Nghiên cứu sự cần thiết đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện cao áp một chiều Bắc – Nam

Thứ năm, 7/5/2020 | 09:22 GMT+7
Ngày 5/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức cuộc họp nghe liên danh Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 và Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 báo cáo sự cần thiết xây dựng hệ thống truyền tải điện cao áp một chiều (HVDC) Bắc – Nam.

 
Theo ông Phạm Nguyên Hùng – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1): Hệ thống truyền tải điện HVDC là một phương pháp truyền tải điện năng với công suất lớn, khoảng  cách xa. Các công trình này được xây dựng chủ yếu tại các nước có diện tích lớn hoặc địa hình trải dài
 
Ưu điểm của HVDC có thể truyền tải công suất trên một khoảng cách lớn mà không bị giảm khả năng tải như đường dây xoay chiều. Điều khiển dòng năng lượng rất nhanh, do đó nâng cao độ ổn định, không chỉ đối với các liên kết HVDC mà còn đối với hệ thống xoay chiều bao quanh. Việc nối liên kết các hệ thống điện bằng đường dây tải điện một chiều sẽ làm hạn chế công suất ngắn mạch trong hệ thống điện liên kết.
 
Hệ thống HVDC có thể truyền tải công suất lớn hơn đối với cùng một cỡ dây so với hệ thống xoay chiều. Cho phép truyền tải điện năng giữa hai hệ thống xoay chiều có tần số khác nhau (liên kết qua lại giữa hai hệ thống xoay chiều khác tần số)
 
Tuy nhiên giá thành HVDC còn cao. Phải lắp đặt thêm các thiết bị bù công suất phản kháng tại các trạm biến đổi và phức tạp hơn trong điều khiển.
 
Theo phân tích của PECC1, hệ thống điện Việt Nam hiện nay phân bố nguồn điện không đồng đều giữa các miền/ khu vực trong cả nước đặt ra nhu cầu truyền tải công suất lớn từ Bắc-Trung - Nam, trong khi năng lực truyền tải liên miền còn nhiều hạn chế dẫn đến độ dự trữ và an toàn trong truyền tải còn thấp. Công suất truyền tải trên đường truyền Bắc - Trung - Nam luôn ở mức cao. 
 
Trong trường hợp không xét đến các nguồn năng lượng tái tạo thì miền Nam sẽ không tự cân bằng được công suất đặt trong các giai đoạn 2019-2030, lượng công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng 6.400MW. Đối với hệ thống điện toàn quốc, nếu nước về các hồ thủy điện kém thì từ nay đến năm 2030 cũng thiếu hụt nguồn điện.
 
Với tình hình phát triển nguồn điện trong các năm tới, vấn đề nhập khẩu điện từ Lào được 2 Chính phủ Việt Nam và Lào đặc biệt quan tâm.
 
Từ những nguyên nhân trên mà vấn đề nâng cao năng lực truyền tải liên miền nhằm chia sẻ công suất dư thừa từ miền Bắc, miền Trung truyền tải cho miền Nam đến trước năm 2025 và từ miền Trung truyền tải cho miền Bắc, miền Nam đến giai đoạn năm 2030 là cần thiết để đảm bảo an toàn cung cấp điện, nâng cao ổn định và góp phần vận hành kinh tế hệ thống điện cần được xem xét. 
 
Với khoảng cách truyền tải Bắc – Nam lên tới hơn 1700km, công suất truyền tải 3500MW phương án sử dụng công nghệ HDVC để có thể truyền tải công suất trên một khoảng cách lớn mà không bị giảm khả năng tải như đường dây xoay chiều là phương án phù hợp. 
 
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh, đây là vấn đề khó, mới. Tuy nhiên liên danh tư vấn đã xây dựng báo cáo tương đối hoàn chỉnh, thể hiện sự cẩn trong khi đặt vấn đề này. PECC1 và PECC2 cần tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia trong nước và nước ngoài để hoàn chỉnh báo cáo trong tháng 5/2020 để Tập đoàn làm việc với Viện Năng lượng và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương). Nếu phương án xây dựng đáp ứng được yêu cầu, Tập đoàn sẽ đề xuất đưa dự án này vào Quy hoạch điện VIII.  
Kim Thái