Đảm bảo điện cho sản xuất và đời sống

Thứ sáu, 29/4/2022 | 09:13 GMT+7
Nắng nóng đã diễn ra trên diện rộng, từ Bắc vào Nam trong suốt cả tuần qua báo hiệu một mùa cao điểm nắng nóng gay gắt ở miền Bắc sẽ diễn ra từ tháng 5 tới đây.

Ảnh: EVNCPC
 
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tỷ trọng tiêu thụ điện của miền Bắc ngày càng tăng cao, hiện chiếm gần 45% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc, trong khi công suất nguồn điện ở khu vực này chỉ khoảng 36%. 
 
Việc phát triển nguồn điện không chỉ mất cân bằng giữa các vùng miền mà nhiều nguồn điện ở khu vực miền Bắc chậm tiến độ nhiều năm qua đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt công suất nguồn điện vào một số thời điểm. 
 
Dự báo giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng - từ tháng 5 đến tháng 7 tới đây, khả năng trong những giờ cao điểm, nhu cầu điện tăng cao, miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 2000 - 3000 MW công suất.
 
Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trao đổi về các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
 
PV: Thưa ông Trần Viết Nguyên, theo thông tin chúng tôi được biết thì 2022 là năm thực sự khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ nguồn cung nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện như than, dầu, khí… và kể cả nguồn nước nữa. Xin ông cho biết thực tế này?
 
Ông Trần Viết Nguyên: Qua tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc cho thấy, việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu điện toàn quốc sẽ tăng nhiều hơn so với năm 2020, 2021 do các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục hồi sau đại dịch COVID-19. 
 
Đối với miền Bắc nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Trong khi đó các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải nên việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5-7 là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm. 
 
Việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500kV Bắc – Trung. 
 
Ngoài ra, các vấn đề về cạnh tranh thương mại, xung đột vũ trang (Nga – Ukraina) xảy ra … làm đứt gãy nguồn cung về năng lượng nói chung, gây khó khăn cho quá trình mua bán, thanh toán xăng dầu, khí đốt và than. Nguồn cung than, khí, dầu trong nước suy giảm phải nhập khẩu, rất khó khăn và giá thành cao. Thiếu nhiên liệu, dẫn tới khó khăn trong phát điện của các nhà máy.  
 
PV: Trước những khó khăn như vậy, EVN đã có các biện pháp gì để đảm bảo đáp ứng đủ điện cho sản xuất và đời sống, nhất là khi nền kinh tế đang tăng tốc phát triển, thưa ông ?  
 
Ông Trần Viết Nguyên: EVN đã cân đối cung cầu điện toàn quốc, giai đoạn 2022 – 2025 theo 2 kịch bản phụ tải (kịch bản cơ sở: với nhu cầu điện tăng trưởng 9%/năm; kịch bản phụ tải cao: với nhu cầu điện tăng bình quân 10,36%), các giải pháp chính như: Tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy phát điện; Đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện; Bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, trong đó không bố trí lịch sửa chữa các NMĐ khu vực phía Bắc trong các tháng 5- 7 năm 2022; Huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc nhằm đảm bảo tích nước các hồ thủy điện miền Bắc lên mực nước cao nhất vào cuối năm và điều tiết giữ ở mực nước cao đến cuối mùa khô để nâng công suất khả dụng các Nhà máy thủy điện, nhất là các Nhà máy thủy điện lớn trên bậc thang sông Đà.
 
Về nguồn cung, tập trung chỉ đạo để đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư của EVN; Tăng cường nhập khẩu điện Lào về khu vực miền Bắc; Tiếp tục đàm phán nhập khẩu điện Trung Quốc linh hoạt qua các đường dây 220kV hiện hữu (công suất tối đa ~ 550MW) đến năm 2025 và đàm phán để tăng công suất nhập khẩu lên 2.000MW từ năm 2025 (qua các trạm Back-To-Back do phía Trung Quốc đầu tư); Nghiên cứu đề xuất đầu tư các hệ thống pin tích trữ (BESS) tại miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh (EVN đã báo cáo Bộ Công Thương tại văn bản số 399/EVN-KH ngày 21/01/2022); Khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo tại khu vực miền Bắc để có thể thực hiện nhanh, đưa vào vận hành trước năm 2025.
 
Về tăng cường năng lực truyền tải, tăng cường năng lực truyền tải Bắc – Trung, trong đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến ĐD 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối năm 2024-2025; Tập trung đầu tư các dự án lưới điện phục vụ giải toả công suất các Nhà máy thủy điện nhỏ miền Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo miền Trung, miền Nam.
 
