Tin trong nước

“Đất mở mùa tiếng máy reo vang…”

Thứ ba, 15/8/2017 | 15:46 GMT+7
Lời bài hát “Điện về bản em” như nói hộ tâm trạng của biết bao nhiêu người dân các dân tộc Mông, Dao, Pa Dí ở miền biên viễn Mường Khương, trong niềm hân hoan sau bao ngày đợi chờ, mong ngóng. 
Người dân xã Tung Chung Phố xem truyền hình khi có điện. Ảnh: Kiều Lê
 
Dòng điện sáng đã về bản, theo đường dây, tỏa đi bên các sườn núi, băng trên những nương ngô, thắp lên niềm tin mới nơi “miền cao núi nhọn” thăm thẳm vợi xa ấy…
 
Có lẽ hào hứng nhất, phấn khởi nhất vẫn là những cô bé, cậu bé đang dịp nghỉ hè, được ngồi trước màn hình ti vi và được xem những bộ phim hoạt hình mà trước đây phải sang tận bản khác hoặc xuống phố huyện mới có dịp được xem. Nhưng nay thì không còn là giấc mơ xa vời nữa, mà có thể ngồi ngay trong nhà mình, tại bản mình để được xem phim, xem các kênh truyền hình. Với con trẻ thì thế, nhưng với nhiều người già trong bản, dường như gần hết một đời người, lần đầu tiên mới cảm nhận được sự lung linh của ánh điện có ý nghĩa đến nhường nào…
 
Mừng vui khi có điện lưới quốc gia, bà Vàng Seo Số, bản Vả Thàng, xã Tung Chung Phố bộc bạch: “Năm nay, tôi 64 tuổi, lần đầu tiên mới biết đến ánh điện sáng. Trước đây, khi chưa có điện, đêm xuống nhà lúc nào cũng tối om, chỉ biết dùng bếp lửa, đèn dầu để thắp sáng. Bây giờ có điện, tôi vui lắm. Chắc hẳn không riêng gì tôi, mà nhiều người ở bản này cũng có niềm vui như thế. Chỉ biết nói lời cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao”. 
 
Niềm vui không của riêng bà Vàng Seo Số mà được nhân lên cho cả 4 bản Vả Thàng, Văng Leng, Tả Chư Phùng và Dì Thàng (xã Tung Chung Phố), với gần 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, bám trụ vùng đất này. Với chị Hảng Seo Mải, mong chờ tới ngày có điện như thực hiện được mong ước đổi đời từ chính đôi bàn tay lao động. Chị Hảng Seo Mải xúc động nói với chúng tôi: “Tôi vui lắm. Có điện, gia đình tôi sẽ mua ti vi, máy xay xát để phát triển sản xuất cũng như phục vụ bà con trong bản, không phải mang ngô, thóc đi xa nữa”…
 
Ngược dốc núi, chúng tôi lên bản Vả Thàng. Trời mưa, nên chúng tôi phải ghì mạnh tay lái trên những đoạn đường đất trơn trượt, có đoạn đá lởm chởm, có đoạn trời mưa sạt lở cả một khối đất đá chắn ngang đường. Đây là 1 trong 3 thôn của xã Tung Chung Phố giáp biên giới Trung Quốc với 52 hộ dân tộc Mông, thì có tới 44 hộ nghèo.
 
Mới có điện gần một tháng nay, nhưng Trưởng bản Vả Thàng, ông Thào Seo Pao cũng không giấu nổi niềm vui: “Dạo trước chưa có điện, cuộc sống của bà con trong bản rất khổ. Đến tối, cả bản chìm trong màn đêm, chỉ có ánh đèn dầu heo hắt và bếp lửa. Mùa đông cũng như mùa hè, đêm nào trời trong, có trăng thì cũng lờ mờ đôi chút, nhưng ở vùng cao thì cũng rất hiếm khi… Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bản đã có điện, cuộc sống đỡ khổ hơn rồi. Trẻ con không phải học dưới ánh đèn dầu, phụ nữ không phải thêu thùa, may vá bên ánh lửa bếp nữa. Giờ có điện, người dân đã biết đến ti vi, quạt mát và nhất là có nồi cơm điện, không phải dùng củi nhiều nữa, nên các gia đình đỡ vất vả”.
 
