Ảnh minh họa.
Qua đó, cũng từng bước đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của cả nước.
Hiện thực hóa tham vọng đó, đến nay trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có 8 dự án Nhà máy điện gió được xây dựng hoàn thành và vận hành thương mại, với tổng công suất là 469,2 MW, lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ ba trong cả nước; trong đó có 6 dự án điện gió trên biển và 2 dự án điện gió trong đất liền. Đó là, Nhà máy điện gió Bạc Liêu 1 và 2 quy mô công suất 99,2 MW; Nhà máy điện gió Đông Hải 1 - giai đoạn 1, quy mô công suất 50 MW; Nhà máy điện gió Đông Hải 1 - giai đoạn 2, quy mô công suất 50 MW; Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 - giai đoạn 1, quy mô công suất 50 MW; Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 - giai đoạn 2, quy mô công suất 50 MW; Nhà máy điện gió Hòa Bình 2, quy mô công suất 50 MW; Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 - giai đoạn 1, quy mô công suất 80 MW; Nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu - giai đoạn 1, quy mô công suất 40 MW.
Hiện nay, còn 2 dự án điện gió dự kiến thi công trong năm 2022, bao gồm: Nhà máy điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu, quy mô công suất 50 MW và Nhà máy Điện gió Bạc Liêu - giai đoạn 3, công suất 142 MW. Tỉnh Bạc Liêu cũng đã báo cáo Bộ Công Thương đưa vào Quy hoạch điện VIII các dự án điện với tổng công suất hơn 9.000 MW, trong đó điện gió hơn 7.800 MW, điện mặt trời khoảng 1.500 MW. Cùng với đó là 19 dự án điện gió khác với tổng công suất hơn 4.600 MW cũng đang được các Nhà đầu tư trình Bộ Công Thương xin bổ sung quy hoạch.
Ngoài ra, tỉnh còn kêu gọi được nhà đầu tư Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, tổng công suất 3.200 MW. Dự kiến khởi công năm 2022, đưa vào vận hành tổ máy số 1 (800MW) vào năm 2024 và vận hành toàn bộ công suất 3.200MW vào năm 2027.
Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh hoà lưới, kịp thời hưởng cơ chế ưu đãi của Chính phủ, ngành Điện đã tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện đầu tư các dự án lưới điện 220kV và 110kV, với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng. Mặc dù công tác đầu tư xây dựng gặp rất nhiều khó khăn thách thức do tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của ngành Điện và các đơn vị cùng sự ủng hộ, hỗ trợ của địa phương, đến nay, hạ tầng lưới điện truyền tải đã cơ bản đáp ứng giải toả công suất của các dự án điện gió đã đưa vào vận hành. Trong đó, đã xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành 2 công trình, gồm: công trình đường dây 110 kV Hòa Bình – Đông Hải, chiều dài 34,39 km, tổng mức đầu tư hơn 134 tỷ đồng. Công trình Trạm 110 kV Vĩnh Hậu và đường dây 110kV Hòa Bình - Bạc Liêu, dung lượng máy biến áp 40 MVA, chiều dài đường dây 17 km, tổng mức đầu tư 113,52 tỷ đồng, khối lượng đường dây 110kV đang trong giai đoạn thi công dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Có thể nói, các công trình do ngành điện đầu tư trên đóng vai trò quan trọng trong việc giải tỏa công suất cho cụm dự án Nhà máy điện gió trên địa bàn huyện Hòa Bình và Đông Hải. Hiện nay, ngành Điện cũng đang triển khai thực hiện 3 công trình, gồm: công trình các đường ra 110 kV trạm biến áp 220 kV Giá Rai, chiều dài đường dây 16 km, tổng mức đầu tư hơn 71 tỷ đồng, dự kiến đóng điện vận hành năm 2022. Công trình lắp máy biến áp T2-40 MVA - Trạm biến áp 110 kV Đông Hải, tổng mức đầu tư 30,8 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý II/2022. Công trình Đường dây 110kV Bạc Liêu 2 - Vĩnh Châu, chiều dài đường dây gần 33km, tổng mức đầu tư hơn 182 tỷ đồng, dự kiến triển khai thi công trong năm 2022.
Ngoài ra, để kịp thời đáp ứng giải tỏa công suất các dự án nguồn điện và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, ngành điện đang chuẩn bị đầu tư thêm 2 công trình khác, gồm: Công trình Trạm 110kV Hiệp Thành và đường dây đấu nối trạm Hiệp Thành, dung lượng máy biến áp 40MVA, chiều dài đường dây 5,6km, tổng mức đầu tư trên 104 tỷ đồng. Công trình Trạm 110kV Ngan Dừa và đường dây đấu nối trạm Ngan Dừa, dung lượng máy biến áp 40MVA, chiều dài đường dây 15,69 km, tổng mức đầu tư 182,53 tỷ đồng.
Với tinh thần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các nguồn điện gió đưa vào vận hành, đồng thời nhằm tăng cường năng lực phát điện cho hệ thống điện quốc gia, ngành Điện đã và đang tiếp tục tập trung nỗ lực tối đa thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình lưới điện để nâng cao năng lực, độ tin cậy lưới điện truyền tải. Và một khi tất cả các dự án lưới điện và trạm biến áp hoàn thành sẽ góp phần giải tỏa công suất các dự án nguồn điện gió trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.