Giảm tổn thất điện năng: Nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện truyền tải

Thứ tư, 22/7/2020 | 08:49 GMT+7
Những năm gần đây, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao. 

Kỹ sư Trạm biến áp GIS 220kV Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra thông số vận hành thiết bị máy biến áp nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định trong mọi tình huống. 
 
Chỉ tiêu tổn thất điện năng (TTĐN) năm 2019 đạt được kết quả nổi bật, tỷ lệ TTĐN thấp nhất trong 11 năm kể từ ngày thành lập EVNNPT. Giảm TTĐN luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được Tổng công ty coi trọng và đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, góp phần bảo đảm vận hành lưới điện truyền tải (LĐTT) an toàn, ổn định, nâng cao hiệu quả kinh doanh. 
 
Giảm nhiều tổn thất điện năng
 
Đối với EVNNPT, việc phải truyền tải xa với công suất và sản lượng lớn sẽ làm tăng TTĐN, qua đó làm giảm sản lượng truyền tải dẫn tới giảm doanh thu truyền tải điện. Việc tăng sản lượng và công suất truyền tải trên trục truyền tải Bắc - Nam cũng làm gia tăng nguy cơ về bất thường và sự cố xảy ra do các đường dây (ĐZ), máy biến áp (MBA) phải mang tải lớn hơn trong điều kiện nhiều thiết bị đã vận hành lâu năm (ĐZ 500kV mạch 1 vận hành từ năm 1994). Về bản chất điện năng tổn thất (hay tổn hao) là do sự phát nóng trên các phần tử ĐZ, MBA và do vầng quang trong quá trình vận chuyển điện năng trên lưới (LĐTT không kinh doanh điện năng nên không có sản lượng điện năng mất mát phi kỹ thuật) và bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân chính là phương thức vận hành hệ thống điện, sản lượng điện truyền tải, ngoài ra còn các nguyên nhân phụ khác như chậm tiến độ đầu tư xây dựng; cắt điện để thi công, sửa chữa bảo dưỡng lưới điện; sự cố làm tách ĐZ, MBA ra khỏi vận hành, … 
 
Theo Trưởng Ban Kỹ thuật EVNNPT Tạ Việt Hùng, hiện nay, tỷ lệ TTĐN của EVNNPT (đạt 2,15% năm 2019) ở mức trung bình so các nước tiên tiến trên thế giới (từ 2-2,5%); xếp thứ 12 trên tổng số 21 tổ chức truyền tải so sánh. Với chiều hướng này, EVNNPT sẽ đứng vào nhóm các tổ chức truyền tải có tỷ lệ TTĐN thấp nhất xét đến với đặc thù lưới điện trải dài hơn 2.000km từ Bắc vào Nam như Việt Nam, tiệm cận mức TTĐN tối ưu. Nguyên nhân chính giảm TTĐN năm 2019 cũng như quí I-2020 là do phương thức vận hành giảm truyền tải trên lưới 500kV Bắc – Trung – Nam, cụ thể: truyền tải Bắc – Trung 7,19 tỷ kW giờ, giảm 4,75 tỷ kW giờ so cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn 3,55 tỷ kW giờ so kế hoạch vận hành hệ thống điện 2019. Truyền tải Trung – Nam là 10,48 tỷ kW giờ giảm 9,4 tỷ kW giờ so cùng kỳ năm 2018 là 19,87 tỷ kW giờ và thấp hơn 3,58 tỷ kW giờ so kế hoạch vận hành hệ thống điện 2019. Năm 2018, đối với TTĐN, LĐTT 500kV chiếm tỷ trọng 48%, lưới 220kV chiếm 52%; tuy nhiên, xét trên sản lượng nhận vào LĐTT thì lưới 500kV nhận 82,5 tỷ kW giờ, trong khi lưới 220kV nhận tới 206 tỷ kW giờ; năm 2019 tỷ trọng này đã được cải thiện tương ứng 41% trên 59% xét trên sản lượng nhận vào lưới 500kV khoảng 91 tỷ kW giờ, trong khi lưới 220kV nhận xấp xỉ 220 tỷ kW giờ. Cũng theo ông Tạ Việt Hùng, việc tăng sản lượng truyền tải cũng là một trong số nguyên nhân làm tăng TTĐN, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng do việc tăng này còn phải được xem xét việc vận chuyển sản lượng như thế nào, từ đâu đến đâu, mức độ, thời gian vận chuyển (tức phải xem xét trong phương thức huy động nguồn) và đây mới là yếu tố quyết định việc tăng/giảm TTĐN.
 
