Đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải cấp điện cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung trong điều kiện giãn cách xã hội

Thứ năm, 30/7/2020 | 09:39 GMT+7
Toàn bộ nguồn điện cấp cho Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung nói chung đều nhận từ hệ thống truyền tải điện cao áp 220kV và 500kV. 

Công nhân Truyền tải Điện Quảng Ngãi (Công ty Truyền tải Điện 2) triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại Trung tâm vận hành Sơn Hà. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Từ 0h ngày 28/7, thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội để phòng trách dịch covid-19 lây lan trong cộng đồng. Công ty Truyền tải điện 2 - đơn vị đóng chân trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có giải pháp gì để đảm bảo quản lý, vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia khu vực miền Trung  trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội? PV Nguyên Long phỏng vấn ông Trần Thanh Phong - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 về vấn đề này.
 
PV: Thưa ông, trong điều kiện các đơn vị nằm trên địa bàn Đà Nẵng phải thực hiện cách ly để phòng chống dịch covid-19. Công ty Truyền tải điện 2 đã có những giải pháp gì để thực hiện yêu cầu hệ thống truyền tải điện phải được đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn, nhất là đối với những khu vực cấp điện cho các bệnh viện, các trung tâm kiểm soát dịch bệnh? 
 
Ông Trần Thanh Phong: Đối với dịch covid-19 thì đây là giai đoạn 2. Giai đoạn đầu Công ty cũng đã thực hiện nghiêm túc và rất chủ động trong đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Đơn vị quán triệt tới người lao động phải chấp hành đầy đủ các quy định của Chính phủ, địa phương, các cơ quan y tế cũng như hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia. Cụ thể, để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, các địa điểm làm việc đều được phun thuốc sát khuẩn, kiểm soát người lạ ra vào, khai báo y tế rõ ràng. Các trang bị cá nhân cho người lao động làm việc như khẩu trang, nước sát khuẩn, tấm chống giọt bắn… thì đã đều được cấp đầy đủ cho CBCNV. Tất cả CBCNV đều nhận thức đầy đủ việc giữ gìn vệ sinh cũng như tuân thủ đi đến các điểm làm việc, khai báo y tế đầy đủ.
 
Thứ 2, đối với lưới điện của Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung nói chung thì toàn bộ đều dùng điện lưới quốc gia. Thành phố Đà Nẵng được cung cấp bởi các trạm biến áp 500kV Đà Nẵng và 2 trạm biến áp 220kV là Ngũ Hành Sơn và Hòa Khánh, việc cung cấp điện cho Thành phố luôn luôn được đảm bảo trong bất kỳ tình huống nào. Không riêng gì thời điểm dịch covid mà tất cả thời gian trong năm, việc đảm bảo cung cấp điện liên tục từ lưới điện quốc gia luôn phải đặt lên hàng đầu, bởi chỉ một trục trặc nhỏ hay một sự cố nhỏ của lưới điện quốc gia cũng đều có thể gây mất điện diện rộng. 
 
PV: Công tác ứng trực cũng như ứng dụng công nghệ ra sao để điều hành, xử lý công việc trong bối cảnh dịch bệnh phải hạn chế tối đa lượng người làm việc trực tiếp, thưa ông? 
 
Ông Trần Thanh Phong: Đối với lực lượng trực vận hành các trạm biến áp 500kV và 220kV ở khu vực Đà Nẵng và các khu vực mà Công ty Truyền tải điện 2 quản lý bao gồm 17 trạm biến áp (TBA) thì công ty đã đưa các TBA này vào “trạng thái cô lập” để đảm bảo sức khỏe và đảm bảo nguồn nhân lực vận hành lưới điện. Toàn bộ lực lượng này bao gồm 105 người ứng trực TBA thì đã được đưa vào “cô lập” từ 21 giờ ngày 27/7/2020 và các trạm còn lại của khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum bắt đầu từ 7 giờ ngày 28/7 thì cũng đều được đưa vào cô lập và thực hiện 4 tại chỗ để đảm bảo an toàn, sức khỏe và đủ nhân lực vận hành.
 
Đối với các đội đường dây ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam và khu vực lân cận như Thừa Thiên Huế, khu vực Lăng Cô cũng đã được huy động tập trung để hạn chế đi lại. Đa số cán bộ CNV của đơn vị này đều ở Đà Nẵng và Quảng Nam, số lượng tập trung khoảng 100 người. Đối với lực lượng lao động gián tiếp thì chủ yếu được bố trí làm việc ở nhà. Ở đơn vị, lực lượng cần thiết tối đa cũng chỉ 50% quân số nhằm giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển. 
 
Tất cả các lực lượng của Công ty Truyền tải điện 2 thì đều thực hiện nghiêm các thông báo khẩn số 15,16,17,18 của Bộ y tế, lập biểu khảo sát toàn bộ CBCNV nhằm rà soát người có đến các địa điểm mà Bộ y tế đã khuyến cáo để cho cách ly làm việc tại nhà. 
 
Ngoài ra, Công ty còn có lực lượng tư vấn giám sát dự án đường dây 500kV mạch 3 với số lượng lên đến khoảng 300 lượt người từ Quảng Bình đến Kon Tum, thì cũng đều được trang bị khẩu trang, tấm chắn và yêu cầu toàn bộ đội ngũ cán bộ tư vấn giám sát đảm bảo giữ đúng khoảng cách tối hiểu khi đi làm tại hiện trường.
 
Đối với lực lượng làm việc tại nhà thì người lao động được huấn luyện, trang bị đầy đủ các phương tiện về máy tính, điện thoại thông minh để đủ điều kiện làm việc tại nhà. Công ty đã sử dụng robot và flycam để phun thuốc tại nơi làm việc và khu bếp ăn để đảm bảo được diện rộng, chi tiết nhất mà không ảnh hưởng đến lực lượng vận hành. Ngoài ra, Công ty áp dụng công nghệ camera lắp trên đường dây kế hợp với flycam trang bị cho toàn bộ các đội đường dây.
 
PV:  Đơn vị đã có phương án chuẩn bị như thế nào để ứng phó với các tình huống diễn biến phức tạp khi dịch bệnh có thể kéo dài, thưa ông? 
 
Ông Trần Thanh Phong: Thứ nhất là Công ty đã chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng các cơ sở vật chất nhu yếu phẩm cho lực lượng vận hành có thể ăn ở tập trung, cô lập với môi trường bên ngoài. Ở đây cũng xin nhấn mạnh là toàn bộ các đơn vị của Công ty Truyền tải điện 2 nằm trên 7 tỉnh, thành phố chứ không riêng gì Đà Nẵng. 
 
Thứ hai là đã xây dựng các tình huống kịch bản có thể xảy ra để ứng phó phù hợp. Công ty cũng đã đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật, kỹ sư dự phòng thay thế các ca trực thiếu trong lực lượng vận hành trạm. Tất cả những công việc này đã được chuẩn bị chu đáo và hoàn toàn có thể đáp ứng được trong điều kiện dịch kéo dài. Và đặc biệt là các công tác sản xuất đều được tiến hành bình thường, không để gián đoạn hay suy giảm họat động sản xuất của Công ty.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 
Nguyên Long