Tin thế giới

Đầu tư năng lượng tái tạo chững lại trên toàn cầu

Thứ hai, 20/1/2020 | 16:20 GMT+7
Theo BloombergNEF, tổng đầu tư năng lượng tái tạo trên toàn thế giới năm 2019 đạt mức 282 tỷ USD, tức chỉ tăng 1% so với năm 2018 nhờ các dự án điện gió trên bờ biển của Trung Quốc và Châu Âu.
 

Dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc của tập đoàn điện lực nhà nước Tam Hiệp Trung Quốc.

Báo cáo mới của BloombergNEF cho biết, các quốc gia trên thế giới đã đầu tư hơn 138 tỷ USD vào các dự án gió, tăng 6% so với năm 2018, bao gồm gần 30 tỷ USD cho các trang trại điện gió ngoài khơi; và chi khoảng 131 tỷ USD cho các dự án năng lượng mặt trời, giảm 3%.
 
Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào năng lượng tái tạo, chi hơn 83 tỷ USD, nhưng đây là mức thấp nhất của quốc gia này kể từ năm 2013. Mặt khác, Mỹ đạt kỷ lục mới về mức đầu tư, gần 56 tỷ USD, khi các nhà phát triển cố gắng tranh thủ trước khi hết hạn ưu đãi thuế liên bang.
 
Nửa sau năm 2019 là một bước ngoặt đáng kể so với nửa đầu, khi đầu tư năng lượng sạch giảm 14% so với cùng kỳ năm trước do các chương trình tài trợ tốn kém cho năng lượng tái tạo bị thu hẹp, các chính sách ưu đãi bị loại bỏ và cũng do ít nhu cầu bổ sung năng lượng tại các thị trường đã bão hòa. Trong đó, Trung Quốc "dẫn đầu" với mức đầu tư cho năng lượng sạch 6 tháng cuối năm giảm gần 40%.
 
Tăng 1% vẫn hơn là suy giảm, nhưng những con số này còn lâu mới đến gần mức đầu tư cần thiết để tránh nóng lên toàn cầu lên tới ngưỡng nguy hiểm. Để có hệ thống năng lượng đáp ứng được mục tiêu hạn chế nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C, đầu tư hàng năm cho năng lượng sạch phải tăng gấp 5 lần trước năm 2040, theo phân tích gần đây của Viện Đột phá, một trung tâm nghiên cứu môi trường nằm ở Oakland, California.
 
Đầu tư của tư nhân vào các công ty năng lượng sạch trong năm 2019 cũng giảm 2% xuống còn 4,7 tỷ USD, hạn chế việc tạo ra các công ty đổi mới để giải quyết các thách thức khí hậu.
 
Để ngăn chặn sự chững lại hoặc giảm đều đầu tư cho năng lượng sạch chắc chắn sẽ đòi hỏi các chính sách mạnh mẽ hơn của chính phủ, vừa thúc đẩy phát triển năng lượng sạch vừa tạo ra các cơ chế khuyến khích tăng đầu tư tư nhân.
Theo: KH&PT