Theo đó, chủ nhà cho thuê phải tính giá điện cho người thuê trọ như một hộ sinh hoạt độc lập, biểu giá điện bậc 3. Tuy nhiên đến nay, nhiều người thuê trọ trên địa bàn vẫn chưa được hưởng quyền lợi này.
Bắt đầu kinh doanh nhà trọ từ khá lâu, trước đây, đối với việc tính giá điện cho người thuê trọ, như nhiều nơi khác, ông Nguyễn Văn Hoàng thường áp dụng cùng 1 mức giá dựa trên thỏa thuận với người thuê, dao động từ 2.500 đến 3.500, tùy vào thời điểm. Tuy nhiên từ năm 2019, sau khi có hướng dẫn của ngành điện áp dụng cách tính giá điện mới cho người thuê trọ, ông thay đổi cách tính, căn cứ trên sản lượng điện tiêu thụ của từng phòng cho thuê và áp mức giá theo đúng khung giá được Bộ Công thương quy định.
Theo thông tư sửa đổi của Bộ Công thương, trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà, chủ nhà xác định được số người thuê sẽ được tính 2 định mức, 100kWh đầu hưởng giá bậc 1 là 1.678 đồng/kWh và 100kWh sau được hưởng giá bậc 2 là 1.734 đồng/kWh. Trường hợp chủ nhà cho thuê chưa xác định số người thuê trọ thì áp dụng biểu giá mức điện bậc 3, tính theo giá điện hiện nay là 2.014 đồng/kWh. Quy định này đã giảm gánh nặng cho người thuê trọ. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra, nhiều chủ nhà trọ vẫn chỉ áp dụng chung 1 mức giá thỏa thuận, thậm chí có chủ nhà trọ dù đã đăng ký xác định số người thuê trọ để được hưởng mức tính tiền điện ưu đãi, song vẫn tính giá điện cho người thuê trọ lên đến 3000 – 3500 đồng/kWh.
Cũng theo đại diện ngành điện, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn việc tính giá bán điện cho các chủ nhà trọ; niêm yết công khai biểu giá tại các khu nhà cho thuê, các điểm tập trung dân cư và yêu cầu các chủ nhà trọ thực hiện theo đúng quy định. Ngành Điện cũng phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát để người thuê nhà được hưởng giá điện đúng quy định; xử lý các trường hợp vi phạm. Theo Nghị định 134/2013, chủ nhà trọ thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn mức giá quy định sẽ bị phạt từ 7-10 triệu đồng.
Theo: Đài PT- TH Phú Yên