Tin thế giới

Dấu chân của Trung Quốc ở dự án quang năng lớn nhất Nam Mỹ

Thứ năm, 25/4/2019 | 10:12 GMT+7
Trung Quốc rót hàng trăm triệu USD đầu tư vào tỉnh nghèo nhất Argentina để tăng cường hiện diện toàn cầu.
Guillermo Girust, giám đốc kỹ thuật dự án Cauchari bên các tấm pin mặt trời công nghệ Trung Quốc tại thị trấn Salar de Cauchari, Argentina ngày 3/4. Ảnh: Reuters.
Guillermo Girust, giám đốc kỹ thuật dự án Cauchari bên các tấm pin mặt trời công nghệ Trung Quốc tại thị trấn Salar de Cauchari, Argentina.

Trên mảnh đất khô cằn của vùng cao nguyên phía bắc Argentina, dự án trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất Nam Mỹ có tên là Cauchari đang được triển khai phần lớn bởi các nhà đầu tư Trung Quốc.
 
Giới chức địa phương hôm 3/4 cho hay từng tìm kiếm sự hỗ trợ ở Argentina, Mỹ hay châu Âu nhưng không thành công. Các nhà thầu hay đối tác tiềm năng đều khước từ vì quá choáng ngợp trước quy mô dự án hoặc e ngại vấn đề tài chính của tỉnh Jujuy, vốn là tỉnh nghèo nhất Argentina.
 
Thế nhưng, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sẵn lòng tài trợ 85% vốn cho dự án Cauchari trị giá 400 triệu USD, với lãi suất thấp 3%/năm trong suốt 15 năm. Đổi lại, tỉnh này sẽ phải mua gần 80% nguyên vật liệu dự án từ các nhà cung cấp Trung Quốc.
 
Trong số các nhà cung cấp cho dự án Cauchari có Huawei Technologies, gã khổng lồ trong ngành viễn thông Trung Quốc, phụ trách cung ứng các bộ biến tần, công nghệ biến năng lượng từ các tấm pin mặt trời thành dòng điện hữu dụng và đóng vai trò quan trọng trong lưới điện năng lượng sạch.
 
Dự án Cauchari là một minh chứng cho thấy sự trỗi dậy của Bắc Kinh với tư cách là người đỡ đầu cho các dự án lớn tại những thị trường mới nổi và đang thiếu tiền mặt, đồng thời củng cố thêm vị thế dẫn đầu của Trung Quốc về công nghệ năng lượng sạch.
 
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump mong muốn tăng gấp đôi lượng nhiên liệu hoá thạch và rút khỏi các mối quan hệ đối tác toàn cầu thì sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại hướng đến việc hỗ trợ các công ty Trung Quốc, đổi mới các trung tâm phát triển cơ sở hạ tầng khắp thế giới, bao gồm cả những nguồn năng lượng thế hệ kế tiếp.
 
"Đó là cách để Trung Quốc tăng cường sự hiện diện toàn cầu và thống lĩnh thị trường kinh tế. Nó dần dần định hướng lại thế giới vốn chịu ảnh hưởng bởi quan điểm của Mỹ và châu Âu suốt nửa thế kỷ qua", Tim Buckley, giám đốc Viện phân tích Kinh tế và tài chính năng lượng, trụ sở ở Mỹ nói.
 
Xu hướng trên cũng đang làm đau đầu giới chức chính quyền Tổng thống Trump. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhiều lần cảnh báo rằng công nghệ Trung Quốc trong đó có các thiết bị do Huawei sản xuất tiềm ẩn các vấn đề về bảo mật, có thể làm rò rỉ thông tin.
 
"Sẽ không ổn khi đưa vào ứng dụng các hệ thống công nghệ với nguy cơ ăn cắp thông tin của công dân Chile hoặc bất kỳ quốc gia nào khác rồi chuyển cho chính phủ Trung Quốc", Pompeo nói.
 
Nhưng ở tỉnh Jujuy hẻo lánh, nơi chỉ có khoảng 750.000 dân, giới chức không mấy chú tâm tới những gì Mỹ cảnh báo, nhất là khi Argentina đã đặt mục tiêu tái tạo năng lượng đầy tham vọng. Giới chức Jujuy nhấn mạnh, chính Trung Quốc chứ không phải Mỹ đang giúp đỡ tỉnh này về vốn và công nghệ.
 
"Chính Trung Quốc đã hào phóng tài trợ cho dự án này", ông Carlos Oehler, giám đốc cơ quan năng lượng tỉnh Jujuy nói.
 
Huawei, nhà cung cấp các bộ biến tần mặt trời lớn nhất thế giới, nhiều lần phủ nhận rủi ro về bảo mật. Tập đoàn này tuyên bố sẽ tiếp tục cung ứng cho khách hàng những giải pháp sáng tạo, đáng tin cậy và an toàn.
 
Thiện chí của Bắc Kinh trong dự án năng lượng mặt trời còn khiến cho Jujuy đồng ý mua thêm nhiều mặt hàng từ các nhà cung cấp khác của Trung Quốc, bao gồm cả hợp đồng cho các thiết bị giám sát.
 
