Hồ Sát Nhĩ Hãn tại tỉnh Thanh Hải, nguồn cung lithium lớn của Trung Quốc. ẢNH: NIKKEI ASIA
Trong bối cảnh thế giới chuyển dần sang năng lượng tái tạo, pin đang ngày càng có vai trò quan trọng nhờ khả năng lưu trữ và cấp điện, với vô số ứng dụng nhằm thay thế nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.
Giới phân tích nhận định rằng trong thế kỷ 21, những nước giành được sự thống trị trong lĩnh vực sản xuất pin sẽ có vị thế tương tự như các cường quốc dầu mỏ trong thế kỷ 20.
Lithium “lên tiếng”
Theo chuyên trang Money Control, lithium và cobalt là 2 kim loại tăng giá nhiều nhất trong năm nay do nhu cầu tăng mạnh trong lĩnh vực chế tạo xe điện, trong đó giá lithium tăng đến 41% kể từ ngày 1.1 và đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm. Lithium nổi bật vào thập niên 1990 với việc thương mại hóa pin lithium-ion, dẫn đến cuộc cách mạng của điện thoại di động, thiết bị điện tử cầm tay và máy tính bảng. Pin lithium-ion có thể sạc lại, tích điện tốt, bền và ít phải bảo dưỡng nên chiếm đến 54% nhu cầu kim loại trong năm 2019.
Lithium được chiết xuất từ khoáng chất có trong đá hoặc nước với nồng độ muối lithium carbonate cao. Theo chuyên san NS Energy, trữ lượng lithium trên thế giới vào khoảng 80 triệu tấn, trong đó Bolivia có 21 triệu tấn, Argentina có 17 triệu tấn và Chile có 9 triệu tấn. Tiếp theo là Mỹ (6,8 triệu tấn), Úc (6,5 triệu tấn), Trung Quốc (4,5 triệu tấn)... Bên cạnh ứng dụng pin lithium trong các thiết bị điện tử, lĩnh vực xe điện phát triển mạnh cũng là yếu tố góp phần khiến nhu cầu lithium tăng vọt. Một chiếc xe hơi điện cần pin với khoảng 10 kg lithium.
Cạnh tranh quyết liệt
Tại Trung Quốc, hồ muối Sát Nhĩ Hãn ở tỉnh Thanh Hải từng là đáy đại dương vào hàng triệu năm trước, hiện là nguồn cung cấp lithium, khoáng sản chiến lược giúp Trung Quốc chiếm đến 70% thị phần pin lithium-ion trên thế giới trong năm ngoái. Theo tờ Nikkei Asia, Trung Quốc ưu tiên lĩnh vực sáng tạo pin, với mục tiêu chỉ bán xe điện, xe dùng pin nhiên liệu hoặc hybrid (dùng 2 nguồn điện và nhiên liệu) từ năm 2035.
Trọng tâm trong chiến lược này là Công ty CATL, nhà sản xuất pin cho xe điện hàng đầu thế giới, dù chỉ mới thành lập vào năm 2011. Năm ngoái, CATL đầu tư hơn 10 tỉ USD nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu. Công ty này dự định đầu tư 2 tỉ USD xây nhà máy tại Đức trong năm nay và đã được Hãng xe hơi BMW ký trước để trở thành khách hàng đầu tiên.
Trong khi lĩnh vực công và tư của Trung Quốc đang chạy đua giành thị phần, các nước phương Tây cũng đang cạnh tranh quyết liệt. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh xem xét lại nguy cơ về chuỗi cung ứng đối với 4 sản phẩm quan trọng, trong đó có pin dung lượng cao. Trong khi đó, châu Âu đang cố gắng giảm lệ thuộc vì hiện phải nhập khẩu khoảng 50% pin cho xe điện từ Trung Quốc. Liên minh Châu Âu (EU) vào tháng 1 đã thông qua kế hoạch trợ cấp cho lĩnh vực chiến lược này tại 12 quốc gia thành viên, nhằm tạo lợi thế cho các công ty BMW và Tesla - công ty xe điện Mỹ đang xây nhà máy sản xuất pin ở Berlin (Đức).
Dù bày tỏ quan ngại về việc trợ cấp quá mức sẽ ảnh hưởng đến sân chơi công bằng, Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Margrethe Vestager vẫn nhấn mạnh rằng “sẽ rất hợp lý khi chính phủ các nước châu Âu cùng nhau hỗ trợ ngành công nghiệp này phát triển nhiều pin mang tính sáng tạo và bền vững hơn nữa”. Kể từ năm 2030, EU sẽ buộc tất cả pin có vật liệu tái sử dụng như lithium và cobalt, nhằm đẩy lùi các sản phẩm của Trung Quốc cũng như tạo chu kỳ sản xuất bền vững hơn trong khối.
Lithium có thực sự “xanh” ?
Dù có vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực năng lượng xanh, quá trình khai thác và tách xuất kim loại này từ đá và nước muối để tinh lọc cũng có nguy cơ phát thải khí nhà kính rất cao. Tuy nhiên, Công ty Vulcan Energy Resources (Úc) cho biết điều này có thể thay đổi. Công ty hiện đang đầu tư dự án tại Đức, dự kiến sẽ bơm nước muối từ lòng đất để tạo năng lượng địa nhiệt nhằm cung cấp cho thiết bị tách lithium và công ty cho biết công nghệ này hầu như không phát thải khí nhà kính.
|