Sinh ra và lớn lên trên quê hương quan họ, từ nhỏ, Nguyễn Ngọc Tiến đã có niềm say mê tìm hiểu máy móc cùng ước mơ được làm việc với những cỗ máy hiện đại. Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh theo học ngành Sửa chữa cơ khí tại Trường Công nhân kỹ thuật Từ Sơn - Bắc Ninh và sau đó về đầu quân cho Lilama (Công ty Lắp máy 10, Tổng công ty lắp máy VN - Bộ Xây dựng). Sau nhiều năm “lăn lộn” trên khắp các công trình xây lắp cả nước, lòng yêu nghề, cùng quyết tâm vượt khó đã giúp người thợ lắp máy trẻ liên tục trưởng thành. Ngày 14/8/1992, anh đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Tháng 5/2001, anh được vào làm việc tại Phân xưởng sửa chữa Cơ khí - Thủy lực của Công ty Thủy điện Ialy. Nguyễn Ngọc Tiến tâm sự: “Ngày đó, được chính thức làm việc với những thiết bị hiện đại, tôi mừng ghê lắm! Nhưng thú thực, tôi không hình dung được, mình sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách đến thế… Nhưng cũng thật may mắn, bởi tại chính tại nơi này, tôi đã có nhiều cơ hội để trưởng thành hơn”.
Phần lớn các thiết bị lực, thiết bị cơ khí được lắp đặt tại Nhà máy Thủy điện Ialy đều do Nga và Ucraina sản xuất trong thời kỳ có nhiều biến động lớn về chính trị - xã hội, nên chất lượng và độ tin cậy thấp. Khi tổ máy số 1 Thủy điện Ialy đưa vào vận hành, đã xảy ra một số sự cố kỹ thuật: Độ đảo trục tổ máy số 2 tăng vượt giá trị thiết kế; xâm thực cánh bánh xe công tác tuabin các tổ máy… Những sự cố phức tạp nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước. Chính lúc này, những người thợ của Thủy điện Ialy trong đó có Nguyễn Ngọc Tiến đã được tham gia sửa chữa và lần lượt khắc phục thành công từng sự cố, đưa tổ máy sớm vào vận hành, làm lợi cho Nhà nước nhiều tỷ đồng, cũng như từng bước làm chủ hệ thống thiết bị công nghệ phức tạp.
Nhận thức sâu sắc nội dung tư tưởng tấm gương đạo đức của Bác Hồ về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Nguyễn Ngọc Tiến đã hưởng ứng làm theo bằng những công việc cụ thể. Đó là tiết kiệm vật tư, vật liệu, làm thêm giờ, tăng ca để sửa chữa thiết bị đạt chất lượng cao trong thời gian ngắn nhất. Với suy nghĩ “tích tiểu thành đại - việc đã làm được phải làm tốt hơn lên”, anh đã gương mẫu thực hiện và vận động mọi người cùng làm những công việc mà thoạt nghe tưởng như rất vụn vặt: Tiết kiệm từng con ốc vít, giẻ lau, que hàn, vòng giăng nhỏ… Kết quả thật đáng khích lệ: Từ năm 2007 đến nay, chi phí công tác sửa chữa thiết bị của Công ty về vật tư, nhiên liệu đã tiết giảm được 5%; các tổ máy sau sửa chữa đều đạt yêu cầu kỹ thuật, tiến độ vượt so với kế hoạch. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của những người thợ sửa chữa như Nguyễn Ngọc Tiến.
Với mong muốn được chia sẻ cho lớp thợ mới vào nghề, trong đó có nhiều học viên thực tập sửa chữa đến từ các nhà máy thủy điện trên cả nước những “vốn liếng” tích lũy sau nhiều năm công tác, Nguyễn Ngọc Tiến đã nhiệt tình truyền đạt lại những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân cùng niềm say mê và ý thức trách nhiệm trước công việc. Đây sẽ là vốn hành trang đầy ý nghĩa, giúp những người thợ trẻ ngày một tiến xa hơn trên bước đường nghề nghiệp.
Là hạt nhân tích cực tham gia sôi nổi các phong trào của Công ty, tay vợt cầu lông Ngọc Tiến cũng là đối thủ “nặng ký”, với không ít lần đạt giải cao tại Hội thao nội bộ hàng năm do Công đoàn Công ty tổ chức. Tại Khu tập thể Biển Hồ của Công ty ở TP Pleiku, gia đình anh liên tục được địa phương công nhận là Gia đình văn hóa khu dân cư. Sống hiếu thuận với mẹ già, yên ấm, hạnh phúc cùng vợ hiền và 2 đứa con ngoan, học giỏi, 45 tuổi đời, 25 tuổi nghề và 17 tuổi Đảng, Nguyễn Ngọc Tiến là điển hình của Người thợ điện Việt Nam thời kỳ đổi mới tại Công ty Thủy điện Ialy.