Đây là những chia sẻ của các doanh nghiệp đang có hoạt động đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam tại Chương trình Tài chính Bền vững về Khí hậu và Năng lượng do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng WWF Việt Nam và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức mới đây.
Năng lực thẩm định “yếu”
Chỉ ra những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Nguyễn Vũ Nguyên, đại diện Công ty năng lượng mặt trời Bách Khoa cho biết: Mặc dù Chính phủ và Bộ Công thương đã có những xem xét và tham khảo về lĩnh vực năng lượng tái tạo đã lâu, nhưng chính sách khuyến khích mới được ban hành vào năm ngoái. Lĩnh vực đầu tư này dường như vẫn còn mới với các cơ quan liên quan, trong đó có các ngân hàng.
"Các ngân hàng địa phương hoàn toàn thiếu thông tin liên quan đến ngành năng lượng tái tạo để có thể đánh giá được dự án có thành công hay rủi ro. Thực tế đã chứng minh khi doanh nghiệp xây dựng nhà máy đã từng phải “nài nỉ” ngân hàng cho doanh nghiệp vay. Từ khi chính sách khuyến khích của Chính phủ về đầu tư năng lượng sạch được ra đời, ngân hàng cũng đã có những thay đổi trong phương thức tiếp cận cho vay với các dự án đầu tư năng lượng sạch. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn còn loay hoay và mơ hồ về việc đánh giá các dự án dựa trên các chỉ số nào? Đánh giá bằng cách nào?", ông Nguyên cho biết.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành năng lượng tái tạo cho biết, doanh nghiệp đang muốn hợp tác và kêu gọi đầu tư để cùng phát triển khi doanh nghiệp đang có dự án đầu tư khả thi, nhưng rất khó có thể tiếp cận nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án.
Theo một số doanh nghiệp, để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này, tất cả đều xoay quanh câu chuyện cung cầu, lãi – lỗ. Cụ thể, khi doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp đều quan tâm là đầu tư dự án này có lãi hay không?
Tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam là lớn, thị trường có và các cơ chế khuyến khích đầu tư có, tuy nhiên, doanh nghiệp và tổ chức tài chính vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Thời điểm chấp nhận rủi ro
Như vậy, khả năng thẩm định các dự án và sự hiểu biết của ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước vẫn còn nhiều “hạn chế”. Để cải thiện danh mục cho vay, theo các doanh nghiệp, chỉ có thể cải thiện khả năng hiểu biết của các tổ chức tài chính ngân hàng về các dự án đầu tư năng lượng sạch.
Ngoài ra, chia sẻ kinh nghiệm từ ngân hàng quốc tế trong hoạt động thẩm định dự án đầu tư, bà Ruby Ojha, Chuyên gia Môi trường & Xã hội, Công ty Tài chính Quốc tế - IFC cho biết: Để có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp phải xây dựng được tiếng nói chung bằng các cơ chế cụ thể. Ví dụ, tổ chức tài chính phải khảo sát, đánh giá và thẩm định các dự án một cách kỹ càng, xác định phương án làm thế nào để giảm chi phí và rủi ro. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ lộ trình, kế hoạch hành động của mình để ngân hàng hiểu và ngân hàng cũng cần xác định những thời điểm chấp nhận rủi ro để cùng giải quyết khó khăn trong 3-4 năm tới”.
Ngoài ra, để có thể tạo ra nhu cầu ngày càng lớn, bên cạnh các mục tiêu quốc gia, thì vai trò của doanh nghiệp tư nhân cũng cần được đẩy mạnh vào quá trình sản xuất năng lượng tái tạo và tiết kiệm điện năng.
Cũng theo ông Nguyên, cần tạo ra sự giáo dục và nhận thức về sử dụng năng lượng sạch. Bởi, thực tế hiện nay, khi người tiêu dùng mua bất cứ một sản phẩm nào, họ đều nghĩ tới tiết kiệm tiền chứ chưa thực sự đặt mực tiêu sử dụng năng lượng tái tạo để cuộc sống xanh hơn hay phát triển bền vững hơn.