Tin thế giới

Châu Á hướng tới điện hạt nhân giữa khủng hoảng năng lượng

Thứ bảy, 30/4/2022 | 09:52 GMT+7
Điện hạt nhân có thể là giải pháp cho khủng hoảng năng lượng ở châu Á giữa xung đột Nga - Ukraine, dù vẫn còn những lo ngại về mức độ an toàn.
 
Hình ảnh nhà máy điện hạt nhân Fukushimai Daiichi tại thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 13/2/2021. Ảnh: Kyodo.
 
Điện hạt nhân đang dần trở thành lựa chọn hấp dẫn với các nền kinh tế châu Á, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine.
 
"Ai có thể từ chối nguồn điện thải CO2 thấp hơn 70 lần so với than, 40 lần so với khí đốt, 4 lần so với năng lượng mặt trời, hai lần so với thủy điện và tương đương với năng lượng gió cơ chứ", đại diện của Orano, một tập đoàn sản xuất chu trình nhiên liệu hạt nhân có trụ sở tại Hauts-de-Seine, Pháp, đặt câu hỏi.
 
Tại hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu ở Glasgow hồi tháng 11/2021, năng lượng hạt nhân được coi là giải pháp tiềm năng cho mục tiêu trung hòa carbon. Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng hai đã trao nhãn xanh cho điện hạt nhân, khẳng định đây là nguồn năng lượng đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí nhất.
 
Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhiều quốc gia châu Á và châu Âu coi khí đốt Nga là nguồn cung cấp năng lượng chính và an toàn hơn năng lượng hạt nhân. Quan điểm này được củng cố sau thảm họa động đất, sóng thần tấn công nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.
 
Tuy nhiên, 11 năm sau, Nhật Bản đang suy nghĩ lại về việc tái phát triển hạt nhân trong bối cảnh nước này nỗ lực giảm phụ thuộc năng lượng Nga.
 
Hồi cuối tháng 3, lưới điện phía đông, cung cấp điện cho thủ đô Tokyo, đã bị quá tải, khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình được yêu cầu tiết kiệm điện. Lần đầu tiên kể từ sau thảm họa Fukushima, một cuộc thăm dò của Nikkei vào tháng 3 cho thấy 53% người được hỏi ủng hộ việc tái khởi động các nhà máy hạt nhân của Nhật Bản.
 
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 8/4 đặt mục tiêu tối đa hóa sử dụng năng lượng tái tạo và hạt nhân sau khi nước này áp lệnh cấm nhập khẩu than Nga. "Mục tiêu tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân rất quan trọng", ông Kishida từng phát biểu sau khi đắc cử vào tháng 10/2021.
 
"Đã đến lúc Nhật Bản cần nghiêm túc suy nghĩ về cách tự chủ nguồn điện", Ryuzo Yamamoto, chuyên gia an ninh năng lượng tại Đại học Tokoha, tỉnh Shizuoka, khẳng định. "Nhật Bản hiện đối mặt với nhiều thách thức năng lượng, song vấn đề hạt nhân vẫn chưa được quan tâm đúng mức".
 
Singapore cũng từng là quốc gia lưỡng lự với năng lượng hạt nhân. Một nghiên cứu năm 2012 kết luận rằng "công nghệ lò phản ứng cỡ lớn thông thường không phù hợp để triển khai ở Singapore".
 
Nhưng sau một thập kỷ, công nghệ đã thay đổi, các lò phản ứng ngày nay nhỏ hơn, hệ thống làm mát tốt hơn, các biện pháp ứng phó tình huống khẩn cấp cũng nhanh hơn, theo Alvin Tan, bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Singapore.
 
"Các lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư dạng module nhỏ (SMR) được thiết kế với những hệ thống an toàn nâng cao mà các công nghệ cũ không có", Bộ trưởng Tan khẳng định trước quốc hội nước này hôm 4/4.
 
Phát biểu này khiến Lưỡng Hổ Oa, nghị sĩ thuộc Đảng Hành động Nhân dân, đặt câu hỏi tại sao Singapore không thúc đẩy ứng dụng công nghệ này sớm hơn để có thể trở thành quốc gia tiên phong.
 
Đây cũng là câu hỏi được nhiều chính trị gia cũng như giới khoa học đặt ra trong bối cảnh tranh luận về hạt nhân diễn ra sôi nổi tại châu Á.
 
"Không có hoạt động nào là không rủi ro", Anil Kakodkar, nhà vật lý hạt nhân, cựu chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Ấn Độ, khẳng định. "Bạn có thể nói bức xạ gây ung thư, còn tôi nói bức xạ chữa ung thư, cả hai đều đúng".
 
