Đà Nẵng: Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao

Thứ hai, 29/11/2021 | 09:05 GMT+7
Hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng lắp đặt điện mặt trời mái nhà thấp. 
Mới chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại TP. Đà Nẵng lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Thời gian tới, TP. Đà Nẵng khuyến khích các doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải nhà kính.
 
Tại Hội thảo kháng thể năng lượng 4.0 diễn ra ngày 26/11 trên nền tảng trực tuyến, ông Phạm Trường Sơn – Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng - cho biết, tỷ lệ lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà tại các KCN và khu CNC trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn hạn chế.
 
Theo ông Sơn, báo cáo từ các nghiên cứu cho thấy TP. Đà Nẵng có tiềm năng để phát triển năng lượng điện mặt trời. Triển khai chương trình quốc gia về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đề án phát triển điện mặt trời trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà đóng góp khoảng 3,89% tổng nhu cầu điện của thành phố; đến năm 2035 đóng góp khoảng 4,84% tổng nhu cầu điện của thành phố.
 
Đối với khu vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ mục tiêu đến năm 2025 tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà đạt gần 80 MW, đến năm 2035 đạt hơn 191 MW. Trong đó, tập trung phát triển điện mặt trời mái nhà tại các cơ sở sản xuất trong khu CNC và các KCN; cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; khuyến khích, ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khu nghỉ dưỡng, điểm nóng về phát triển du lịch trên địa bàn thành phố nhằm giảm tải nguồn lưới điện quốc gia tại khu vực.
 
Trong đó, Ban quản lý Khu CNC và các KCN được giao tập trung phát triển năng lượng điện mặt trời trên mái nhà trong các KCN, khu CNC.
 
Ông Sơn cho biết, hiện nay tỷ lệ lắp điện mặt trời mái nhà tại các KCN, khu CNC trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn khá thấp, mới chỉ đạt khoảng 8% trong tổng số hơn 500 doanh nghiệp. Lý giải về tỷ lệ này, ông Sơn cho hay, mặc dù số doanh nghiệp trong các KCN, khu CNC cao có diện tích mái lớn, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư lắp đặt điện mặt trời. Bên cạnh đó, do các nhà xưởng trong các KCN đã được đầu tư từ lâu nên nếu muốn đầu tư lắp đặt điện mặt trời doanh nghiệp phải kết hợp với việc tu bổ nhà xưởng, phải tính đến chi phí phát sinh nhiều. Ngoài ra, nhận thức của nhiều doanh nghiệp về công nghiệp xanh hiện chưa cao.
 
Theo ông Sơn, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu và chi phí nhiên liệu hóa thạch đã gây áp lực gia tăng chi phí trong sản xuất của doanh nghiệp. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 diễn ra hồi đầu tháng 11 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ và quyết tâm về việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cùng với đó, TP. Đà Nẵng định hướng phát triển các KCN theo hướng là KCN sinh thái, vì vậy, việc phát triển năng lượng điện mặt trời áp mái trong các KCN và khu CNC là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới, vừa giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí tiền điện, vừa giúp bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
 
Trong thời gian tới, Ban quản lý KCN và các KCN Đà Nẵng sẽ tuyên truyền, phổ biến lợi ích, phối hợp tổ chức thường xuyên các chương trình để nâng cao nhận thức, khuyến khích doanh nghiệp trong các KCN và khu CNC lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
 
Cùng với đó, TP. Đà Nẵng đang tiếp tục đầu tư các KCN mới, Ban quản lý KCN và các KCN sẽ phối hợp với các nhà đầu tư xem xét khả năng đầu tư điện mặt trời mái nhà ngay khi thi công để tăng tỷ lệ lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong các KCN và khu CNC trong thời gian tới. “Ban quản lý sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong các KCN và khu CNC kết nối thực hiện các thủ đầu đầu tư điện mặt trời mái nhà với các đơn vị cung ứng, lắp đặt và hỗ trợ kết nối với Công ty Điện lực Đà Nẵng để thực hiện công tác đấu nối”, ông Sơn thông tin.
 
Hội thảo Kháng thể năng lượng 4.0 ngày 26/11 có chủ đề tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt điện mặt trời và giải pháp tài chính do Vụ Tiết kiệm năng lượng & Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Ban quản lý Khu CNC và các KCN TP. Đà Nẵng, Công ty CP Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa (SolarBK) tổ chức nhằm thông tin đến doanh nghiệp các kiến thức về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là điện mặt trời để hạn chế gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải nhà kính.
 
Chia sẻ tại chương trình, ông Trần Văn Việt - đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng & Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, để bảo an ninh năng lượng quốc gia thì năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng trở thành vấn đề quan trọng và cần thiết. Chính phủ cũng đã có những hành động mạnh mẽ thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; cũng như có những cơ chế khuyến khích tạo động lực để xây dựng nguồn điện, nhất là điện mặt trời áp mái phát triển mạnh mẽ về quy mô và công suất.
 
Theo: Báo Công thương