Trong bối cảnh chưa có các nguồn điện mới được hoàn thành thì “tăng năng lực truyền tải” là một trong những giải pháp góp phần đảm bảo điện miền Bắc trong mùa nắng nóng năm nay. Chúng tôi vừa có chuyến thực tế tiến độ thi công 1 số tuyến đường dây 220kV khu vực Tây Bắc (như DZ 220kV Bảo Thắng - Lào Cai và DZ 220kV Bắc Quang - Hà Giang) phải hoàn thành trong tháng 4 này để kịp thời khai thác nguồn điện từ các Nhà máy thủy điện nhỏ ở khu vực này cũng như có thể nhập khẩu khoảng hơn 500MW điện từ Trung Quốc ngay trong tháng 5 tới đây nhằm giảm áp lực cung cấp điện miền Bắc. 
 
PV: Thưa ông Trần Viết Nguyên, ngoài những biện pháp như vậy, EVN còn tập trung những giải pháp nào để đảm bảo điện cho miền Bắc trong thời gian cao điểm nắng nóng đang đến gần?
 
Ông Trần Viết Nguyên: Như đã nêu ở trên, ngoài các giải pháp quản lý, vận hành và kỹ thuật thì giải pháp quản lý phụ tải phía tiêu dùng điện (DSM) là hết sức quan trọng, đóng góp phần lớn trong giảm áp lực cung cấp điện, nhất là vào thời điểm cao điểm. Tập đoàn đã chỉ đạo các Tổng công ty điện lực triển khai các chương trình tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện như: Phối hợp với các cơ quan truyền thông từ TW tới địa phương tăng cường truyền thông, tư vấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; Khuyến khích khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với mục đích tự tiêu thụ tại khu vực phía Bắc; Triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) tự nguyện phi thương mại tại khu vực phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7 hàng năm. Các Tổng Công ty điện lực/Công ty Điện lực phối hợp với các khách hàng lớn (khách hàng thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên) thực hiện các sự kiện DR (trường hợp hệ thống thiếu công suất đỉnh) để khách hàng chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất. 
 
PV: Thưa ông, chúng tôi được biết EVN cũng đã tính đến việc tận dụng nguồn điện diezel của các doanh nghiệp để hỗ trợ cho hệ thống điện trong những thời điểm/cao điểm mùa khô. Theo tính toán thì công suất lắp đặt của tất cả các máy phát điện diezel trong khối doanh nghiệp là khá lớn, chiếm khoảng 9-10% tổng công suất lắp đặt toàn bộ hệ thống điện hiện nay. Vấn đề doanh nghiệp quan tâm là cơ chế để “tận dụng” nguồn điện diezel này như thế nào?
 
Ông Trần Viết Nguyên: Như chúng ta biết, tổng nguồn điện máy phát Diezel toàn quốc có thể đạt công xuất 7.500MVA, chiếm khoảng 10% tổng công suất đặt hệ thống điện. 
 
Nhiều năm qua, các đơn vị điện lực đã chủ động phối hợp với các khách hàng/doanh nghiệp có máy phát điện diesel để khai thác, vận hành hệ thống diesel trong trường hợp lưới điện bị sự cố hoặc gián đoạn cung cấp điện từ phía đơn vị Điện lực.  
 
Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu cơ chế phù hợp nhằm tận dụng tối đa nguồn điện diezel này để báo cáo Bộ Công Thương xem xét quyết định.
 
PV: Được biết EVN cũng đã và đang tiếp tục triển khai Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Vậy đâu là đối tượng trọng điểm mà Chương trình DR hướng tới, và xin ông cho biết lợi ích cụ thể của chương trình này? 
 
Ông Trần Viết Nguyên: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương (thông tư 23/2017/TT-BCT ngày 16/11/2017) về việc quy định nội dung trình tự thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), theo đó Tập đoàn Điện lực và các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân dùng điện điều phải thực hiện. 
 
Đối tượng khách hàng mà chương trình DR hướng tới là các khách hàng sản xuất kinh doanh có mức tiệu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên và là các khách hàng thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng năm) có tiềm năng tham gia DR. 
 
Các lợi ích cụ thể mà khách hàng DR nhận được như: được đơn vị điện lực đưa vào danh sách khách hàng đặc biệt, được ưu tiên cấp điện, miễn phí nhân công bảo trì MBA, thí nghiệm MBA định kỳ,.... Ngoài ra, khách hàng còn có thể được nhận các cơ chế khuyến khích bằng tích điểm hoặc phiếu mua quà, giấy khen/bằng khen từ đơn vị Điện lực và các cơ chế khuyến khích khách (khi có cơ chế từ các Bộ, ngành). 
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
 

Nguyên Long