Gerardo Morales - thống đốc Jujuy cho hay tỉnh này và tỉnh Quý Châu, Trung Quốc là đối tác "anh em" và lạc quan rằng trong tương lai, hai bên sẽ phát triển mối quan hệ bền chặt hơn. "Chúng tôi đã đón nhiều đoàn công ty Trung Quốc tới đây công tác", Morales nói.
 
Ở độ cao hơn 4.000 m so với mực nước biển, dự án Cauchari khi hoàn thành sẽ là một trong những trang trại năng lượng mặt trời cao nhất thế giới. Các tấm pin được xếp thành dãy tưởng như dài vô tận, trong khi các thùng thiết bị vẫn đang chờ được lắp đặt. Những du khách có nhu cầu tham quan nơi này được kiểm tra huyết áp và nhịp tim tại chỗ để loại trừ những người mắc bệnh sợ độ cao.
 
Trên những con đường đất dẫn tới công trường xây dựng, các biển hiệu bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung Quốc báo hiệu sự có mặt của công ty xây dựng vốn nhà nước PowerChina và Shanghai Electric.
 
Cauchari dự kiến hoà lưới điện Argentina vào tháng 8 và tạo ra 300 MW điện, đủ cung ứng điện cho 120.000 hộ. Tỉnh còn có kế hoạch nâng công suất lên 500 MW điện trong tương lai, đủ cung ứng điện cho 260.000 hộ và nâng tổng chi phí dự án lên tới 551 triệu USD.
 
Đây là một phương diện khác cho thấy sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Nam Mỹ. Trong khi Trung Quốc đang là khách hàng lớn của Nam Mỹ với các mặt hàng như đậu nành, quặng sắt và nhiều mặt hàng khác, các nhà đầu tư Trung Quốc lại nắm giữ cổ phần các lĩnh vực quan trọng như năng lượng.
 
Chỉ riêng ở Argentina, Trung Quốc đã tài trợ cho các đập thuỷ điện, trang trại gió. Chính phủ nước này cũng đang đàm phán về một dự án điện hạt nhân do Bắc Kinh tài trợ. Nếu đàm phán thành công, nhiều khả năng dự án sẽ sử dụng lò phản ứng Hualong One của Trung Quốc. Theo Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu thuộc Đại học Boston, từ năm 2000 Trung Quốc đầu tư khoảng 5,7 tỷ USD vào các dự án năng lượng ở Argentina.
 
Tổng thống Argentina Maurnes Macri đã tham dự diễn đàn Vành đai và Con đường đầu tiên của Trung Quốc tại Bắc Kinh năm 2017, được xem như một dấu mốc cho việc thắt chặt mối quan hệ giữa nước. Một số quan chức Mỹ Latin khác dự kiến cũng có mặt tại diễn đàn lần thứ hai tổ chức vào cuối tháng này tại Bắc Kinh.
 
Trung Quốc đã chi hơn 244 tỷ USD cho các dự án năng lượng trên toàn thế giới. Phần lớn số vốn này đổ vào các dự án dầu mỏ, khí đốt và than đá. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất về năng lượng sạch trên toàn cầu trong 9 năm liên tiếp, đại sứ quán Trung Quốc tại Buenos Aires cho hay.
 
Trung Quốc đã vươn lên là nhà sản xuất tấm pin và bộ biến tần mặt trời lớn nhất thế giới. Đây là vị trí từng thuộc về các nhà sản xuất châu Âu và Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump năm ngoái đã tăng áp thuế đối với các bộ biến tần nhập khẩu với lý do cạnh tranh không lành mạnh. Song nhiều chuyên gia về năng lượng tái tạo cho rằng việc giảm giá sẽ giúp đẩy nhanh quá trình ứng dụng năng lượng mặt trời trên toàn cầu.
 
Trung Quốc cũng sẵn sàng tài trợ cho các dự án năng lượng sạch ở các nước đang phát triển, mở ra cánh cửa cho các công ty của nước này. Chẳng hạn, tại tỉnh Jujuy, chính quyền địa phương đã ký một thỏa thuận với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, ZTE nhằm cung cấp hệ thống cáp viễn thông và hàng trăm camera giám sát sau dự án năng lượng mặt trời.
 
"Cauchari đã mở đường, một con đường cao tốc cho nhiều dự án khác", một người thạo tin cho hay.
 
Thống đốc Jujuy gần đây đã tới Trung Quốc để thảo luận về việc phát triển dự án Cauchari với các đối tác PowerChina và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Vài năm qua, ông đã thực hiện nhiều chuyến đi tới Trung Quốc.
 
Morales bày tỏ cảm kích khi các trường đại học ở tỉnh Quý Châu đang hỗ trợ Jujuy gia tăng tốc độ lĩnh hội về kiến thức và kinh nghiệm, điều rất đáng quý với một tỉnh không được coi trọng lâu nay như Jujury.
 
"Jujuyu bất ngờ được công nhận ở Trung Quốc", Morales nói. "Chúng tôi đã mở ra một con đường mới ở Trung Quốc".
 
Theo: VnExpress