Tin thế giới

Cuộc chiến tiết kiệm năng lượng

Chủ nhật, 15/5/2022 | 12:57 GMT+7
Trang Business Insider dẫn lời bộ trưởng của các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới cảnh báo thế giới đang cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch.
 
Con tàu Grain de Sail Ảnh: GRAIN DE SAIL
 
Tại một hội nghị hôm 10-5, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman phát biểu: "Thế giới cần thức tỉnh trước một thực tế đang tồn tại. Thế giới đang cạn kiệt năng lượng ở mọi cấp độ".
 
Giá dầu thô đã tăng hơn 50% so với một năm trước, lên khoảng 105 USD/thùng, song giá các sản phẩm tinh chế như dầu diesel thậm chí còn tăng mạnh hơn. Dữ liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy tại Mỹ, giá dầu diesel tăng 78% - lên 5,5 USD/gallon.
 
Trong khi đó, Liên minh châu Âu vừa tuyên bố cấm vận dầu mỏ Nga vì "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Khi lệnh cấm có hiệu lực, một nhà phân tích dự đoán Nga sẽ phải cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong 1-2 năm.
 
Thực trạng trên khiến nhiều nước lên tiếng kêu gọi "thắt lưng buộc bụng" đối với năng lượng. Tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản, ý nghĩ tiết kiệm năng lượng đang len lỏi trong phòng khách, phòng tắm và nhà bếp của người dân.
 
Bloomberg cho biết giới chức trách khuyến khích các hộ gia đình giữ nhiệt độ điều hòa không khí ở mức 28 độ C, xem tivi ít hơn 1 giờ/ngày, tắt chế độ giữ ấm trên nồi cơm điện và hạn chế sử dụng chức năng sưởi của bồn cầu (trừ khi vào mùa đông).
 
Cả cư dân lẫn doanh nghiệp được khuyến cáo dùng năng lượng mặt trời trong khi chính quyền Tokyo thúc giục nhà cung cấp điện chính của thủ đô khởi động lại các nhà máy điện đã ngừng hoạt động. Thủ tướng Fumio Kishida cũng đề nghị xem xét sử dụng nhiều năng lượng hạt nhân hơn để hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu.
 
Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, cuộc khủng hoảng điện gần như làm cho thủ đô của Nhật Bản mất điện và lượng điện cung cấp cho mùa hè và mùa đông tới cũng không nhiều. Không riêng Tokyo, thời tiết khắc nghiệt từ Texas - Mỹ đến New Delhi - Ấn Độ cũng làm căng thẳng lưới điện.
 
Ngoài tiết kiệm năng lượng, việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế đang được chú trọng. Báo The New York Post đầu tháng 5-2022 đưa tin về con tàu Grain de Sail dài khoảng 24 m do cặp song sinh người Pháp Jacques Bareau và Olivier, 54 tuổi, chế tạo để vận chuyển rượu và sô-cô-la tới New York - Mỹ. Nó được trang bị các tua-bin gió mini, tấm pin năng lượng mặt trời và máy phát điện thủy lực nhằm tận dụng năng lượng sạch.
 
Một số nơi đã chuyển từ tàu hàng - vốn tạo ra lượng khí thải khổng lồ - sang tàu/thuyền buồm nhằm loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn tác động môi trường do động cơ diesel gây ra.
 
 Ví dụ, Công ty rượu vang Grain de Sail (Pháp) sử dụng buồm vải trên một chiếc thuyền tương tự hồi thế kỷ XIX, dùng 100% năng lượng gió để hoạt động. OceanBird, một tàu chở hàng thử nghiệm của Công ty Wallenius (Na Uy), sử dụng cánh buồm được cải tiến giống cánh máy bay hoặc cánh trực thăng thay vì buồm vải để tối đa hóa khả năng di chuyển.
 
Đối với phương tiện máy bay, đài CNN ngày 26-4 dẫn lời Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) cho biết nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) - gồm thành phần là dầu ăn đã qua sử dụng hoặc chất thải nông nghiệp - hứa hẹn sẽ giảm trung bình 80% lượng khí thải carbon trên toàn cầu. Các chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng SAF cất cánh từ năm 2011.
 
Theo: NLĐ