Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa, giá điện FiT ưu đãi sẽ không còn nữa (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet).
Theo nhận định của một nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như ABB, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Brian Hull, Tổng Giám đốc ABB Việt Nam cho biết: “Với điều kiện, vị trí địa lý tốt, lực lượng lao động trẻ, tầng lớp trung lưu đang phát triển và nền kinh tế đang phát triển, cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng chính sách và kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tôi tin rằng dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam”.
Theo đó, “điều này không chỉ giúp Việt Nam gặt hái được những thành quả công nghệ mới mà còn giúp Việt Nam nâng cao năng lực để trở thành một trung tâm cung ứngcủa khu vực”.
Đồng tình với quan điểm này, Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam khi tham dự một hội thảo về năng lượng được tổ chức tại Singaporenăm 2018 cho biết, 94% các doanh nghiệp tin rằng Việt Nam là điểm đến tương lai của ngành năng lượng.
Điều này đã sớm được minh chứng, bên cạnh những dự án của hàng loạt các nhà đầu tư với công suất nhà máy lên tới vài GW, thì ngay lập tức, vào thời điểm đó, Superblock Pcl- một công ty năng lượng mặt trời lớn nhất Thái Lan cũng có kế hoạch đầu tư với con số 1,76 tỷ USD để xây dựng các trang trại điện gió có tổng công suất 700MW ở Việt Nam. Hay mới đây nhất, là dự án đầu tư nhà máy điện gió Hướng Phùng 3 (Quảng Trị), công suất thiết kế 30 MW của Công ty TNHH Điện gió Hướng Phùng. Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.581 tỷ đồng. Quy mô dự án sử dụng gần 9 ha đất tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Dự kiến, giữa năm 2021 sẽ hoàn thành đấu nối.
Dữ liệu đến hết tháng 9/2018 của Bộ Công Thương cho biết, 121 dự án được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW. Trong số này 25 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 70 dự án thẩm định thiết kế cơ sở. Ngoài ra, còn 221 dự án đang xếp hàng chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 13.000 MW.
Như vậy, tổng công suất đăng ký đầu tư loại hình này đã lên tới 26.000 MW, chiếm khoảng 60% tổng công suất các nguồn điện cả nước (hơn 47.000 MW). Con số này cũng vượt xa Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong đó định hướng tới 2020 công suất điện mặt trời 850 MW và tăng lên 4.000 MW sau đó 5 năm.
Đang có sự bùng nổ đầu tư của các dự án điện mặt trời, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo là không tốt chút nào. Chuyên gia năng lượng tái tạo đến từ Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (Giz) cho rằng, cơ quan có thẩm quyền nên đưa ra khuôn khổ dự báo mang tính cân bằng, thay vì để thị trường phát triển quá nóng và sau đó bùng nổ.
Mặc dù, Quyết định 11/2017 của Thủ tướng về tăng giá điện mặt trời lên 9,35 cent (khoảng 2.086 đồng) một kWh có hiệu lực từ 1/6/2017 đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng này. Tuy nhiên, quyết định này chỉ có hiệu lực đến 30/6/2019. Tức là, nhiều khả năng sau 30/6, giá cho điện mặt trời sẽ giảm dần cùng sự yêu cầu về cập nhật công nghệ cao hơn.
Chia sẻ liên quan đến câu chuyện này, TS Brian Bull đưa ra quan điểm: “Để đảm bảo sự tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực này, Chính phủ nên đưa ra hướng dẫn mới rõ ràng về cả hai khía cạnh công nghệ (mã lưới được cập nhật bao gồm cả yêu cầu lưu trữ năng lượng) và các khía cạnh tài chính với việc xuất bản một Nguồn cấp dữ liệu mới và các PPA được cập nhật. Đặc biệt, có cơ chế mua điện trực tiếp, giữa người mua và EVN để có thể đạt được giải pháp win -win khi đầu tư vào năng lượng sạch”.
Theo các chuyên gia, mỗi năm, Việt Nam cần tới 12 tỷ USD để duy trì phát triển năng lượng sạch, vì vậy, bên cạnh việc đưa ra khuôn khổ về tính thanh khoản thì hàng loạt cơ chế khác cũng phải rõ ràng và hợp lý. Cụ thể như, hạn ngạch (định mức chỉ tiêu), cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu, cơ chế cấp chứng chỉ cần rõ ràng, hợp lý… đảm bảo chia sẻ rủi ro, hỗ trợ người dân sử dụng lẫn nhà sản xuất điện tái tạo trong thời gian dài hạn.