Nói đến Đắk Lắk ai cũng nghĩ đến cà phê. Nhờ diện tích trồng cà phê lớn nhất Việt Nam với diện tích 82.343ha, trung bình mỗi năm sản lượng thu hoạch hơn 400.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước. Song tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển các lĩnh vực mới. Thời gian qua, tỉnh này bắt đầu thay đổi cơ cấu kinh tế thay vì sản xuất, xuất khẩu nông sản, lâm sản các lãnh đạo tỉnh nhắm đến nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, du lịch... để tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên vốn có.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, ngoài chính sách phát triển cà phê, tỉnh có cơ chế đặc thù để hút nhà đầu tư tầm cỡ làm du lịch, điện gió và điện mặt trời. Đồng hành cùng doanh nghiệp như thế nào với vị lãnh đạo này là điều căn bản để thu hút dòng tiền nhà đầu tư đến với cao nguyên thời gian tới.
PV: Thưa ông, tiềm năng về năng lượng tái tạo đang được tỉnh tận dụng như thế nào?
Ông Nguyễn Hải Ninh: Theo tư vấn từ chuyên gia của Tây Ban Nha và Bộ Công Thương, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận đều có tiềm năng điện lớn nhất cả nước, trong đó chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư tới Đắk Lắk để đầu tư về điện gió, điện mặt trời.
Trong năm 2019, chúng tôi sẽ khánh thành 5 nhà máy điện mặt trời. Ngoài ra, năm vừa qua Công ty Xuân Thiện Đắk Lắk cũng đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch cho cụm nhà máy điện mặt trời 600 MW. Điện gió đã có một nhà máy, giữa năm nay sẽ đi vào hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi hy vọng có 4 dự án điện gió nữa trong 2019 sẽ khởi công.
PV: Khó khăn của điện gió hay điện mặt trời là đấu nối phát điện lên lưới, Đắk Lắk làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
Ông Nguyễn Hải Ninh: Tất cả các tỉnh hiện nay đều vướng mắc một vấn đề chung là khả năng giải tỏa công suất và đấu nối. Chúng tôi đang kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ những dự án hạ tầng về điện đã được quy hoạch, thông thường chúng ta hay chậm vì thiếu vốn.
Tỉnh khuyến khích nhà đầu tư lớn, bên cạnh xây dựng những dự án điện mặt trời, điện gió của họ thì xây dựng cả những trạm phân phối và hệ thống truyền tải điện, có thể là thực hiện theo hình thức BT hoặc có thể xây dựng trạm rồi chia sẻ với những nhà đầu tư sau.
PV: Cả nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch... đều có nhiều tiềm năng phát triển. Theo ông, trong 10 năm tới, mũi nhọn của Đắk Lắk là gì?
Ông Nguyễn Hải Ninh: Trong 10 năm tới, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực mà chúng tôi ưu tiên phát triển bởi đây là thế mạnh và là sự khác biệt của tỉnh. Với 40% đất đỏ bazan trên tổng số diện tích đất của tỉnh hơn 13.000 km2, khí hậu trung bình hàng năm chỉ có 24 độ C, Đắk Lắk phù hợp phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá.
Ngoài cà phê, chúng tôi có nhiều loài cây thế mạnh như bơ, sầu riêng, tiêu, cao su, những cây ăn trái có múi khác. Dưới tán rừng, chúng ta cũng có thể kết hợp trồng dược liệu. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, Đắk Lắk cũng thích hợp với trồng dược liệu. Chúng tôi đang cố gắng mời gọi những dự án có ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp, mặt khác khuyến khích sử dụng nông nghiệp hữu cơ.