Thông tin đầu tư

Đánh thức tiềm năng điện mặt trời

Thứ năm, 4/4/2019 | 14:59 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định bổ sung Dự án (DA) Điện Mặt trời (ĐMT) Lộc Ninh của tỉnh Bình Phước vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với quy mô 800MWp. 
 
Đây là cơ sở để tỉnh Bình Phước đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các DA có vai trò làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 
Để phục vụ DA, ngay từ cuối năm 2018, tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải (Công ty Hưng Hải) đã khởi công công trình đường dây và trạm biến áp 220KV Lộc Ninh - Bình Long 2 để đấu nối các nhà máy ĐMT trên địa bàn huyện Lộc Ninh vào hệ thống điện lưới quốc gia, với tổng chiều dài đường dây gần 30km, chạy qua 5 xã của huyện Lộc Ninh; tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.
 
Đây là hạng mục cấp bách để truyền tải điện, phục vụ kết nối hòa lưới điện quốc gia khi các DA ĐMT được đưa vào sử dụng. Hiện Công ty Hưng Hải và các chủ đầu tư khác đang đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục của DA.
 
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Thường trực Công ty Hưng Hải, công ty cùng các nhà đầu tư khác đã đầu tư trên 7.000 tỷ đồng vào DA ĐMT ở huyện biên giới Lộc Ninh với 3 giai đoạn đầu tư. Hiện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lý để thi công. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, DA sẽ đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại địa phương.
 
Với ý nghĩa quan trọng đó, các cấp chính quyền địa phương cũng như đội ngũ kỹ sư, công nhân của Công ty Hưng Hải đang chạy đua với thời gian để DA sớm đưa vào hoạt động.
 
Tỉnh Bình Phước có tiềm năng rất lớn về ĐMT; đặc biệt tại huyện Lộc Ninh có cường độ bức xạ mặt trời cao so với các địa phương khác trong khu vực (5,14KWh/m2 ngày) nên rất phù hợp cho việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo. So với các nguồn năng lượng tái tạo khác như thủy điện, hạt nhân, hóa thạch, gió, sinh khối… thì ĐMT có ưu thế vượt trội. Đây là nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường.
 
Theo kế hoạch phát triển ĐMT đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Bình Phước dự kiến quy hoạch 4.775MWp. Tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển ĐMT khoảng 5.000ha, thuộc huyện Lộc Ninh. Tỉnh Bình Phước đang mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng đến khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch cho từng DA trên địa bàn.
 
Đến nay, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch 6 DA ĐMT với công suất 850MWp và 30 DA ĐMT đang được Bộ Công thương thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng công suất 2.255MWp. 
 
Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước, cho hay: “Với 2 DA đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai thì với tiến độ này, đến tháng 6-2019, khoảng 600MWp ĐMT đầu tiên trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành để đấu nối vào điện lưới quốc gia, đưa vào vận hành thương mại.
 
Khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí đầu tư nguồn ĐMT rất tốn kém, đòi hỏi nhà đầu tư phải giàu năng lực về tài chính; tiến độ đầu tư DA do các doanh nghiệp đăng ký hầu hết tập trung vào giai đoạn 2018-2019 nên chịu sức ép rất lớn về thời gian, chính sách giá mua điện; nhiều DA chưa kịp thực hiện đầu tư, đấu nối và lưới điện truyền tải khu vực huyện Lộc Ninh chưa đáp ứng truyền tải...”.
Theo: SGGP