Đi thực tế tại các trạm biến áp (TBA) đầu mối khu vực TP Hồ Chí Minh thuộc địa bàn quản lý của Công ty Truyền tải điện 4, chúng tôi được ông Trần Anh Dũng, Phó Giám đốc Truyền tải điện TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù khối lượng quản lý vận hành ĐZ, TBA sáu tháng đầu năm tăng hơn nhiều so cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên, đơn vị luôn đi đầu về bảo đảm vận hành an toàn, giảm TTĐN trên lưới bằng hoặc thấp hơn kế hoạch do Công ty giao: TTĐN của lưới 500kV đạt 0,15% trên kế hoạch giao 0,15 %; lưới 220kV: 0,38% trên 0,43%; lưới chung: 0,42% trên 0,47%. Ông Trần Anh Dũng chia sẻ, để giảm TTĐN, đơn vị phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó thường xuyên coi trọng giám sát, theo dõi thiết bị, phát hiện sớm khiếm khuyết để có phương án xử lý, không để sự cố xảy ra, nhất là khi khi thiết bị ĐZ và TBA vận hành đầy tải, phát sinh nhiệt độ cao thì anh em phải thường xuyên soi phát nhiệt. Nếu phát hiện bộ phận thiết bị nào có nhiệt độ từ 70 độ C trở lên là phải đưa vào diện chăm sóc đặc biệt, 90 độ C là phải xử lý trong vòng ba ngày; 120 độ C thì phải xử lý ngay lập tức. Trong vận hành, đơn vị luôn giữ điện áp 220kV ở ngưỡng cao, dòng sẽ giảm, nhờ đó giảm thiểu TTĐN. 
 
Nhiều giải pháp tổng hợp
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Để đạt được kết quả TTĐN trên, ngoài nguyên nhân khách quan là phương thức vận hành thuận lợi hơn các năm trước (truyền tải sản lượng thấp hơn các năm trước trên trục ĐZ 500kV Bắc-Nam) thì những năm qua, EVNNPT luôn đặc biệt quan tâm công tác quản lý và giảm TTĐN như: đã thành lập Ban Chỉ đạo Giảm TTĐN từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên, các Truyền tải điện khu vực với mục tiêu quản lý TTĐN của từng ĐZ, MBA trên lưới điện truyền tải; xây dựng đề án giảm TTĐN LĐTT để đề ra các giải pháp, hàng năm đánh giá hiệu quả các giải pháp và bổ sung các giải pháp mới để quản lý, giảm TTĐN.
 
Trên cơ sở kế hoạch giao, các đơn vị xây dựng phương án và kế hoạch chi tiết các giải pháp giảm TTĐN. Các Công ty Truyền tải điện giao chỉ tiêu TTĐN cho từng Truyền tải điện; đánh giá thực hiện theo từng tháng, quý, năm và gắn kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm TTĐN với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Các đơn vị bố trí nhân lực chuyên trách quản lý TTĐN và tính toán lưới điện; tổ chức đào tạo, nâng cao nghiệp vụ công tác quản lý TTĐN. Giảm sự cố lưới điện, không để xảy ra sự cố chủ quan, tìm và xử lý nhanh sự cố để khôi phục chế độ vận hành, bảo đảm các sự cố thoáng qua được tự động đóng lại thành công; bảo đảm kế hoạch suất sự cố EVN giao (TTĐN tăng thêm do sự cố thiết bị năm 2019 là gần 3,663 triệu kW giờ, tương ứng chỉ bằng 0,002% sản lượng điện nhận). Năm 2019 và các tháng 5 và 6-2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài trên cả nước, nhưng bằng nhiều giải pháp hiệu quả, tăng cường kiểm soát hành lang, thiết bị, cho nên mặc dù quy mô LĐTT tăng nhưng số sự cố lại giảm 0,72% so năm 2018, góp phần giảm TTĐN.
 
Các đơn vị đã chỉ đạo theo dõi sát mức độ mang tải, trào lưu công suất của các ĐZ, MBA; phối hợp và đề xuất các Trung tâm Điều độ các giải pháp, phương án để tránh vận hành quá tải, non tải MBA, ĐZ và thiết bị lưới điện; đề xuất thay thế, nâng khả năng tải các ĐZ, MBA thường xuyên đầy tải, có TTĐN cao. Các TBA phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Điều độ hệ thống điện điều khiển đóng cắt các dàn tụ bù ngang, kháng bù ngang ở các thời điểm phù hợp và theo dõi trào lưu công suất phản kháng, hệ số công suất cosφ qua MBA, các xuất tuyến ĐZ để điều chỉnh và giữ điện áp trong giới hạn tối ưu, hạn chế truyền tải vô công giữa truyền tải và phân phối. 
 
