Điện phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp ở Hưng Yên đang chiếm tỷ lệ hơn 70%.
Sản lượng điện thương phẩm của PC Hưng Yên mấy năm gần đây liên tục tăng, và luôn có tên trong nhóm đầu phát triển. Gần nhất - năm 2019, con số này trên 4,1 tỷ kWh. Trong đó tỷ lệ điện phục vụ công nghiệp chiếm tới… 74%.
Thống kê nói trên đã phản ánh một cách sát, rõ về bức tranh kinh tế của một tỉnh Đồng bằng sông Hồng, luôn xác định mục tiêu hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. Đồng thời đó cũng là một gạch nối quan trọng giữa ngành Điện với tỉnh Hưng Yên, vì sự nghiệp phát triển kinh tế và công nghiệp địa phương.
“Bánh kẹo Kinh Đô, Thép Hòa Phát, Sứ Toto... hoạt động ở Hưng Yên đã lâu, nhưng chưa một lần phải dừng một mẻ bánh hay một lần xử lý quặng, cán thép, hoàn thiện sản phẩm vì sự cố mất điện. Đó là một nỗ lực rất lớn không chỉ vì uy tín của ngành Điện mà còn góp một phần giúp địa phương khẳng định môi trường đầu tư đáng tin cậy ở Hưng Yên”, Giám đốc PC Hưng Yên chứng minh vai trò của Điện lực đối với tỉnh nhà.
Được biết, toàn tỉnh này hiện có gần 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, trong đó có một số khu đã lấp đầy, với hơn 400 dự án đầu tư trong, ngoài nước. Các khu công nghiệp lớn như Phố Nối A, Dệt may, Thăng Long II... hoạt động mạnh là niềm vui với đối với Công nghiệp Hưng Yên nhưng sẽ là một áp lực lớn với ngành Điện, nhất là những đòi hỏi về hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo cấp điện ổn định, kịp thời.
Vì vậy, ngành Điện buộc phải nhìn xa hơn, phải đi trước một bước để cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tạo lợi thế cạnh tranh, đón bắt cơ hội thu hút đầu tư. Cụ thể, ngành này phải tham mưu kịp thời để hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực địa phương, và trong một số trường hợp phải kịp thời bổ sung quy hoạch để có một lưới điện tốt nhất trên thực tế.
Vì các địa phương đều hiểu rõ rằng, trong thu hút đầu tư, “trải thảm đỏ” bằng tạo cơ chế thống thoáng, cải cách thủ tục hành chính triệt để... nhiều khi vẫn chưa đủ mà cần phải có một hạ tầng kỹ thuật “điện - đường” đủ mạnh để tạo hấp lức đối với nhà đầu tư.
Giám đốc PC Hưng Yên Lương Minh Thanh: "Bổ sung và hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực
có ý nghĩa quan trong đối với phát triển kinh tế của địa phương".
“Ngoài khâu chăm sóc khách hàng, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng... nhiều năm qua, PC Hưng Yên với sự giúp đỡ của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã dành nhiều công sức, ứng dụng nhiều giải pháp, thiết bị kỹ thuật - công nghệ để nâng cao chất lượng của công tác quản lý, vận hành lưới điện”, Giám đốc Thanh nói và cho biết PC Hưng Yên là một trong số những đơn vị sớm tiên phòng đưa công nghệ mới vào quản lý kỹ thuật.
Trên thực tế, để có một dòng điện thông suốt, chất lượng điện áp ổn định cấp đến hàng rào khu công nghiệp, chân nhà máy, công trường… là cả một sự nỗ lực rất lớn của ngành Điện, với nhiều công việc ở “hậu trường” không phải ai cũng biết.
“Các guồng quay trong nhà máy, khu công nghiệp không gián đoán có nghĩa cung cấp điện cũng không được phép gián đoán. Muốn vậy, công tác quản lý kỹ thuật vận hành phải được quan tâm mới không xảy ra sự cố. Ở PC Hưng Yên, nhiều thế hệ lãnh đạo đều thống nhất cách đặt vấn đề như thế nên chúng tôi là một đơn vị sớm ứng dụng và thành công với các thiết bị kiểm tra lưới điện như: dùng camera ảnh nhiệt công nghệ Phần Lan để kiểm tra nhiệt độ của lưới; sử dụng thiết bị đo độ phóng điện cục bộ Ultra TEV plus 2.0 của Anh để kiểm tra tình trạng vận hành các thiết bị trên lưới điện…”, Giám đốc Thanh dẫn chứng.
Để phục vụ việc kiểm tra “sức khỏe“ định kỳ lưới điện, tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, PC Hưng Yên đã xây dựng khá bải bản quy trình hướng dẫn sử dụng camera ảnh nhiệt, đồng thời quy định việc kiểm tra camera ảnh nhiệt 1 tháng/1 lần đối với đường dây và trạm biến áp đầy, quá tải; 1 quý/1 lần đối với đường dây và trạm biến áp khác trong hệ thống.
Trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Ngô Thế Tuyển - Phó Giám đốc PC Hưng Yên - cho biết thêm, năm 2019, toàn công ty đã kiểm tra lưới điện bằng camera ảnh nhiệt trên lưới 110kV tại hơn 5.500 điểm, qua đó phát hiện kịp thời 27 điểm phát nhiệt. Đã kịp thời xử lý 24 điểm, 3 điểm phát nhiệt tại trạm biện áp ở mức độ cho phép vận hành, đang chờ xử lý.
Ngoài các biện pháp giảm sự cố trực tiếp trên lưới 110kV, PC Hưng Yên xác định giảm sự cố trên lưới điện trung áp cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ sự cố thiết bị của trạm 110 kV đặc biệt là các máy biến áp 110 kV nên từ năm 2019, đơn vị đã xây dựng chương trình giảm sự cố lưới điện, trong đó đã đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm triển khai đồng bộ...
Tóm lại, khi đặt các chỉ tiêu kỹ thuật trong mối quan hệ với những chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế Hưng Yên những năm gần đây, đặc biệt trong 2019, thì thấy rõ “bóng dáng” ngành Điện trong đó. Vì địa phương như Hưng Yên khó có được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức gần 10% (năm ngoái) nếu không có sự đồng hành của Điện lực. Những thành tựu của địa phương cũng một lần nữa chứng minh, ngành Điện ở nơi nào có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác quản lý kỹ thuật, vận hành thì nơi đó sẽ phát triển bền vững.
Kỹ thuật là vấn đề căn cốt của ngành Điện
“Sau một thời gian dài kiên trì dồn sức cho công tác dịch vụ khách hàng, một số tiêu chí trong lĩnh vực này đã được xác lập, vận hành ổn định, thúc đẩy kinh doanh. Giờ là lúc phải quan tâm đầu tư nhiều hơn cho công tác quản lý kỹ thuật vận hành, vì đây là cái gốc của ngành Điện. Kỹ thuật có tốt thì phục vụ khách hàng mới tốt được”, ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch EVNNPC.
|