Nhiệt độ tăng vọt trong những tháng gần đây tại Singapore khiến hóa đơn điện tăng cao khi nhiều người hạ nhiệt độ điều hòa xuống thấp.
Ở “quốc gia điều hòa không khí” này - cụm từ được phổ biến bởi học giả Cherian George - thiết bị ngốn nhiều năng lượng trên được xem là tiêu chuẩn cho sự thoải mái và dễ chịu trong nhiều văn phòng, gia đình.
Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng gọi điều hòa không khí là "phát minh vĩ đại nhất thế kỷ XX" và góp phần giúp đảo quốc trở thành một trong những trung tâm tài chính ưu việt của thế giới.
Tuy nhiên, một số người dân Singapore, do lo ngại về tính bền vững và mong muốn duy trì hóa đơn điện thấp trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, đang tìm thêm cách làm mát khác.
Họ tránh sử dụng máy điều hòa nhiệt độ và hạ nhiệt bằng các biện pháp tự nhiên, theo Straits Times.
Chúng bao gồm mở cửa trước và cửa sổ, làm việc bên cạnh chậu nước, đi dạo trong khu vườn xanh, sử dụng sữa tắm sảng khoái, uống đồ uống giải nhiệt và ngủ khỏa thân. Một số thậm chí không cần quạt.
Các chuyên gia cho biết thêm những thói quen lâu dài, cảm giác chủ quan và thậm chí cả sự bình tĩnh bên trong của mỗi người cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác mát mẻ của họ, bất kể nhiệt độ tăng cao.
Một số người dân Singapore đang tránh sử dụng máy điều hòa nhiệt độ và tìm cách hạ nhiệt bằng các biện pháp tự nhiên. Ảnh: Straits Times.
Thông gió tự nhiên
Jeryl Yep (31 tuổi), đồng sáng lập Semula - công ty tái chế rác thải nhựa - đã tận dụng hệ thống thông gió tự nhiên để làm mát căn hộ 5 phòng không có máy lạnh ở Yishun.
Gia đình ông chuyển đến căn hộ này vào năm 2023. Trước đó, trong khi tìm nhà, họ đã đề ra danh sách mong muốn bao gồm nhà bếp ngập nắng và có khu vực giặt là để phơi quần áo.
Căn hộ trên không chỉ đáp ứng được yêu cầu này mà còn cho phép gió ngoài trời lưu thông mạnh mẽ theo đường chéo giữa cửa sổ nhà bếp và cửa sổ trong phòng khách, giúp không gian mát mẻ hơn.
Họ cũng để cửa trước mở khi về nhà - lối vào được chặn bằng lưới kim loại có khóa - để gió mát lùa vào.
Yep thỉnh thoảng ra ngoài hành lang khu nhà để hạ nhiệt trong những ngày nắng nóng oi bức. Vào những dịp hiếm hoi khi vợ chồng anh không thể chịu được nhiệt độ tăng cao, họ sẽ ngủ trên sàn lát gạch mát mẻ trong phòng ngủ.
Họ cũng lắp đặt rèm chắn sáng trong phòng ngủ chính.
Ông Jeremy Kong, chủ nhiệm chương trình tại Trường Khoa học Ứng dụng thuộc Republic Polytechnic, ủng hộ hành động này.
“Vải dày, chặt chẽ thường được sử dụng làm rèm chắn sáng giúp ngăn bức xạ mặt trời chiếu vào phòng và làm nóng không gian bên trong, đặc biệt vào ngày nắng. Nó sẽ giúp căn phòng mát hơn và giảm nhu cầu sử dụng điều hòa”, ông nói.
Các chuyên gia khác cũng khen ngợi Yep vì tận dụng cách bài trí ngôi nhà để chống chọi với cái nóng.
Ông Lim Chun Keat, quản lý cấp cao tại Trường Kiến trúc và Môi trường Xây dựng thuộc Singapore Polytechnic, giải thích việc mở cửa chính căn hộ quay mặt ra hành lang chung sẽ cho phép xảy ra thông gió chéo.
Thông gió chéo là hiện tượng tự nhiên trong đó gió đi vào một khe hở, chẳng hạn như cửa sổ hoặc cửa ra vào, thổi trực tiếp vào không gian và thoát ra qua khe hở ở phía đối diện.