EVNNPT cũng đã chỉ đạo kiểm tra, đánh giá và lập phương án di chuyển các dàn tụ bù ngang đến các vị trí phù hợp, có đánh giá để thay thế các dàn tụ cũ có tổn hao công suất cao vượt thiết kế của các bình tụ. Bảo đảm chất lượng công tác lập, duyệt phương án thi công (kể cả thi công các công trình mới và sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm thiết bị), phối hợp các đơn vị trong việc cắt điện thi công công trình mới kết hợp sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm lưới điện để hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt điện kể cả đối với lưới điện của các Công ty Điện lực, đặc biệt trong các giờ cao điểm. Ưu tiên bố trí cắt điện thi công trong các ngày nghỉ, thời điểm phụ tải thấp. Nhờ đó, EVNNPT đã nâng cao tính an toàn, liên tục cho hệ thống, giảm tình trạng đầy tải, quá tải trên các thiết bị còn lại và góp phần giảm TTĐN.
 
Qua tìm hiểu thực tế các dự án, chúng tôi nhận thấy, công tác đầu tư phát triển lưới điện mới, cải tạo, chống quá tải lưới điện cũ, bảo đảm công trình vào vận hành đúng hoặc vượt tiến độ cũng là giải pháp quan trọng đối với việc giảm TTĐN. Tổng công ty đã hoàn thành khối lượng đầu tư lớn nhất ba năm qua, đóng điện 43 dự án 500kV và 220kV (kế hoạch 47 dự án), nhờ đó tránh được tình trạng đầy và quá tải trên hệ thống, góp phần giảm TTĐN, góp phần quan trọng giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận. Các đơn vị quản lý chặt chẽ hệ thống đo đếm điện năng giao nhận ranh giới, đảm bảo cấp chính xác của hệ thống theo quy định, kịp thời khắc phục nhanh các sự cố, khiếm khuyết; quản lý tốt giao nhận sản lượng với các nhà máy điện và các Công ty Điện lực, không để tình trạng thất thoát điện năng giao nhận. Chủ động triển khai các dự án trang bị thiết bị ổn định điện áp lưới điện như trang bị kháng, tụ bù ngang trên lưới. 
 
Lãnh đạo EVNNPT cho chúng tôi biết, năm 2020, Tổng công ty sẽ triển khai nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp như triển khai đề án thử nghiệm tách nối đất lặp lại dây chống sét cho một ĐZ 500kV và một ĐZ 220kV để có số liệu đánh giá, phân tích ảnh hưởng của việc nối đất lặp lại dây chống sét đến TTĐN; trên cơ sở đó sẽ triển khai đối với các ĐZ phù hợp. Sử dụng dây dẫn tổn hao thấp cho các dự án ĐZ mới và thay dây, nâng khả năng tải cho các ĐZ hiện hữu. Hiện EVNNPT đang áp dụng giải pháp này cho một số dự án ĐZ 220kV như ĐZ Hòa Bình - Hà Đông và ĐZ 220kV Bình Hòa – Trị An. Từng bước trang bị các thiết bị tự động giám sát, đánh giá tình trạng các thiết bị chính để chủ động phòng ngừa sự cố thiết bị, nâng cao độ an toàn, tính liên tục và độ tin cậy vận hành LĐTT. Hiện nay EVNNPT đã sử dụng thiết bị giám sát MBA cho bốn TBA 500kV (Phú Lâm, Pleiku 2, Đà Nẵng, Hiệp Hòa), sử dụng thiết bị giám sát dầu online cho tất cả các MBA 500kV và kháng điện trên hệ thống LĐTT. 
 
Năm 2019, TTĐN trên LĐTT của EVNNPT đạt 2,15%, giảm 0,29% so thực hiện năm 2018, thấp hơn 0,19% so chỉ tiêu EVN giao (2,34%); quí 1-2020, TTĐN đạt 1,99%, thấp hơn 0,16% so kế hoạch (2,15%) và giảm 0,21% so thực hiện cùng kỳ năm 2019 (2,2%). Với kết quả này, EVNNPT đã đạt mức TTĐN đúng bằng chỉ tiêu TTĐN năm 2020 Tập đoàn đã giao tại Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống LĐTT.

Tùng Lâm