Công nhân điện lực Mường Khương thi công lắp đặt trạm biến áp Tung Chung Phố 5. Ảnh: Kiều Lê
 
Tung Chung Phố là 1 trong 5 xã, thị trấn của huyện Mường Khương nằm trong dự án cấp điện sinh hoạt theo ký kết thỏa thuận giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai nhằm “Mở rộng và cải tạo lưới điện khu vực vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Lào Cai” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ngay sau khi đóng điện tại 2 bản cuối cùng của xã là Dì Thàng và Tả Chư Phùng, xã biên giới Tung Chung Phố đã không còn là xã “trắng” về điện lưới quốc gia và phủ lưới điện 100% thôn, bản. Niềm vui như vỡ òa trên từng gương mặt của người dân và ngay cả trong nỗi lo của những lãnh đạo xã. Thấu hiểu được mong mỏi của bà con, ông Vương Sử Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố cho biết: Sau khi được Nhà nước đầu tư lưới điện, bà con rất phấn khởi. Có điện, bà con nhận thức được những cái hay, cái phải, biết học hỏi để phát triển kinh tế.
 
Ngoài trời mưa tầm tã, cứ hết đợt này đến đợt khác, sương mù dày đặc hạn chế tầm nhìn, đường cấp phối lên bản Dì Thàng gập ghềnh đá sỏi, nhưng vẫn không ngăn nổi quyết tâm hoàn thành đóng điện theo kế hoạch mà Ban Giám đốc Công ty Điện lực Lào Cai cũng như Điện lực Mường Khương đề ra. Chả thế mà khi đến nơi, trời mưa ướt áo, chúng tôi vẫn thấy thấp thoáng những đồng phục màu cam xen giữa màu xanh của núi rừng, ngô, lúa… Anh Thắng, công nhân điện lực Mường Khương dừng tay, cười bảo: “Chúng tôi đã hoàn tất mọi công đoạn rồi, chỉ chờ tạnh mưa để đóng điện cho an toàn; bà con mong mỏi quá rồi, mình không thể vì thời tiết mà chậm trễ thêm một ngày nào nữa”…
 
Dẫn chúng tôi đi thực địa tại trạm biến áp Tung Chung Phố 5 (thôn Dì Thàng), anh Nguyễn Hoàng Điệp, Phó Trưởng phòng Quản lý đầu tư, Công ty Điện lực Lào Cai chia sẻ: Cứ suy từ mình mà ra, nếu một giờ không có điện, thì cảm thấy rất khổ, nhất là những ngày hè nóng nực, chưa kể còn biết bao nhiêu việc liên quan đến sử dụng điện. Thế nên, công ty luôn đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành sớm để bà con được sử dụng điện. Tuy nhiên, việc thi công vẫn phải đảm bảo an toàn là hàng đầu...
 
Vất vả và gian truân, bởi ở một huyện nghèo nhất nước, lại có khí hậu khắc nghiệt, địa hình núi đá phức tạp như Mường Khương thì việc thi công đúng tiến độ là cả sự nỗ lực của những người thợ, công nhân ngành điện. Không đơn giản, nhưng lịch đóng điện đã chốt, dù mưa hay nắng, ngày hay đêm vẫn phải chạy nước rút để hoàn thành.
 
Chia tay Mường Khương, trời lại bắt đầu đổ mưa, chúng tôi hiểu được trăn trở của ông Nguyễn Hữu Đang, Giám đốc Điện lực Mường Khương là có cơ sở. Bởi “cơn thịnh nộ của thiên nhiên” trong tháng 6-2017, đã làm thiệt hại về hạ tầng cấp điện ở trên địa bàn huyện gần chục tỷ đồng, ngành điện lại phải đối phó với đợt thiên tai mới và phải khắc phục hậu quả để đảm bảo đưa điện sáng đến cho dân bản.
 
Giám đốc Đang cho biết: Dẫu vậy, ngành điện vẫn quyết tâm để đưa điện về với bà con. Đưa điện về các thôn bản khó khăn, không chỉ đơn thuần mang ánh sáng điện, mà còn mang chủ trương, đường lối của Đảng, mang những tri thức, văn hóa đến với người dân vùng cao. Người dân từ đây sẽ tiếp cận nhiều hơn với những thiết bị nghe nhìn hiện đại, nâng cao dân trí và thúc đẩy kinh tế phát triển hiệu quả hơn nhờ máy móc.
 
Điện về Tung Chung Phố, khắp các bản làng sẽ “lung linh như chùm hoa núi”, mùa vụ nối tiếp nhau trong tiếng máy cày trên đồng ruộng, trong tiếng máy xay xát mỗi vụ thu hoạch. Để rồi, niềm vui có điện được nhân lên, cứ mỗi mùa vụ đến lại ngân vang câu hát “Đất mở mùa tiếng máy reo vang…”
Theo: Báo ĐT Biên Phòng