Đảm bảo điện mùa khô năm 2019

Đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia

Thứ hai, 18/3/2019 | 16:19 GMT+7
Thời gian này đang là cao điểm nắng nóng ở miền Nam, nhất là khu vực Nam Trung bộ. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Trong bối cảnh các nguồn thủy điện có giá thành thấp hơn so với các nguồn điện khác trong hệ thống đang gặp khó khăn do lượng nước trong các hồ thủy điện đo được thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 5 tỷ 500 triệu mét khối nước (tương ứng khoảng 2 tỷ 450 triệu kWh điện). (Lượng nước thiếu hụt này tập trung nhiều ở các nhà máy thủy điện khu vực miền Nam và miền Trung). Để đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế và đời sống, khả năng phải huy động các nguồn điện chạy dầu có giá thành cao (lên tới hơn 3 nghìn đồng/kWh) là rất lớn.
 
Phóng viên Trang tin ngành điện (ICON.com.vn) đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).
 
PV: Thưa ông, đã bắt đầu cao điểm mùa khô ở khu vực miền Nam và đang chuẩn bị cao điểm mùa khô ở khu vực miền Bắc. Xin ông cho biết cụ thể về khả năng cung cấp điện trong các cao điểm của mua khô như thế nào ? 
 
Ông Vũ Xuân Khu: Đầu năm 2019 Bộ Công thương đã có quyết định phê duyệt kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2019 trong đó nêu sản lượng điện dự kiến trong năm 2019 đạt 242 tỷ kWh, tăng trưởng bình quân so với năm 2018 là gần 10%. Mức tăng trưởng này cũng tương đương với mức tăng trưởng của 10 năm đã qua. Năm 2019 này, dự kiến mức công suất đỉnh của hệ thống có khả năng đạt tới 39.044 MW, tăng trưởng khoảng 11% so với năm 2018. Để đáp ứng nhu cầu điện năm 2019 với mức độ tăng trưởng công suất và sản lượng như vậy là thực sự khó khăn, trong khi bước vào năm 2019 này phụ tải điện vẫn tăng trưởng cao mà các nguồn không được bổ sung nhiều. 
 
Hiện nay, hệ thống điện có ba nguồn chính là thủy điện, nhiệt điện than và tua-bin khí. Đối với thủy điện, bước vào đầu năm 2019, lượng nước tích được trong các hồ không đạt mực nước dâng bình thường. Thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 5,5 tỷ m3 nước (tương ứng khoảng 2,45 tỷ kWh điện). Lượng nước thiếu hụt này lại tập trung nhiều ở các nhà máy thủy điện khu vực miền Nam và miền Trung. Thứ hai, là lượng than cung cấp cho các nhà máy điện ở trong nước cũng không đạt được như mong muốn. Đã có một số thời điểm các tổ máy không đủ than cho sản xuất. Thứ ba, là đối với điện tua-bin khí thì hiện tại chưa có thêm nguồn mới nào. Ba nguồn điện chính đang có những khó khăn như vậy. 
 
Năm nay, Chính phủ cũng đã có những chính sách ưu đãi đối với các nhà máy điện mặt trời. Dự kiến trong thời điểm trước 30/6/2019 sẽ đưa một loạt các nhà máy điện mặt trời vào vận hành. Thuận lợi ở đây sẽ giúp tăng thêm nguồn cung điện cho hệ thống, tuy nhiên cũng có những khó khăn cho công tác vận hành do các nhà máy điện mặt trời có tính chất bất định bởi phụ thuộc vào nắng là chủ yếu. 
 
Để đảm bảo cung cấp điện cho năm nay cũng như các năm tiếp theo, EVN cũng đã tính đến việc nhập khẩu một số nguồn đắt tiền như LNG. Tuy nhiên để thực hiện được các dự án này cũng cần phải có thời gian, cần huy động về tài chính, công tác đầu tư cũng như công tác xây dựng đang còn không ít khó khăn do giải phóng mặt bằng..
 
PV: Thưa ông, năm 2019 chúng ta cũng đã bắt đầu vận hành thị trường điện bán buôn. Và như ông vừa nói thì việc huy động điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời cũng sẽ được thực hiện. Trong điều kiện các cái nguồn thủy điện của chúng ta lại khó khăn thì A0 đã có những giải pháp như thế nào để đảm bảo cung cấp điện an toàn ?
 
Ông Vũ Xuân Khu: Thứ nhất, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các chủ nhà máy điện, tạo mọi điều kiện để đưa các nguồn nhiệt điện than mới vào vận hành. Dự kiến trong năm 2019 này sẽ đưa Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 (mở rộng) và Nhiệt điện Duyên hải 3 (mở rộng) vào vận hành. 
 
Thứ hai, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, tạo mọi điều kiện  để đưa các nhà máy điện mặt trời vào vận hành sớm. Điều này giúp tăng nguồn cung ứng điện cho khu vực miền Nam.
 
