Tin trong nước

Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, chuyển đổi năng lượng

Chủ nhật, 24/7/2022 | 17:36 GMT+7
Cảm ơn và đánh giá cao những ý tưởng trong hợp tác của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và chuyển đổi năng lượng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận thời gian qua, Ngân hàng đã cấp tín dụng và thu xếp vốn cho nhiều dự án năng lượng quan trọng của Việt Nam.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị JBIC Meadea Tadashi.
 
Chiều 22/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) Meadea Tadashi đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
 
Hoan nghênh Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) Meadea Tadashi sang thăm và làm việc tại Việt Nam, nêu rõ JBIC là định chế tài chính công quan trọng của Nhật Bản đồng thời là đối tác phát triển quan trọng và tin cậy của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Quản trị JBIC đến Việt Nam lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, có sự tin cậy cao và Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hai nước cũng đang hướng tới các hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023).
 
Do đó, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Hội đồng Quản trị JBIC cũng góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng của hai nước trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và cả kinh tế, thương mại, đầu tư hợp tác phát triển. Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẵn sàng lắng nghe, trao đổi về những vấn đề mà JBIC quan tâm và Quốc hội Việt Nam sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động của JBIC tại Việt Nam.
 
Trao đổi về thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch Hội đồng Quản trị JBIC Meadea Tadashi cho biết, JBIC không chỉ là tổ chức tài chính cung cấp tín dụng mà còn tham gia góp vốn đầu tư, có các hoạt động đầu tư, hỗ trợ tín dụng cho những dự án khởi nghiệp. Đồng thời, JBIC cũng trực tiếp tham gia hoạt động hợp tác của Nhật Bản với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Úc, Ấn Độ và đóng vai trò quan trọng nhằm hiện thức hóa ý tưởng xây dựng Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chủ tịch Hội đồng Quản trị JBIC Meadea Tadashi chia sẻ, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của JBIC, trước khi sang Việt Nam đã nhận được lời gửi gắm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio về việc cần phải nỗ lực, tiếp tục công hiến, thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Nhật Bản với với tầm nhìn Đối tác chiến lược sâu rộng của hai nước; cùng với đó là nhiệm vụ quan trọng hiện thực hóa việc xây dựng Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 tại châu Á.
 
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị JBIC Meadea Tadashi, hiện nay các chính sách của Việt Nam mang lại hiệu quả đáng ghi nhận với đà tăng trưởng mạnh mẽ và nổi bật. Đặc biệt, tại COP 26, Việt Nam đã có cam kết về việc đạt phát thải cacbon bằng 0 vào năm 2050, mặc dù đây là thách thức không nhỏ đối với một nước đang phát triển. Chủ tịch Hội đồng Quản trị JBIC cho rằng để có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này. Việc hiện thực hóa xây dựng Cộng đồng giảm phát thải bằng 0 tại châu Á là một trong những giải pháp hữu ích và trong thời gian tới cần tính đến các giải pháp cụ thể để phát huy cơ chế của chương trình này.
 
Chủ tịch Hội đồng Quản trị JBIC Meadea Tadashi cho biết thêm, trong chuyến công tác lần này đã có dịp trao đổi và có các đề xuất cụ thể với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính về định hướng hợp tác của JBIC. 
 
Một là, việc hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than. Việc dừng hoạt động nhà máy nhiệt điện than cần các giải pháp để tổ chức doanh nghiệp tham gia dự án không chịu thiệt hại khi thực hiện chuyển đổi năng lượng. Quá trình này cần được đồng bộ hóa trong Quy hoạch điện 8 của Việt Nam. JBIC mong muốn hợp tác với Việt Nam để có giải pháp cụ thể, phù hợp với từng dự án, trong đó có tính đến công nghệ mới để duy trì hiệu quả hoạt động vốn có và không vi phạm cam kết quốc tế.
 
Hai là, hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng. JBIC mong muốn hỗ trợ Việt Nam tiếp cận được nguồn năng lượng khí thiên nhiên hóa lỏng với giá ổn định và có cơ chế tài chính hợp lý. 
 
Ba là, phát triển năng lượng tái tạo. Trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam, năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên việc phát triển năng lượng điện tái tạo cũng có một số hạn chế nhất định đòi hỏi phải có công nghệ kĩ thuật cao khắc phục. JBIC có tham gia góp vốn với doanh nghiệp sản xuất pin tích điện, khắc phục sự không ổn định điện áp khi kết nối vào lưới điện. 
 
Ngoài ra, JBIC cũng mong muốn hợp tác, hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình tiếp cận các nguồn năng lượng mới; cân nhắc hợp tác với các tổ chức hỗ trợ cho các dự án liên quan đến điện gió, mong phối hợp với ODA của JICA để có cơ chế hỗ trợ tín dụng tối ưu cho Việt Nam.
 
