Tiến độ công trình

Đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải điện giai đoạn 2019-2020

Thứ sáu, 1/2/2019 | 10:01 GMT+7
Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, Tổng Công ty đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư xây dựng.


Việc thay đổi nguồn vốn ODA cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án truyền tải điện. Ảnh minh họa
 
Cụ thể như thời gian thẩm định các dự án kéo dài. 6 tháng đầu năm 2018, EVNNPT mới phê duyệt được 25 dự án đầu tư; trong đó 13 dự án không phải trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định và 8 thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công-tổng dự toán (TKKT/TKBVTC-TDT). Trong 6 tháng thì cũng có 5 tháng không phê duyệt được TKKT của dự án nào. 
 
Bên cạnh đó, nhiều dự án không được phê duyệt do về tiến độ, quy mô hoặc không có trong quy hoạch. Mặc dù EVNNPT đã có nhiều văn bản, bám sát chặt chẽ cấp có thẩm quyền để đề nghị hiệu chỉnh, bổ sung quy hoạch nhưng vẫn chưa được giải quyết.
 
Hiện có 66 dự án đang có vướng mắc về mặt quy hoạch, chờ cấp có thẩm quyền xem xét báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định; trong đó bao gồm 39 dự án cấp thiết cần điều chỉnh, bổ sung sớm.
 
Do đó có nhiều dự án cần khởi công trong năm 2018 không được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thông qua như Lắp máy 2 trạm biến áp (TBA) 220kV Than Uyên, Lắp máy 2 TBA 220kV Hàm Tân… 
 
Đối với các thủ tục thỏa thuận pháp lý để phê duyệt, nhiều dự án Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có kết quả thẩm định thiết kế cơ sở nhưng sau 2 đến 6 tháng mới có Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Có dự án đến gần 2 năm vẫn chưa thể có ĐTM như trạm 220kV Nghĩa Lộ và đường dây 220kV Nghĩa Lộ - Việt Trì. 
 
Công tác thỏa thuận tuyến đường dây và vị trí trạm biến áp cũng gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài thời gian lập và phê duyệt dự án đầu tư như dự án đường dây 220kV như Huội Quảng – Nghĩa Lộ, Sơn La – Điện Biên... Một số dự án TBA rất khó khăn để thỏa thỏa thuận địa điểm như TBA 220 Sơn Động, TBA 220kV Tương Dương. 
 
Việc thay đổi nguồn vốn ODA cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện rà soát, giãn, hoãn hủy vốn các dự án vay vốn ODA. Vừa qua EVN đã có văn bản thay đổi nguồn vốn một số dự án vay vốn WB và ADB4 dẫn đến một số dự án chậm tiến độ trình duyệt do phải bố trí lại vốn (Đường dây 500kV Đức Hòa – Chơn Thành; Đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân, TBA 220kV Mường La…. 
 
Trong khi đó, chất lượng các đơn vị Tư vấn thiết kế còn chưa cao, các hồ sơ dự án do các đơn vị Tư vấn lập còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Khi trình EVNNPT và các cấp thẩm quyền Tư vấn không bảo vệ được về tính toán và phương pháp luận dẫn đến phải trả về, trình lại, làm chậm tiến độ dự án. Cá biệt có dự án EVNNPT phải trả về nhiều lần như TBA 500kV Chơn Thành. 
 
Trước thực tế này, Ban Quản lý đầu tư đã đề xuất các giải pháp đảm bảo khởi công các công trình trong giai đoạn 2018 -2020. Do vậy từ tháng 7/2018 cho đến hết năm 2018, EVNNPT đã phê duyệt được 41 dự án đầu tư và 28 TKKT/TKBVTC-TDT các dự án mới, vượt trội so với kết quả 6 tháng đầu năm. 
 
Để tránh vướng mắc về dự toán khi lựa chọn nhà thầu, EVNNPT đã yêu cầu các đơn vị tư vấn lập biện pháp tổ chức xây dựng chi tiết, cập nhật kịp thời các định mức, đơn giá để xây dựng Tổng mức đầu tư, Tổng dự toán và dự toán gói thầu phù hợp, tránh việc phải xử lý tình huống về dự toán trong công tác đấu thầu.
 
Do vậy trong năm 2018, Tổng công ty đã khởi công được 42 công trình; trong đó 31/35 công trình theo kế hoạch và bổ sung được 11 công trình, như vậy EVNNPT đã vượt kế hoạch khởi công các công trình 
 
Các năm 2019, 2020 dự đoán sẽ còn rất khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư với việc phê duyệt 169 Báo cáo nghiên cứu khả thi và 119 TKKT/TKBVTC. Để thực hiện mục tiêu này, Tổng công ty triển khai các bước phê duyệt dự án ngay từ đề cương nhiệm vụ tư vấn, đẩy nhanh tiến độ thẩm định các giai đoạn thiết kế dự án, Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và giải trình kịp thời các nội dung liên quan đến hồ sơ dự án; Không để tồn đọng thời gian dài trong việc thẩm tra, thẩm định hồ sơ; Xem xét kỹ hướng tuyến các đường dây ngay từ giai đoạn thiết kế tránh tối đa ảnh hưởng đến rừng tự nhiên. 
 
Cùng với việc có biện pháp quản lý hợp đồng tư vấn chặt chẽ, xử lý nghiêm túc các điều khoản khi các đơn vị tư vấn vi phạm như chậm tiến độ, chất lượng hồ sơ, Tổng công ty còn nghiên cứu việc lập gói thầu tư vấn riêng về đánh giá tác động môi trường, chú trọng việc lập và triển khai lập và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá này để đáp ứng tiến độ dự án, đẩy nhanh việc thỏa thuận đánh giá tác động môi trường các dự án. 
 
Mặt khác, để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư Tổng công ty đã đề nghị chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ trong việc thỏa thuận vị trí trạm biến áp và các tuyến đường dây đi qua địa phương. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cho phép, yêu cầu các địa phương khi thỏa thuận tuyến, giảm tối đa việc sử dụng đất rừng, trong trường hợp không có phương án khác mới cho phép sử dụng đất rừng. Sau khi được tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp nhận tuyến không cần báo cáo xin chủ trương của Thủ tướng. 
 
Về phía Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo báo cáo Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đối với các dự án EVN, EVNNPT đã trình Bộ Công Thương và Cục.
 
Đồng thời phân cấp cho EVNNPT thẩm tra phê duyệt các giai đoạn của dự án nâng công suất các trạm 500kV, 220kV, nâng khả năng tải các đường dây để đảm bảo tiến độ cấp điện cho phụ tải. Bên cạnh đó, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chủ đầu tư thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng các dự án có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, có tỷ trọng chi phí cấu phần xây dựng nhỏ hơn 15% tổng mức đầu tư dự án như đề xuất của EVNNPT ./.
Theo: BNews/TTXVN