Thứ ba, trong kế hoạch vận hành, A0 cũng phối hợp với các nhà máy điện về công tác sửa chữa, bố trí tập trung sửa chữa, bảo dưỡng vào các tháng trong quý 1 năm 2019, tập trung sản xuất cho các tháng cao điểm mùa khô hạn sắp tới diễn ra từ tháng 4 đến tháng 7/2019 để có các nguồn sẵn sàng tốt nhất của các nhà máy điện cũng như lưới điện để cung cấp điện cho toàn bộ đất nước. Thứ tư, chúng tôi theo dõi chặt chẽ diễn biến cũng như khả năng cung cấp về nhiên liệu than cũng như khí cho các nhà máy điện để lập ra kế hoạch điều tiết các nhà máy này sao cho phù hợp cũng như phù hợp với khả năng cung cấp nhiên liệu của các nhà máy.
 
Thứ năm, chúng tôi cũng bám sát diễn biến nước về của các hồ thủy điện để đưa ra được một chiến thuật khai thác các nhà máy thủy điện này một cách phù hợp. Cụ thể, đối với các nhà máy thủy điện thì thông thường các tháng đầu năm (trong quý 1 này) khai thác rất hạn chế, chỉ đủ để yêu cầu đáp ứng nước hạ du. Lượng nước còn lại chủ yếu là tích để phục vụ cho các tháng cao điểm sắp tới (từ tháng 4 đến tháng 6). Từ tháng 7 đến tháng 10 thông thường là mùa lũ thì chúng tôi sẽ tập trung vào khai thác để tận dụng nguồn tài nguyên này. Các tháng cuối năm (từ tháng 10 đến tháng 12) đây là các tháng cuối của mùa lũ - sẽ căn cứ trên lượng nước về thực tế để khai thác làm sao để vừa tận dụng được lượng nước nhưng đồng thời cũng vẫn phải tích lên được mức nước dâng bình thường để phục vụ cho các năm tiếp theo.
 
Thứ sáu, để đảm bảo cung cấp điện cho các tháng cao điểm được dự báo là khó khăn này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) xây dựng phương án vận hành ngày cực đoan - có nghĩa là ngày đó nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng rất cao (đang dự tính là khoảng 20%) để làm sao cho ra được một kế hoạch về huy động nguồn, bố trí lưới kết dây… để sẵn sàng ứng phó với tình trạng này.
 
Thứ 7, chúng tôi cũng phối hợp, lên phương án với các công ty truyền tải điện cũng như các Tổng ty điện lực sẽ không bố trí công tác sửa chữa trong các ngày nắng nóng, với mục tiêu là đảm bảo cung cấp điện tốt nhất cho phát triển kinh tế của đất nước cũng như sinh hoạt của nhân dân. 
 
PV: Đó là những khó khăn về nguồn, vậy còn khó khăn lớn nhất của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) trong việc đảm bảo điện là như thế nào, thưa ông ?
 
Ông Vũ Xuân Khu: Đối với năm 2019, nguồn cung điện của các nhà máy điện cũng có giới hạn, trong khi đó phụ tải thì tăng cao. Như vậy, khó khăn nhất đối với A0 là làm sao phải tính toán điều tiết và vận hành thời gian thực cho hệ thống điện đảm bảo an toàn. Thứ hai là phải làm bảo cho hệ thống điện hiệu quả. Bởi vì, khi chúng ta đã thiếu nguồn cung từ các nhà máy như vậy theo quy luật của thị trường thì giá của thị trường sẽ tăng lên cao. Hơn nữa, trong những thời điểm có thể xảy ra thiếu công suất thì hệ thống điện của chúng ta có thể phải huy động từ các nguồn điện chạy bằng dầu đắt tiền (DO,FO). Như vậy sẽ làm cho chi phí mua điện từ các nhà máy điện tăng cao và hệ thống điện có thể sẽ vận hành khó khăn hơn. 
 
PV: Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia có khuyến cáo như thế nào đối với các hộ tiêu thụ điện để hệ thống điện vận hành an toàn, hiệu quả?
 
Ông Vũ Xuân Khu: Cái khó khăn lớn nhất đó là cân đối để làm sao đáp ứng được đủ điện trong các tháng cao điểm của mùa khô, nắng nóng sắp tới - thường diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6. Đây là thời điểm công suất điện của hệ thống điện Việt Nam cao nhất, đồng thời, sản lượng điện cũng cao trên toàn quốc. Như vậy thì khả năng cung cấp đủ điện trong các tháng này cũng đồng nghĩa là hệ thống điện cả năm sẽ được cung cấp đảm bảo.
 
Vì vậy, để đảm bảo cho hệ thống điện vận hành một cách an toàn, hiệu quả, tránh và giảm bớt phải huy động các nguồn điện đắt tiền, đề nghị người sử dụng điện cũng như các cấp, các ngành, chúng ta nêu cao tinh thần tiết kiệm điện, đặc biệt trong các ngày nắng nóng càng cố gắng tránh được thời gian cao điểm thì càng tốt. Thông qua đó, hệ thống điện sẽ được vận hành an toàn và kinh tế hơn.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nguyên Long/Icon.com.vn

Bình luận của bạn

Captcha image