Tiết kiệm điện

Đảm bảo an ninh năng lượng: Hướng tới phát triển bền vững

Thứ hai, 26/9/2022 | 10:17 GMT+7
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK-HQ) được xem là giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường.
Sản xuất thiết bị nhựa trên dây chuyền sản xuất thân thiện môi trường, ít tiêu thụ năng lượng tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn.
 
Nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao
 
Theo Bộ Công thương, dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025, không xét năng lượng tái tạo, chỉ khoảng 18%. 
Cụ thể, tỷ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Còn ở miền Bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%. Đáng chú ý, theo báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025. 
 
Tại TPHCM, thống kê của Sở Công thương cũng cho thấy, TPHCM là đô thị tập trung đông dân cư và có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất lớn; chỉ tính riêng năng lượng điện bình quân mỗi năm, thành phố tiêu thụ khoảng 25 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 10% cả nước. 
 
Việc tiêu tốn nhiều năng lượng không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây thiếu hụt điện năng mà còn phát thải nhiều khí nhà kính ra môi trường, gây biến đổi khí hậu. Do vậy, để đối phó với thách thức về an ninh năng lượng cũng như thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, việc khuyến khích sử dụng NLTK-HQ trong quá trình sản xuất, kinh doanh là rất cấp thiết. 
 
Tiết kiệm là quốc sách
 
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, chi phí cho việc tiết kiệm 1 đơn vị năng lượng chỉ bằng 1/4 chi phí phải bỏ ra để sản xuất thêm 1 đơn vị năng lượng. Vì vậy, thế giới luôn xem sử dụng NLTK-HQ là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Phát triển theo xu hướng này, TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cũng đang đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, khuyến khích sử dụng NLTK-HQ trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. 
 
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan, sử dụng NLTK-HQ trong các hoạt động của xã hội, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, hướng tới phát triển bền vững… luôn được thành phố chú trọng quan tâm. Thành phố cũng đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu này. Theo đó, thành phố đã yêu cầu các đơn vị, sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng thúc đẩy sử dụng NLTK-HQ; phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các sản phẩm, thiết bị hiệu suất thấp; hỗ trợ các cơ sở sử dụng năng lượng thực hiện kiểm toán năng lượng, khảo sát, xác định tiềm năng tiết kiệm năng lượng và xây dựng mô hình quản lý năng lượng ở cơ sở nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, thực hiện tiết kiệm năng lượng, khắc phục tình trạng sử dụng năng lượng lãng phí. Ngoài ra, thành phố yêu cầu đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà. 
 
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lý Thị Phương Trang, Chủ tịch HĐQT Công ty Daikin Việt Nam, cho biết, từ năm 2000, công ty đã triển khai chương trình giới thiệu máy tiết kiệm điện bằng công nghệ biến tần, tiết kiệm năng lượng (inverter). Công ty Daikin cũng đi đầu trong Chương trình dán nhãn năng lượng do Bộ Công thương chủ trì hơn 10 năm qua. Trong chiến lược phát triển bền vững, Công ty Daikin đặt ra mục tiêu chỉ sản xuất loại máy điều hòa không khí dân dụng, loại biến tần, tiết kiệm điện tương ứng 5 sao và sử dụng môi chất lạnh R32 (loại thân thiện với môi trường, có chỉ số phát thải khí nhà kính chỉ bằng 1/3 so với hiện hữu). Để thực hiện tiết kiệm năng lượng, Công ty Daikin đã đưa ra 5 dự án để triển khai, bao gồm: chuyển dịch, giới thiệu, khuyến khích người tiêu dùng từ sử dụng máy không biến tần 1 sao sang những loại máy có hiệu suất cao hơn là 5 sao; tiếp tục nâng cao nhận thức hành vi cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm như thế nào để không lãng phí trong quá trình vận hành; chăm sóc cả vòng đời của sản phẩm (thu hồi, hoặc kiểm soát môi chất lạnh nằm trong thiết bị); phối hợp các đơn vị, đối tác nghiên cứu để tái chế môi chất lạnh R32; tiếp tục hợp tác với bộ, ngành để hoàn chỉnh khung tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến ngành điều hòa không khí. 
 
Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương, cho biết, sử dụng NLTK-HQ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26. Để đạt mục tiêu tiết kiệm từ 5%-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2025 và đạt từ 8%-10% đến năm 2030, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng NLTK-HQ giai đoạn 2021-2025 tại 63 tỉnh, thành phố. Chương trình đề ra các giải pháp toàn diện và đồng bộ trong việc xây dựng, kiện toàn và thực thi mạnh mẽ các quy định pháp luật về sử dụng NLTK-HQ; thiết lập các cơ chế ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên tất cả các mặt của nền kinh tế và của toàn xã hội.
 
Theo tính toán của EVN, hiện nay, các ngành công nghiệp đang chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên đến 30%-35%. Nếu các doanh nghiệp thực hành sử dụng NLTK-HQ để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh.
 
Theo: SGGP