gia giám sát và vận hành đấu nối các ĐZ 220kV đấu nối truyền tải với các nhà máy thủy điện với CHDCND Lào để tăng cường liên kết sử dụng hiệu quả năng lượng ASEAN qua các ĐZ 220kV Xekaman 3 - Thạnh Mỹ, Xekaman 1 - Pleiku2.
Với nhiệm vụ chính là đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định lưới truyền tải trong điều kiện yêu cầu ngày càng cao về cung cấp điện, Công ty đặc biệt chú trọng đến việc vận hành lưới điện 500kV mạch 1 và mạch 2 (phần lưới điện đóng vai trò liên kết lưới 500 kV của hai miền Bắc – Nam), sẵn sàng đáp ứng các phương thức vận hành lưới 500kV Bắc - Trung, Trung – Nam góp phần đảm bảo cao nhất mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, giữ vững cân bằng công suất phát điện - truyền tải điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho hệ thống điện phân phối trên phạm vi cả nước, cho các công ty điện lực trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Đồng thời, trong quản lý phải bảo đảm chống tổn thất tài sản trong việc tham gia phòng chống cháy rừng, xâm phạm ĐZ 500kV trên địa bàn, sẵn sàng ứng phó với việc phòng chống thiên tai. Chính những yêu cầu vận hành ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ CBCNV PTC2 luôn phải nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn, đảm bảo vận hành liên tục lưới điện với công suất cao để cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước, cũng như khu vực.
Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của EVNNPT, Công ty phối hợp với Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung đã tiếp nhận quản lý vận hành thêm 404 km đường dây, bao gồm: Thượng Kon Tum - Quảng Ngãi (2x76,4km); 220kV Quảng Ngãi - Phù Mỹ (2x 32,7km) Đồng Hới - Đông Hà (1x108km) Đông Hà - Huế (1x78,1km). Trạm 500kV Dốc Sỏi 2x600MVA, TBA 220kV Dung Quất (Nâng công suất 2x 250MVA). Qua những năm 2021 - 2025 sẽ giám sát và tiếp nhận vận hành đz 220kV Đông Hà - Lao Bảo và trạm 220kV Lao Bảo, ĐZ 220kV Thanh Mỹ - Duy Xuyên và trạm 220kV Duy Xuyên, ĐZ 220kV Hòa Khánh - Hải Châu và trạm 220kV Hải Châu, ĐZ 220kV Hải Châu - Ngũ Hành Sơn, các trạm 220kV KCN Nam Đông Hà, Chân Mây, Liên Chiểu, Bờ Y, các trạm 200 - 500kV liên quan Trung tâm Nhiệt điện khí Chu Lai, Dung Quất, Trung tâm năng lượng và HT các trạm 220 - 500kV Quảng Trị, Công ty sẽ chuẩn bị tốt cho CBSX mạch 3 với các trang bị thiết yếu cho thêm 3 đội quản lý lưới điện 220-500kV ở Lệ thủy, Hương Thủy, Quế Sơn).
Ứng dụng Khoa học Công nghệ vào công tác quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện
Từ khi thành lập NPT, trong thời gian qua cùng với sự phát triển của hệ thống truyền tải điện của EVNNPT, PTC2 thực hiện công tác sửa chữa lớn bằng việc thay thế các thiết bị đóng cắt có độ tin cậy và công nghệ mới, hệ thống điều khiển bảo vệ cũng được nâng cấp theo công nghệ tích hợp và từng bước khai thác theo hệ thống viễn thông dùng riêng - công nghệ thông tin để bảo đảm an ninh an toàn hệ thống trong vận hành. Đồng bộ với các yêu cầu của vận hành hệ thống điện của Cục điều tiết điện lực, yêu cầu của cơ quan điều độ và vận hành thị trường với các nhà máy điện và hệ thống lưới điện phân phối 110 - 220kV, Công ty cũng đã đáp ứng công tác vận hành tự động hóa từng bước với các yêu cầu dữ liệu của hệ thống SCADA/EMS, đồng bộ thời gian và quản lý thời gian thực, nâng cao yêu cầu hệ thống đo đếm điện tử phục vụ công tác kinh doanh tập đoàn và điều độ hệ thống điện. Các cơ sở vật chất TTVH của lưới điện 220kV được EVNNPT chủ trương trong đầu tư và sửa chữa được PTC2 và các đơn vị tuân thủ đã từng bước trang bị điện hiện đại theo các yêu cầu tiêu chuẩn IEC, IEEE, đồng bộ thời gian, quan trắc online thiết bị, với ĐZ được áp dụng công nghệ sửa chữa nóng - vệ sinh cách điện, các thiết bị định vị sự cố, trang bị chống sét van, hệ thống quan trắc ghi nhận sét đảm bảo bảo vệ cao áp cho đz cao áp, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ vận hành để đáp ứng thao tác xa, tự động hóa trong vận hành theo định hướng lưới điện thông minh và sẵn sàng tối ưu linh hoạt vận hành cho thị trường điện.
