Hệ thống nước tưới của ông Lê Công Thôn, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh đảm bảo nước tưới cho các loại cây trồng và nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh thì việc chủ động các giải pháp để tiết kiệm điện trong mùa hạn nhằm chung tay cùng ngành điện đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho nhu cầu sản xuất cũng đã được bà còn nông dân quan tâm thực hiện.
Ông Lê Công Thôn - ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng - cho biết: Nhiều năm nay, gia đình ông đầu tư đưa vào sử dụng hệ thống tưới tự động, với diện tích sản xuất 1,5ha trong nhà kính và gần 1ha canh tác ngoài trời, việc tiết kiệm lượng nước tưới và điện năng là điều mà ông Thôn cũng như nhiều hộ nông dân khác đặt lên hàng đầu, nhất là trong thời điểm khô hạn kéo dài như hiện nay. Tổng chi phí đầu tư cho hệ thống tưới tự động vào khoảng hơn 100 triệu đồng (hẹn giờ, lượng nước tưới phù hợp với từng loại cây trồng). Theo ông Thôn, các hộ gia đình hoàn toàn có thể tính đến việc lắp đặt hệ thống này để “lợi cả đôi đường". Với hệ thống tưới tự động như thế này sẽ giảm 4 loại chi phí như giảm chi phí nhân công, nước tưới, điện và phân bón.
Tương tự vườn rau sạch - thủy canh Kiêm Hùng, tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương. Với diện tích 1ha canh tác 4 loại xà lách cung ứng cho thị trường mỗi tháng 20 tấn, lượng điện năng tiêu thụ cho quá trình hồi lưu nước liên tục là khá lớn, khoảng 40 triệu đồng/ tháng. Chủ nhân vườn rau cũng mong muốn tìm kiếm giải pháp để vừa “ích nước lợi nhà”, vừa đảm bảo vườn rau thủy canh sinh trưởng, phát triển tốt.
Chị Nguyễn Thị Kiêm - chủ vườn rau sạch - thủy canh Kiêm Hùng - cho biết: Thời gian qua, tôi vẫn thường cập nhật các mô hình điện năng lượng để giảm giá tiền điện. Tuy nhiên đầu tư điện năng lượng hiện nay giá vẫn cao, gia đình vẫn đang chờ một thời gian nữa nếu có hạ giá thì lắp đặt. Ngoài ra, có một gói từ phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ để gia đình lắp đặt nhằm giảm chi phí tiền điện hơn thời gian trước đây.
Ông Trần Minh Tường - Giám đốc Điện lực Đơn Dương - chia sẻ: Tại huyện Đơn Dương, điện lực đã tuyên truyền vận động các khách hàng tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, tư vấn cho khách hàng sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm, vận động khách hàng để gắn hệ thống năng lượng mặt trời qua đó tận dụng được nguồn năng lượng sạch an toàn, tiết kiệm chi phí sản xuất cho người dân, giảm áp lực cho ngành điện.
Theo dự báo của ngành điện, trong giai đoạn mùa khô, khi các hộ gia đình, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đều gia tăng tần suất tưới, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng lên 10 - 20%. Do đó, việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục trong giai đoạn này là khá quan trọng.
Nông dân tỉnh Lâm Đồng chủ động các giải pháp tưới tiết kiệm điện.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng – cho biết: Đối với thời điểm nắng hạn của mùa khô 2020 trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại mùa mưa vẫn chưa xuất hiện, tại các huyện như Di Linh, Lâm Hà tập trung tưới nước cho cây cà phê rất lớn do đó nguồn điện tiêu thụ rất cao, hạ tầng của Điện lực Lâm Đồng về đường dây các trạm đều xảy ra quá tải. Do đó việc vận hành lưới điện trong thời gian này hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, với khả năng của mình trong việc phát triển kinh tế địa phương, công ty đã tập trung cao độ để sửa chữa, cải tạo, tăng cường công suất đường dây trạm. Đồng thời vận động các hộ tiêu thụ, các đơn vị sản xuất chia ra khoảng thời gian để tưới nước làm sao cân đối đảm bảo cho tất cả mọi người đều có điện để tưới tiêu, giúp người dân có một mùa bội thu mà ngành điện vẫn giữ được hệ thống an toàn lưới điện.
Việc người nông dân chủ động các giải pháp tưới tiết kiệm điện, nước vào thời điểm khô hạn đã và đang góp phần cùng ngành điện đảm bảo việc cung ứng điện sản xuất, sinh hoạt an toàn trong mùa khô năm 2020. Thời gian tới, kì vọng chính quyền địa phương, các ngành chức năng có dự án, chương trình hỗ trợ chuyển đổi sử dụng điện mặt trời để giảm áp lực cho ngành điện trong bối cảnh chung hiện nay.
Link gốc