Chủ tịch Hội đồng Quản trị JBIC Meadea Tadashi bày tỏ mong muốn, trong quá trình này nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Quốc hội Việt Nam, cùng có ý kiến tham vấn với Chính phủ, trong công tác xây dựng chính sách nói chung và có sự chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện các hoạt động hợp tác của JBIC trong thời gian tới.
 
Cảm ơn và đánh giá cao những ý tưởng trong hợp tác JBIC với Việt Nam nhất là trong lĩnh vực năng lượng và chuyển đổi năng lượng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận thời gian qua, JBIC đã cấp tín dụng và thu xếp vốn cho nhiều dự án năng lượng quan trọng của Việt Nam. Đánh giá cao đóng góp của JBIC trong việc xác lập quan hệ kinh tế thương mại đầu tư không chỉ giữa Nhật Bản và Việt Nam mà còn ở khu vực và trên thế giới, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ và đồng tình với nhận định về bối cảnh thế giới đang có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, với các cuộc cạnh tranh giữa nước lớn, xung đột địa chính trị và hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 không chỉ là thách thức cho quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới; đồng thời tác động sâu sắc thực hiện cam kết của các nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP26. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi phải tăng cường, đẩy mạnh quan hệ hợp tác không chỉ khu vực công, giữa các chính phủ mà còn hợp tác khu vực công và tư, trong phạm vi từng quốc gia cũng như các giải pháp mang tính toàn cầu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
 
Cho biết, tại COP26, Việt Nam dù là một nước đang phát triển nhưng đã đưa ra được một cam kết mạnh mẽ, tương đương với cam kết của các nước ở châu Âu và cao hơn cả Trung Quốc về việc đạt phát thải cacbon bằng 0 vào năm 2050, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây không phải quyết định tùy hứng mà là cam kết chính trị mạnh mẽ và có trách nhiệm của Việt Nam. Dù biết gặp nhiều khó khăn thách thức trong quá trình thực hiện nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao và tự cường của Việt Nam cùng với sự hỗ trợ, hợp tác quốc tế trong đó có Nhật Bản và JBIC, Việt Nam tin tưởng sẽ thực hiện được cam kết này.
 
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, với vai trò là cơ quan lập pháp, cơ quan quyết định vấn đề quan trọng quốc gia trong đó quy hoạch và bố trí nguồn lực cho các lĩnh vực, Quốc hội Việt Nam có trách nhiệm lớn và quan trọng trong thực hiện cam kết tại COP26. Ngoài ra, Quốc hội có chức năng giám sát việc thực hiện của Chính phủ. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã quyết định giám sát trong việc thực hiện Sơ đồ điện 7 và triển khai Sơ đồ điện 8, dự kiến tiến hành từ nay đến 2023. Trên cương vị của mình, Chủ tịch Quốc hội cũng đã có trao đổi trực tiếp với Chủ tịch COP26 và tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới để có những trao đổi, đề cập sâu rộng, toàn diện trong hợp tác Việt Nam liên quan thực hiện cam kết tại COP26, nhất là về chuyển đổi năng lượng.
 
Chủ tịch Quốc hội mong muốn JBIC cũng như các đối tác hợp tác phát triển hỗ trợ Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, thể chế trong đó có lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Mong muốn JBIC hỗ trợ Việt Nam về tư vấn hỗ trợ kĩ thuật trong tính toán lộ trình thực hiện chuyển đổi năng lượng khả thi cao nhất, cân bằng chi phí - lợi ích trong từng giai đoạn, không tạo gánh nặng kinh tế cho ngân sách nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong quá tình chuyển đổi và không xảy ra bất ổn trong môi trường đầu tư kinh doanh, an sinh xã hội; đồng thời hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn tín dụng cho dự án năng lượng xanh, chuyển đổi năng lượng với mức lãi suất ưu đãi phù hợp.
 
Về chuyển đổi năng lượng sạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị JBIC quan tâm thêm về hợp tác này trong chuyển đổi các nhà máy điện than của Việt Nam, hỗ trợ thực hiện dự án của nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư sản xuất điện sinh khối tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội mong muốn JBIC hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong phát triển các loại năng lượng sạch như điện khí LNG và điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện hydro; giải quyết các bài toán về giá cả cao, phụ thuộc nhiều vào công nghệ như về tích điện, kết nối với lưới điện quốc gia và lên quan đến truyền tải, ổn định đời sống người dân trong khu vực triển khai dự án...
 
Trên cơ sở nền tảng quan hệ tốt đẹp hai nước, Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai Bên tiếp tục có thêm nhiều trao đổi chia sẻ, hợp tác thiết thực; tin tưởng Nhật Bản đã và sẽ là đối tác quan trọng của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và thực hiện các cam kết tại COP26.
 
Theo: Báo ĐT Đảng Cộng sản