Qua 30 năm, đơn vị luôn đảm bảo và tiếp tục sửa chữa- nâng cấp hệ thống điều khiển, bảo vệ công nghệ lưới điện truyền tải linh hoạt, đồng bộ sự chỉ đạo của EVN và điều hành Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia để tổ chức sắp xếp doanh nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực vận hành đáp ứng công nghệ lưới điện thông minh, nâng cao tin cậy cung cấp điện cho nền kinh tế công nghiệp giai đoạn 4.0, đồng thời thực hiện kế hoạch 2020 -2024, định hướng nâng tầm hoạt động trong ASEAN. Lãnh đạo và tập thể NLĐ PTC2 đã tăng cường quản lý, bố trí lao động hợp lý; việc áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý như trao đổi, chỉ đạo công tác qua website Công ty; Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động nắm bắt, làm chủ thiết bị, công nghệ; chú trọng khuyến khích phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất đồng thời thực hiện các đề án phát triển nguồn nhân lực EVNNPT, đề án nâng cao năng lực Công ty Truyền tải điện, nâng cao năng lực các Truyền tải điện địa phương.
Tiếp tục xây dựng một tập thể đoàn kết, nâng cao nề nếp với mục tiêu chương trình văn hóa doanh nghiệp tạo sự thống nhất giữa cấp uỷ Đảng, Chính quyền, thực hiện dân chủ cơ sở và thường xuyên chăm lo đời sống cho người lao động. Các tổ chức đoàn thể, trên dưới đồng lòng hăng hái thi đua lao động sản xuất.
Hướng đến việc quản trị doanh nghiệp hiện đại theo tầm nhìn và sứ mệnh của Tổng công ty, Công ty tiếp tục thực hiện chủ trương của tập đoàn, NPT về thực hiện chỉ tiêu đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực truyền tải điện như: Ứng dụng các thiết bị bay không người lái, Camera giám sát công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, giám sát vận hành đường dây 500 kV. Lưới điện thông minh, trạm biến áp không người trực, vệ sinh sứ hotline, định vị sự cố, giám sát dầu online, giám sát máy biến áp, quản lý thông tin bản đồ GIS, giám sát cảnh báo sét... để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy, ổn định hệ thống truyền tải điện và nâng cao năng suất lao động; ứng dụng các phần mềm ERP, PMIS, E-QLDA trong điều hành sản xuất…; Đáp ứng mục tiêu đến 2020 đủ số lượng TBAKNT - trung tâm vận hành được thao tác thiết bị từ xa của điều độ và các tổ thao tác lưu động.
Đối với công tác quản lý vận hành đường dây, PTC2 đã tập trung quán triệt các đội đường dây, công nhân vận hành chấp hành các quy trình vận hành, sửa chữa đường dây. Tập trung công tác quản lý, sửa chữa nhằm đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy các ĐZ truyền tải 500kV, 220kV, đặc biệt là ĐZ 500kV trong bối cảnh công suất truyền tải cao liên tục để cấp điện cho hai miền Nam, Bắc và khu vực. Quán triệt thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong việc nâng cao công tác bảo vệ công trình HTĐ 500kV và hành lang bảo vệ theo Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia; vận hành tuân thủ Luật Điện lực nhằm đưa công tác vận hành khai thác HTĐ 500kV an toàn, cung cấp điện ổn định, liên tục theo quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành công nghệ truyền tải điện… Góp phần đảm bảo cao nhất mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, giữ vững cân bằng công suất phát điện - truyền tải điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho hệ thống điện phân phối trên phạm vi cả nước. Tiếp tục phối hợp cùng Ban chỉ đạo bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, Sở Công Thương, Phòng An ninh kinh tế (PA04) việc triển khai các biện pháp tăng cường bảo vệ hành lang lưới điện cao áp,huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ là người sử dụng lao động, cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác kỹ thuật an toàn. Tham gia phối hợp địa phương về quy hoạch hạ tầng, quy hoạch KT - XH để đồng bộ quy hoạch Tổng sơ đồ điện quốc gia.