Trung Quốc, quốc gia chiếm 56% tổng lượng tiêu thụ than toàn cầu năm 2020, cũng coi điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong đảm bảo chuỗi cung ứng năng lượng và mục tiêu trung hòa carbon năm 2060.
 
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) và Cục quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) hồi tháng 3 ban hành hướng dẫn cho biết sẽ duy trì tốc độ xây dựng và đảm bảo an toàn cho các dự án điện hạt nhân ven biển mới.
 
Trung Quốc đặt mục tiêu sở hữu 70 GW điện hạt nhân năm 2025. "Điện hạt nhân là mảnh ghép quan trọng trong mạng lưới năng lượng Trung Quốc, điều đáng lưu tâm là đảm bảo an toàn, hiệu quả cao và phương thức xử lý chất thải phóng xạ", tiến sĩ Diêu Phú Cường, cố vấn cấp cao tại Viện Năng lượng Đại học Bắc Kinh, nhận định.
 
Tính đến cuối năm 2019, tổng công suất điện hạt nhân của Trung Quốc đạt gần 66 GW, cao thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Nếu tính thêm công suất của 53 lò phản ứng đang xây dựng, Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về điện hạt nhân, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới.
 
Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng to lớn của điện hạt nhân, một số quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á vẫn canh cánh nỗi lo rằng nhân loại có thể đã đủ thông minh để phát triển năng lượng hạt nhân, song vẫn chưa đủ khôn ngoan để quản lý chúng một cách an toàn.
 
Chính quyền đảo Đài Loan tháng 12/2021 tổ chức trưng cầu dân ý nhằm xác định số phận của Lungmen, nhà máy hạt nhân thứ tư trên đảo, khởi công năm 1980 nhưng chưa được hoàn thiện đến nay. Kết quả trưng cầu dân ý cho thấy gần 53% phản đối tiếp tục xây dựng nhà máy.
 
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã cam kết loại bỏ điện hạt nhân vào năm 2025 và thay thế bằng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nhà báo độc lập Angelica Oung cho rằng quyết định này là "điên rồ".
 
"Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những năm gần đây, Đài Loan sẽ phải đối diện với khủng hoảng năng lượng", bà Oung nhận định. "Ngành công nghiệp sản xuất chip vốn đòi hỏi lượng tiêu thụ điện khổng lồ".
 
Bà Oung cũng lập luận rằng từ bỏ năng lượng hạt nhân có thể gây ra rủi ro an ninh, bởi có thể khiến đảo Đài Loan phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn LNG nhập khẩu từ Australia, Qatar và Mỹ.
 
Dù hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Ấn Độ vẫn không mặn mà với năng lượng hạt nhân.
 
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới từng lên kế hoạch tăng gấp ba sản lượng điện hạt nhân lên 22.480 MW vào năm 2031, nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon năm 2070. Tuy nhiên, đến năm 2021, điện hạt nhân mới đóng góp 3,1% tổng điện năng của nước này.
 
Thái độ e dè của Ấn Độ với điện hạt nhân được cho là xuất phát từ những lo ngại về mức độ an toàn của các lò phản ứng cũng như chi phí cao, một phần vì Ấn Độ phải nhập khẩu toàn bộ công nghệ, thiết bị và nhiên liệu hạt nhân.
 
"Năng lượng hạt nhân đã được thử nghiệm trong nhiều thập kỷ qua và chưa bao giờ tỏ ra thực sự hiệu quả với Ấn Độ", Sunil Dahiya, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), cho biết. "Chúng tôi không cho rằng điện hạt nhân sẽ chiếm thị phần lớn trong mạng lưới năng lượng sạch của Ấn Độ".
 
Isabella Suarez, nhà phân tích cấp cao tại CREA, cho rằng các quốc gia châu Á khi hướng tới điện hạt nhân cần làm rõ lý do họ muốn đầu tư vào nguồn năng lượng này và liệu nó có phải là giải pháp tốt hơn so với các loại năng lượng tái tạo khác hay không.
 
"Thời gian khai thác của một nhà máy hạt nhân mới khoảng 20 năm, nên nếu mục tiêu là nhanh chóng chuyển sang năng lượng không phát thải carbon, họ phải xây nhà máy thật nhanh để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng", Suarez nói. "Chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân rất cao, nên nếu mục tiêu chỉ là bình ổn giá năng lượng, đó không phải là giải pháp lý tưởng".
 
Theo: VnExpress