Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức thông qua Chỉ thị về hiệu suất năng lượng cho các tòa nhà, yêu cầu các quốc gia thành viên phát triển lộ trình giảm sử dụng năng lượng trong các tòa nhà, bên cạnh việc đảm bảo rằng các công trình mới sẵn sàng sử dụng năng lượng mặt trời.
EU đặt mục tiêu cải thiện hiệu suất năng lượng của các tòa nhà. Nguồn ảnh: Internet
Liên minh Châu Âu đã chính thức thông qua Chỉ thị về Hiệu suất năng lượng của tòa nhà (EPBD), đặt ra khuôn khổ cho các quốc gia thành viên giảm lượng khí thải và sử dụng năng lượng trong các tòa nhà, tuân theo chỉ thị sửa đổi đã được Hội đồng Châu Âu và Ủy ban Châu Âu chính thức thông qua.
Chỉ thị này bao gồm các điều khoản dành cho các quốc gia thành viên EU nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch khỏi hệ thống sưởi trong các tòa nhà và thúc đẩy triển khai lắp đặt năng lượng mặt trời. Theo một tuyên bố do Ủy ban Châu Âu công bố, các quốc gia thành viên sẽ phải đảm bảo rằng tất cả các tòa nhà mới đều “sẵn sàng sử dụng năng lượng mặt trời”, như một phần của Tiêu chuẩn Năng lượng mặt trời của EU, đã được các thành viên Nghị viện Châu Âu phê duyệt vào tháng 3.
Chỉ thị sửa đổi cũng đặt ra các mục tiêu nhằm giảm việc sử dụng năng lượng của các tòa nhà trên khắp Liên minh Châu Âu, có tính đến đặc thù của từng quốc gia.
“Cải thiện hiệu suất năng lượng của các tòa nhà là rất quan trọng để đạt được tham vọng của chúng tôi về trung hòa khí hậu cũng như thúc đẩy sự độc lập về năng lượng của Châu Âu”. Kadri Simson, ủy viên EU về năng lượng cho biết.
EPBD yêu cầu không phát thải nhiên liệu hóa thạch tại chỗ đối với các tòa nhà mới và các công trình thuộc sở hữu công, có hiệu lực từ ngày 1/1/2028 và đối với tất cả các tòa nhà mới khác trước ngày 1/1/2030.
Theo: EVN