Nhiều dự án lưới điện truyền tải trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) chưa thể hoàn thành do chậm giải phóng mặt bằng. Ảnh: Nguyễn Thế Anh
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, nhiều dự án lưới điện truyền tải trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đang gặp vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ các công trình. Do các dự án có tuyến đi qua nhiều địa phương, nhiều vị trí đất, ảnh hưởng đến quá trình và thời gian khảo sát, thẩm định giá đất. Bên cạnh đó, đa số các hộ dân không nhận tiền bồi thường và khiếu nại do cho rằng đơn giá bồi thường, hỗ trợ thấp; vướng các công trình xây dựng khác của địa phương… “Đây là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ các dự án”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Điển hình như Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 được khởi công vào tháng 12/2018, đến nay đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng xây lắp… Tuy nhiên, sau hơn 7 tháng, mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã rất nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nhưng những khó khăn trong công tác bồi thường GPMB đã làm nhiều hạng mục của Dự án không đạt tiến độ đề ra.
Dự án Đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ sông Mây - Tân Uyên đến nay đã hoàn thành dựng cột, kéo dây. Tuy nhiên, Dự án không thể đưa vào vận hành do vướng mắc nhà cửa, vật kiến trúc trong hành lang. Còn Dự án Đường dây 220 KV Sông Mây - Tân Uyên đang hoàn thiện hồ sơ để tiến hành cưỡng chế thi công…
Về Dự án Đường dây 500 kV mạch 3, cuối tháng 7/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có Dự án đi qua hỗ trợ EVN, EVNNPT trong công tác bồi thường GPMB. Đến nay, các địa phương Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hà Tĩnh… nơi đường dây 500 kV mạch 3 đi qua đều có chuyển động tích cực trong công tác GPMB.
|
Bên cạnh vướng mắc về GPMB, các dự án lưới điện còn gặp khó trong công tác quy hoạch. Cụ thể, hiện có tình trạng không đồng bộ giữa Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) với quy hoạch phát triển điện lực các địa phương, đặc biệt là không đồng bộ giữa đầu tư phát triển hệ thống điện truyền tải với quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT).
Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), hệ thống lưới điện truyền tải được quy hoạch trong bối cảnh phát triển các nguồn NLTT tới năm 2020 chỉ khoảng 1.650 MW. Tuy nhiên, với việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch các nguồn NLTT, đưa vào vận hành tổng công suất 4.543,8 MW tới thời điểm tháng 6/2019, thì việc đầu tư phát triển lưới điện nói chung và lưới điện truyền tải nói riêng sẽ không thể kịp giải tỏa công suất các nguồn NLTT hiện có. Đó là chưa kể đến một số dự án NLTT đang tiếp tục được xây dựng. Thêm nữa, thời gian thực hiện một dự án điện mặt trời là không dài (khoảng 6 tháng), nhưng để đầu tư công trình lưới điện thì phải mất 3 - 5 năm…
Trong bối cảnh nhiều dự án NLTT đang gặp khó khăn về giải tỏa công suất do chưa có lưới điện truyền tải, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ cho phép bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện nhằm giải tỏa công suất. Trong đó, đẩy sớm tiến độ một số trạm biến áp 220 KV, nâng công suất trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân, xây dựng mới trạm biến áp 500 kV Thuận Nam…
Chia sẻ về những giải pháp tháo gỡ khó khăn với các dự án lưới điện truyền tải của EVNNPT, ông Phạm Xuân Hường, Trưởng Ban Truyền thông EVNNPT cho biết, Tổng công ty đang tập trung tối đa mọi nguồn lực cho các dự án. EVNNPT đã thành lập các ban chỉ đạo để điều hành dự án. Ban chỉ đạo luôn bám sát tình hình, chỉ đạo xử lý ngay những vướng mắc để dự án bảo đảm tiến độ. EVNNPT cũng chỉ đạo các ban quản lý dự án yêu cầu các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, vật lực để bảo đảm mặt bằng được bàn giao đến đâu, triển khai thi công ngay đến đó.
Với những dự án trọng điểm đòi hỏi cấp bách phải hoàn thiện để nâng cao năng lực truyền tải, các ban quản lý dự án đã linh hoạt trong việc thực hiện công tác bồi thường GPMB, vận động nhân dân bàn giao trước mặt bằng để thi công. Tổng công ty đẩy mạnh phối hợp với các địa phương có dự án đi qua để được hỗ trợ tốt hơn trong công tác bồi thường GPMB.
Cũng theo ông Hường, để kiểm soát tốt tiến độ các dự án, EVNNPT đã chỉ đạo, yêu cầu các ban chuyên môn, các đơn vị quản lý dự án lập tiến độ chi tiết cho các dự án theo từng ngày, từng tuần, từng tháng để làm cơ sở kiểm tra, đánh giá, đôn đốc tiến độ các dự án, cũng như chỉ đạo, điều hành các dự án cán đích đúng tiến độ…