“Việc bố trí đồ nội thất trong nhà cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường luồng không khí và trao đổi. Không nên đặt đồ nội thất cao gần cửa sổ hoặc lối vào chính, chẳng hạn xây tấm chắn riêng tư ở lối vào”, ông nói thêm.
Việc mở cửa sổ cũng có tác dụng.
Phó giáo sư Chew Lup Wai thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết việc mở nhiều cửa sổ và cửa ra vào thường có tác dụng làm mát trong thời tiết nắng nóng.
Ông cho biết nhiệt lượng tỏa ra từ nhiều thiết bị điện như đèn, máy tính hay tủ lạnh sẽ tích tụ và làm tăng nhiệt độ trong nhà nếu đóng cửa sổ và cửa ra vào.
“Ngược lại, nếu mở ra, nhiệt có thể bị phân tán qua các cửa này, khiến nhiệt độ trong nhà thấp hơn… Hệ thống thông gió cho phép phân tán nhiệt trong nhà”, ông nói.
“Nếu gió ngoài trời thổi từ nam lên bắc thì việc mở các cửa sổ hướng bắc và nam sẽ tối đa hóa sự thông gió chéo. Tuy nhiên, gió ngoài trời luôn đổi hướng và chúng ta thường không biết nó thổi theo hướng nào. Vì vậy, tốt nhất là nên mở càng nhiều cửa sổ càng tốt để tối đa hóa khả năng thông gió chéo”, ông chia sẻ thêm.
Tâm trí “mát mẻ” sẽ giúp ích
Theo các chuyên gia, cảm giác hài lòng về nhiệt độ của cơ thể con người ảnh hưởng bởi các yếu tố như nhiệt độ và độ ẩm.
Trong khi đó, Hiệp hội Kỹ sư sưởi ấm, điện lạnh và điều hòa không khí Mỹ nhận định cảm giác hài lòng nhiệt độ được xác định là "trạng thái tinh thần thể hiện sự hài lòng với môi trường nhiệt độ và được đánh giá thông qua đánh giá chủ quan".
Tiến sĩ Zheng Kai tại Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD) cũng lưu ý cảm giác thoải mái về nhiệt độ mang tính chủ quan cao, tùy thuộc vào nhận thức và định nghĩa của mỗi cá nhân.
Tâm trí có thể ảnh hưởng đến cảm giác mát mẻ của cơ thể, bất kể nhiệt độ tăng cao. Ảnh: CNA/Hanidah Amin.
Trên thực tế, phó giáo sư Chew chỉ ra chẳng hạn, quạt “không làm mát không khí vì chúng không thể làm giảm nhiệt độ của không khí”.
“Đúng hơn, luồng không khí do quạt tạo ra sẽ làm mát cơ thể chúng ta bằng cách loại bỏ nhiệt khỏi cơ thể. Luồng không khí càng mạnh thì càng có thể loại bỏ nhiều nhiệt. Do đó, chúng ta cảm nhận được hiệu quả làm mát mạnh mẽ hơn khi tăng tốc độ quạt”, ông giải thích.
Do đó, tiến sĩ Zheng từ SUTD khuyến nghị các lựa chọn thay thế sử dụng ít năng lượng hơn máy điều hòa như hệ thống phun sương.
“Người Trung Quốc có câu nói 'xin jing zi ran liang' (khi tâm trí tĩnh lặng, bạn sẽ cảm thấy mát mẻ hơn). Những hành động mang lại cảm giác thoải mái, chẳng hạn xoa dịu bản thân bằng thiền định, sẽ làm giảm nhu cầu đối với hệ thống cơ thể của bạn”, ông Kong cho hay.
Để giảm bớt cảm giác quá nóng trong đợt nắng nóng vừa qua, Yep đã tắm nước lạnh tới 3 lần mỗi ngày, kể cả trước khi đi ngủ. Anh cũng sử dụng sữa tắm có tinh dầu bạc hà.
Ông Kong nhận định đây là ví dụ khác về giá trị của hiệu ứng làm mát thông qua cảm nhận.
“Cảm giác mát lạnh và bạc hà là kết quả của sự kích thích giác quan, thay vì giảm nhiệt độ thực tế”, ông nói. “Menthol - hợp chất được tìm thấy trong bạc hà - tạo ra cảm giác lạnh bằng cách kích thích các thụ thể nhạy cảm với cái lạnh của cơ thể mà không làm thay đổi nhiệt độ da”.
Link gốc