Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tính cho đến thời điểm này, khoảng 95% diện tích đất gieo trồng đã lấy đủ nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, cùng với việc tăng cường lượng nước xả từ các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang về hạ du, Điện lực các địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp các tỉnh, đảm bảo cấp điện trong suốt thời gian lấy nước nhằm đạt kết quả cao, về đích trước kế hoạch.
Theo báo cáo nhanh của Tổng Cục thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (trên cơ sở thống kê của các địa phương, diện tích có nước tính đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 580 nghìn hecta, đạt khoảng 95% so với tổng diện tích gieo trồng. Những địa phương đã lấy đủ nước là Hải Phòng, Hà Nam, Phú Thọ; các tỉnh Thái Bình đạt 99%, Ninh Bình 98%, Nam Định (97%). Các điểm thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước, đang có diện tích đủ nước thấp chủ yếu ở Thành phố Hà Nội - tại cuộc họp liên ngành (thủy lợi - nông nghiệp và điện lực) chiều qua, diện tích có nước cũng đã đạt trung bình trên 88%; Các điểm khó khăn về nước như Thạch Thất đạt 73%; Phúc Thọ 76%, hiện nay các điểm này đang tập trung lấy nước tối đa để đảm bảo diện tích gieo trồng và tiết kiệm nguồn nước xả.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, có được điều đó là bởi liên tục trước và trong các đợt xả nước, Tổng cục thủy lợi đã có các Công điện về việc tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành lấy nước. Trong thời gian các đợt lấy nước, hàng ngày, Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập đều gửi báo cáo qua tin nhắn điện thoại tình hình nguồn nước vào lúc 7h sáng đến Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi; báo cáo nhanh lúc 16h qua email về tình hình nguồn nước, diện tích có nước và công tác chỉ đạo, điều hành lấy nước đến Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục, các địa phương và cơ quan truyền thông, báo chí. Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đánh giá cao công tác phối hợp của ngành điện trong việc đảm bảo cấp nước và cấp điện vụ đông xuân này.
"Chúng tôi đánh giá cao ngành điện trong việc phối hợp và hỗ trợ tốt cho ngành nông nghiệp. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội trong các đợt xả luôn ở mức cao hơn kế hoạch 2,2m, nhiều thời điểm đạt trung bình +2,44m đến hơn 2,5m, nhờ đó thuận lợi cho các đơn vị thủy lợi đảm bảo lấy nước đủ 100% công suất thiết kế".
Hà Nam là một trong số những địa phương hoàn thành sớm công tác lấy nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân nhiều năm nay. Ông Lê Văn Hòa - Giám đốc công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam đánh giá cao việc xả nước sớm hơn dự kiến từ các hồ thủy điện, giúp cho Hà Nam làm sạch nguồn nước bị ô nhiễm trước khi bơm nước vào đồng phục vụ bà con gieo cấy, đồng thời, công tác cấp điện cũng được các điện lực địa phương quan tâm, chú trọng, vừa đảm bảo nguồn điện chất lượng cao, vừa đảm bảo công tác sẵn sàng ứng trực khi xảy ra sự cố. Ông Lê Văn Hòa cho biết, những năm gần đây, việc phối hợp điều hành giữa điện lực và các đơn vị cung cấp điện cho công ty khai thác công tình thủy lợi rất tốt. Chúng tôi phối hợp kiểm tra trước khi vào sản xuất và đảm bảo chất lượng điện tốt nhất, ưu tiên cung cấp điện cho các trạm bơm thiết yếu hoạt động.
Ông Ngô Sơn Hải - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, xả nước từ các hồ thủy điện đảm bảo đủ nhu cầu gieo cấy, sản xuất nông nghiệp vùng hạ du là nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn. Tính đến thời điểm này, đã có khoảng 4,75 tỷ m3 nước được xả từ các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang về hạ du. Cùng với việc xả nước, EVN ưu tiên cấp điện với chất lượng tốt nhất, tạo mọi điều kiện để để các công ty khai thác công trình thủy lợi, các trạm bơm và bà con nông dân lấy nước thuận lợi trong suốt thời gian diễn ra lịch xả nước. EVN đã chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp chặt chẽ với các hồ thủy điện và các điện lực đồng thời chỉ đạo các điện lực đảm bảo cấp điện.
Theo kế hoạch ban đầu, tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2017 là hơn 5,2 tỷ m3, đảm bảo các địa phương lấy nước đủ 18 ngày theo đúng lịch Tuy nhiên, với những nỗ lực trong công tác phối hợp giữa ngành nông nghiệp và EVN, Tổng cục thủy lợi dự kiến sẽ giảm 3 ngày xả nước của đợt 3 này. Theo đó, sẽ rút xuống được khoảng 4,5 ngày, thực tế còn 13,5 ngày so với kế hoạch ban đầu là 18 ngày. Dự kiến sẽ tiết kiệm được khoảng 500 triệu m3 nước so với kế hoạch.