Trong những năm tiếp theo Công ty hướng đến việc quản trị theo mục tiêu tầm nhìn và sứ mệnh để nâng cao vị thế tổ chức truyền tải Việt Nam trong thứ 4 - ASEAN, các chương trình mục tiêu hàng năm của Tập đoàn, PTC2 tiếp tục tổ chức thực hiện theo các chương trình mục tiêu hoạch định chiến lược phát triển EVNNPT và PTC2 đến năm 2025 với tầm nhìn 2040. Thực hiện trang bị cơ sở vật chất, các thiết bị tiên tiến theo dự án trang bị thiết bị của chương trình phát triển chiến lược của EVNNPT như: Thiết bị định vị sự cố đường dây 500kV, 220kV; Thiết bị kiểm tra phóng điện cục bộ MBA, thiết bị dò tìm sự cố kênh truyền, thiết bị kiểm soát nhiệt động dây dẫn, dò tìm sự cố mạng, ứng dụng giải pháp an toàn an ninh mạng trong vận hành HTD 500kV. Bảo đảm mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia của công trình HTĐ 500kV quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia nhằm đáp ứng NQ 55 Bộ chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia trong phạm vi lưới điện và địa bàn Công ty quản lý.
Tiếp tục thực hiện chủ đề của EVN là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHCN vào các hoạt động của EVNNPT, PTC2 đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược phát triển, đổi mới quản trị doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện nghiêm túc áp dụng chức danh, mô tả công việc KPIs. Phổ biến Nội quy lao động EVNNPT và nghiêm túc thực hiện kỹ luật kỷ cương đến từng người lao động. Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung nhằm vừa nâng cao năng suất lao động với yêu cầu chất lượng lao động có tay nghề trong vận hành, tư vấn giám sát để đáp ứng vận hành lưới truyền tải đồng thời tập trung nguồn lực tham gia giám sát và vận hành cung cấp điện miền Nam sớm đưa các công trình đầu tư theo tổng sơ đồ điện 7.
Trong tương lai đến 2025 lưới điện 500kV với 4 mạch đi qua miền Trung không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống mà đã được hoàn thiện lưới điện 220kV tạo thành các mạch vòng quan trọng để đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế của đất nước. Tham gia truyền tải các nguồn năng lượng tái tạo, nhiết điện khí có công suất lớn ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi nhằm đáp ứng cung cấp điện ổn định - tin cậy cho nền kinh tế công nghiệp 4.0. Vận hành liên kết trung tâm điện lực Nhiệt điện khí (LNG) với trạm và đz 500kV liên kết Bình Định - Đaklak - Tây Ninh. Lưới điện truyền tải Công ty cũng sẽ đưa vào vận hành với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220kV, trạm GIS 220kV, trong đô thị, các trạm biến áp số được ghép nối AI qua các thiết bị thông minh, hệ thống điều khiển tích hợp phối hợp các trạm 110kV để đáp ứng các chỉ tiêu nâng cao ổn định cung cấp điện của tập đoàn cho phụ tải.
Trong một tương lai không xa, hệ thống truyền tải quốc gia cũng hướng đến phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam với công nghệ hiện đại, được giám sát và đánh giá trực tuyến, tự động giám sát để nhanh chóng phát hiện ra những giới hạn trong vận hành nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển lưới điện truyền tải. Hệ thống tự động sa thải, hệ thống tự động chống sự cố, hệ thống chống mất ổn định và quá tải, hệ thống tự động phục hồi lưới điện bởi các công nghệ kỹ thuật truyền tải sẽ được Công ty tham gia , từng bước sẽ được trang bị thiết bị FACTS/ (thiết bị truyền tải điện xoay chiều linh hoạt thiết bị STSTCOM) nhằm nâng cao ổn định hệ thống.
Trải qua 30 năm vận hành lưới điện truyền tải của Công ty, có thể nói đó là một thời gian chưa phải nhiều so với các đơn vị bạn trong và ngoài ngành nhưng PTC2 có thể tự hào với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hệ thống điện quốc gia. Trong đó, với sự trưởng thành của Công ty hơn 30 năm, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Ngành truyền tải điện Việt Nam. Hệ thống truyền tải điện Công ty phát triển không ngừng và có quy mô lớn dần đấu nối truyền tải điện Lào. Giữ vững vai trò “xương sống” trong hệ thống điện toàn quốc; đã đáp ứng yêu cầu đấu nối, giải tỏa công suất các dự án nguồn điện và đảm bảo cấp điện theo nhu cầu của các khu vực và phụ tải trên cả nước; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
CBCNV của PTC2 nói riêng đã trưởng thành vượt bậc cả về tinh thần, bản lĩnh và trình độ, năng lực. Văn hóa EVNNPT đã được hình thành và thấm sâu vào từng người lao động, tạo ra khối đoàn kết, thống nhất trong tập thể cán bộ công nhân viên, mỗi con người PTC2 có bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, luôn coi trọng tính nhân văn, giầu lòng nhân ái và có khát vọng vươn lên.
Nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong năm 2020 và những năm tiếp theo là: “Nâng cao hiệu quả quản lý vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia”; đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh - đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động. Đề cao văn hóa doanh nghiệp, Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của PTC2. Thực hiện các công việc theo lộ trình để đạt được mục tiêu chiến lược Tổng công ty đến 2025, tầm nhìn đến 2040 đã đề ra".
Trần Thanh Phong- Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Công ty