Dự án điện năng lượng mặt trời đang được tích cực triển khai tại Tây Nguyên.
Tây Nguyên được xem là vùng đất có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời với số giờ nắng từ 2.000 đến 2.600 giờ/năm nên vài năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư về điện năng lượng mặt trời đã tìm đến để khai thác nguồn năng lượng vô tận này.
Ông Trương Công Giới - Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện miền Trung (EVNCHP) cho biết, Dự án Nhà máy điện mặt trời do công ty làm chủ đầu tư được xây dựng trên diện tích 62ha, có công suất thiết kế 50MW với tổng kinh phí 1.367 tỷ đồng.
“Tới nay, các hạng mục lớn đã được hoàn thành như: Xây dựng đường chính và san lấp mặt bằng; kênh thoát nước; hạ tầng nhà quản lý, nhà kho, nhà bảo vệ, bể nước, tường rào; thi công lắp đặt trạm 110kV, đường dây đấu nối, lắp đạt 37ha pin năng lượng mặt trời… Đơn vị đang đôn đốc các đơn vị thi công bảo đảm tiến độ hợp đồng với mục tiêu phát điện thương mại vào tháng 4-2019 và hoàn thành toàn bộ các hạng mục đầu tư của dự án, bảo đảm phát điện trước 30-6-2019”, ông Giới thông tin.
Cùng với nỗ lực của chủ đầu tư, tiến độ dự án đạt được kết quả như hiện tại có sự quan tâm của chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo ông Đỗ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cư Jút, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, EVNCHP đã ký hợp đồng với trung tâm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho toàn bộ dự án. Trung tâm đã phối hợp với HĐND, UBND thị trấn Ea Tling tổ chức họp thông báo và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước về bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi.
“Sau 3 giai đoạn, đơn vị đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng 58,5ha của 66 hộ dân với tổng kinh phí hơn 73,7 tỷ đồng. Phần lớn người dân nằm trong diện thu hồi đất ủng hộ việc xây dựng nhà máy. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương đã thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân để kịp thời tháo gỡ những kiến nghị, khiếu nại. Nhờ vậy, toàn bộ đất sạch đã được bàn giao cho chủ đầu tư sớm hơn so với kế hoạch”, ông Chính cho hay.
Cũng theo ông Chính, ngoài dự án trên, một dự án khác cũng đang khởi động tại huyện Cư Jút là Dự án điện mặt trời Trúc Sơn. Dự án này được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 4-2018. Dự án có công suất thiết kế 44,4MW với tổng kinh phí 1.107 tỷ đồng, do Công ty Univergy K.K, Công ty Europe Clean Enegies Japan K.K và Công ty CP tập đoàn truyền thông Thanh niên làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến triển khai trên diện tích 50,77ha tại thôn 5, xã Trúc Sơn và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 6-2019.
“Là vùng đất khô cằn, đất đai trong huyện đa số là cằn cỗi, sỏi đá, khó canh tác nông nghiệp, nhưng số giờ nắng lại lên đến hơn 2.600 giờ/năm và nền nhiệt độ ở quanh vùng cũng khá cao. Với điều kiện này, các dự án điện mặt trời được nhận định sẽ đạt hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường nên UBND huyện rất kỳ vọng sau khi hoàn thành, 2 dự án này sẽ góp phần nâng cao sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng, toàn tỉnh nói chung”, ông Chính kỳ vọng.
Không chỉ tại địa bàn tỉnh Đắk Nông mà việc khai thác nguồn năng lượng tái tạo này để sản xuất điện đang được các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tích cực triển khai. Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai là một trong những tỉnh tiên phong triển khai các dự án điện mặt trời và đến thời điểm này, đã có 23 nhà đầu tư đăng ký 33 dự án điện mặt trời với tổng công suất gần 4.000 MW. Còn tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đến nay đã có 1 nhà máy đi vào hoạt động, 6 dự án khác đang khảo sát và bước đầu triển khai, với tổng công suất 969 MWp.
Đánh giá về những hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại, ông Lê Quang Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Điện Đại Hải (cụm công trình điện mặt trời Sêrêpốk 1 - Quang Minh ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) khẳng định dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng đầu tư vào điện mặt trời ở vùng đất nghèo nắng cháy này là đúng hướng.
“Điển hình như tại dự án SêrêPốk 1 mới đi vào hoạt động từ đầu tháng 2 vừa qua, đã hòa lưới điện quốc gia được 20 triệu Kw/h. Khi cả SêrêPốk 1 và Quang Minh cùng phát điện, sẽ cung cấp cho điện lưới quốc gia khoảng 150 triệu kWh mỗi năm, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng, nộp ngân sách 30 tỷ đồng/năm cho địa phương. Điều này nghĩa là mỗi ha đất cằn ở huyện biên giới sẽ đem lại doanh thu gần 3 tỷ đồng, đóng góp ngân sách gần 300 triệu đồng mỗi năm”, ông Minh dẫn chứng.
Cũng theo ông Minh, việc xây dựng nhà máy điện mặt trời đã giải bài toán kinh tế cho những vùng đất khô cằn nhưng giàu tiềm năng về điện, gió. “Việc phát triển điện mặt trời không chỉ làm cho giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị diện tích tăng lên 30 đến 40 lần so với cây trồng phù hợp với hiện trạng đất mà còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều người dân địa phương”, ông Minh nói.
Khi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên trong khuôn khổ “Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, “rừng xanh đại ngàn” là tinh hoa của Tây Nguyên, các địa phương cần tìm các biện pháp, các nguồn lực để phát triển hiệu quả nhưng Tây Nguyên cũng có những vùng đất cằn cỗi đầy nắng và gió, nắng nóng quanh năm. Đây là khó khăn đối với sản xuất nông lâm nghiệp nhưng lại là thuận lợi vì có nguồn bức xạ mặt trời và gió để phát triển năng lượng vô giá, chúng ta cần phải tận dụng đầu tư, khai thác nguồn năng lượng quý giá này nhằm đem lại hiệu quả kinh tế lớn...