Đắk Nông: Khai thác tiềm năng phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái

Thứ ba, 2/7/2019 | 09:32 GMT+7
Với nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường, hệ thống điện mặt trời áp mái đã và đang được Công ty Điện lực Đắk Nông tuyên truyền, khuyến khích khách hàng trên địa bàn tỉnh đầu tư lắp đặt và sử dụng.
 
Hộ gia đình ông Trương Thái Duy (bên trái) ở thị trấn Đắk Mil đầu tư lắp đặt thêm các tấm pin năng lượng mặt trời áp mái mới.
 
Doanh thu trăm tỉ từ điện mặt trời
 
Là một trong những những địa phương có tiềm năng lớn về phát triển hệ thống năng lượng mặt trời, với điều kiện thời tiết nhiệt độ nắng nóng cao. Tỉnh Đắk Nông thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng vô tận tại đây.
 
Theo đó, năm vừa qua UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án điện năng lượng mặt trời tại huyện Cư Jút đó là: Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút và Dự án điện mặt trời Trúc Sơn. Hai dự án có công suất thiết kế hơn 100 MW, với tổng kinh phí đầu tư gần 2.500 tỷ đồng.
 
Các dự án với hơn 188.000 tấm pin năng lượng mặt trời, kết nối thành các modul và đưa điện về 9 trạm biến áp.
 
Với nguồn năng lượng này, Nhà máy điện mặt trời Cư Jut sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện hằng năm hơn 78,55 triệu kWh/năm. Doanh thu Nhà máy điện mặt trời Cư Jút ước đạt 200 tỷ đồng/năm.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không chỉ có các cơ quan, doanh nghiệp mà ngay cả hộ gia đình cũng bắt đầu quan tâm, tiếp cận và lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
 
Trong đó, có gần 10 công trình của các hộ gia đình, với công suất từ 3kW đến 10kW và 6 công trình của các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư tại các trang trại, với công suất gần 1MW; tất cả các công trình đầu tư này đã được ngành Điện khảo sát, thỏa thuận đấu nối và cam kết mua điện theo giá của Chính phủ ban hành.
 
Một trong những hộ dân có nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt lớn, gia đình ông Phan Thanh Thủy ở thôn Đắk Sơn, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) đã đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái.
 
Được biết gia đình ông Thủy, khi chưa có hệ thống điện năng lượng mặt trời, gia đình phải trả chi phí tiền điện bình quân mỗi tháng 3 triệu đồng. Do chi phí cao nên ông quyết tâm đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 3kWp.
 
“Khi được ngành điện tuyên truyền về hệ thống điện mặt trời áp mái, gia đình tôi tính toán có lợi nhiều về kinh tế nên mạnh dạn đầu tư sử dụng sinh hoạt trong gia đình. Số tiền gia đình đầu tư ban đầu hơn 70 triệu đồng”, ông Thủy cho biết.
 
Cũng theo ông Thủy, ước tính với công suất được thiết kế, khi đưa hệ thống điện mặt trời vào sử dụng, gia đình có được sản lượng điện sử dụng khoảng từ 50-60% sản lượng điện mỗi tháng. Vào thời điểm ít sử dụng, gia đình có thể bán điện lại cho ngành Điện.

Cùng chia sẻ về mô hình điện mặt trời áp mái, ông Trương Thái Duy, chủ Cửa hàng Điện máy Tùng Lâm, thị trấn Đắk Mil cho hay: “Từ năm 2018, gia đình đã đầu tư lắp đặt thử 2 tấm pin và hòa lưới điện quốc gia 3kW/h mỗi ngày. Thấy đầu tư công trình này có hiệu quả, năm 2019, gia đình tiếp tục đầu tư thêm 13 tấm pin mới. Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái này rất tiện ích trong việc sử dụng vì vừa phục vụ cho gia đình, vừa bán điện dư khi không sử dụng hết”.

Khuyến khích người dân tham gia điện mặt trời
 
Bên cạnh khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái, PC Đắk Nông còn phối hợp với EVNCPC hỗ trợ lắp đặt miễn phí công trình điện mặt trời áp mái cho trường học vùng sâu vùng xa, đơn cử như: Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Thuận An, huyện Đắk Mil) với tổng công suất lắp đặt 4,32kWp, quy mô 12 tấm pin, sản lượng bình quân 17-18 kWh điện/ngày.
 
Với việc đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái nối lưới điện quốc gia giúp trường học tiết kiệm được chi phí tiền điện hàng tháng; đồng thời thông qua đó góp phần lan tỏa đến cộng đồng về ý nghĩa của việc sử dụng nguồn điện từ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo: Infonet