Chuyển động năng lượng

Đẩy mạnh tiết kiệm điện, hiện thực hoá Chỉ thị 20 của Thủ tướng thông qua cuộc thi “Tuyên truyền viên tiết kiệm điện” năm 2025

Thứ sáu, 11/4/2025 | 07:45 GMT+7
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ tiết kiệm điện toàn quốc hằng năm đạt trên 2% tổng sản lượng điện thương phẩm mỗi năm.

Công nhân EVNHANOI tuyên truyền tiết kiệm điện. Ảnh: Icon.com.vn

Kết quả này đã giúp giảm bớt áp lực cung ứng điện và đóng góp tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cho sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, và sinh hoạt của người dân. Đây là tiền đề quan trọng để ngành Công Thương tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng sâu rộng hơn trong thời gian tới, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. 

PV: Thưa Thứ trưởng! Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) có hiệu lực từ đầu năm 2011, đến nay đã được 15 năm. Với vai trò là Bộ quản lý ngành, xin Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật về việc triển khai Luật vào cuộc sống thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long: Trong những năm qua, với vai trò là Bộ quản lý chuyên môn ngành năng lượng, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chúng tôi đã chủ động, nghiêm túc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt là thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cùng các Quyết định, Chỉ thị liên quan của Trung ương, Chính phủ. Đến thời điểm này, một số kết quả nổi bật có thể nêu như sau:

Thứ nhất là việc hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Công Thương đã rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để thúc đẩy các chương trình, dự án tiết kiệm điện trên cả nước, đặc biệt trong dự án Luật sử đổi bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chúng tôi đã mở rộng đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, cắt giảm 50% thủ tục hành chính, phát triển các công ty dịch vụ năng lượng nhằm tạo ra những bước đột phá, thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân trong việc thúc đẩy, áp dụng các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung, tiết kiệm điện nói riêng.

Thứ hai việc là hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa năng lượng. Thông qua các chương trình, đề án, dự án, Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, cung cấp các giải pháp kỹ thuật, các mô hình sản xuất tiên tiến, các công nghệ mới hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp, qua đó giúp nhiều doanh nghiệp tối ưu hóa dây chuyền công nghệ, cắt giảm đáng kể chi phí điện năng. Ngoài ra Bộ Công Thương còn hỗ trợ doanh nghiệp bảo lãnh vốn vay để đầu tư, nâng cấp, cải tạo dây chuyền công nghệ nhằm thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và không hiệu quả.

Thứ ba là công tác đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Song song với việc hoàn thiện thể chế, hỗ trợ kỹ thuật, Bộ Công Thương luôn chú trọng đến công tác truyền thông, nâng cao ý thức sử dụng năng lượng hiệu quả nói chung và sử dụng điện tiết kiệm nói riêng đối với doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Với tinh thần “Chuyển dịch xanh – tương lai xanh”, các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất, phong trào hộ gia đình tiết kiệm điện, chương trình tiết kiệm điện trong trường học, tòa nhà, và đặc biệt là phong trào “Toàn dân tiết kiệm năng lượng”, các hoạt động tuyên truyền đã thu hút sự tham gia ngày càng rộng rãi của người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong cộng đồng có những chuyển biến tích cực.

Thứ tư là việc khuyến khích ứng dụng công nghệ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, Bộ Công Thương đã hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong quản lý năng lượng. Điều này góp phần xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh bền vững, hiệu suất cao, giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia.

Theo đánh giá sơ bộ, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, giai đoạn 2020 đến nay, tỷ lệ tiết kiệm điện toàn quốc hằng năm đạt trên 2% tổng sản lượng điện thương phẩm mỗi năm. Kết quả này đã giúp giảm bớt áp lực cung ứng điện và đóng góp tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cho sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, và sinh hoạt của người dân.

Những nỗ lực đó là tiền đề quan trọng để chúng tôi tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng sâu rộng hơn trong thời gian tới, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long.

PV: Thưa Thứ trưởng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung, tiết kiệm điện nói riêng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Xin Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để nâng cao hiệu quả công tác này, nhất là trong bối cảnh nguồn điện phục vụ cho tăng trưởng đang còn hạn chế?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long: Trong bối cảnh nhu cầu điện tăng nhanh nhưng nguồn cung điện còn hạn chế, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết. Đặc biệt là năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên và 2 con số trong các năm tiếp theo. Trong bối cảnh nguồn điện dành cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, tôi cho rằng có một số giải pháp chúng ta cần tập trung thực hiện như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện: Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó, Bộ Công Thương tiếp tục thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao trong sản xuất ra các thiết bị sử dụng điện, đề xuất hành lang pháp lý để thành lập quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cả về kỹ thuật và nguồn lực để triển khai sâu rộng các công nghệ tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện.

Thứ hai là tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện. Bên cạnh công tác hoàn thiện thể chế, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thực thi các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản dưới Luật.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, Ứng dụng khoa học công nghệ trong tiết kiệm điện và tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức người dân và doanh nghiệp.

PV: Thưa Thứ trưởng, được biết, cùng với việc chủ trì sửa đổi, bổ sung Luật SDNL TK&HQ, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Cuộc thi tuyên truyền viên tiết kiệm điện nhằm lan toả sâu rộng hơn phong trào tiết kiệm năng lượng điện, góp phần đảm bảo điện phục vụ tăng trưởng kinh tế. Xin Thứ trưởng cho biết, mục đích, ý nghĩa của Cuộc thi này?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long: Năm 2025 là một dấu mốc đặc biệt khi chúng ta tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo định hướng “Chuyển dịch xanh – tương lai xanh”. Ngoài việc Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chúng tôi còn triển khai nhiều chương trình, hoạt động thực tiễn để đẩy mạnh tuyên truyền và nhân rộng các mô hình sử dụng điện tiết kiệm.

Trong chuỗi hoạt động đó, Cuộc thi Tuyên truyền viên Tiết kiệm điện chính là điểm nhấn rất quan trọng. Cuộc thi được tổ chức nhằm lan tỏa tinh thần tiết kiệm điện một cách sáng tạo. Thay vì chỉ dừng lại ở các hình thức truyền thông truyền thống, chúng tôi mong muốn qua các vở kịch, tiểu phẩm, video… người dân, doanh nghiệp có thể “thấy” và “cảm” những thông điệp về tiết kiệm điện một cách gần gũi, hấp dẫn.

Đồng thời, cuộc thi còn nhằm khuyến khích sự tham gia của các tầng lớp nhân dân: Cuộc thi mở rộng cho nhiều đối tượng – không chỉ cán bộ ngành điện, các doanh nghiệp, mà còn cả học sinh, sinh viên, người dân. Khi mọi thành phần xã hội đều tiếp cận, chung tay, chúng ta mới có được sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động.
Thứ ba là tạo động lực thi đua đổi mới, chia sẻ kinh nghiệm. Các tác phẩm, ý tưởng trong cuộc thi sẽ là nguồn tài liệu quý, góp phần xây dựng các giải pháp, mô hình mới. Chính sự cạnh tranh mang tính sáng tạo này sẽ nuôi dưỡng tinh thần “Chuyển dịch xanh – tương lai xanh” trên phạm vi toàn quốc.

Thứ tư là góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho tăng trưởng. Khi tinh thần tiết kiệm điện đã thấm sâu vào nhận thức và thói quen, lượng điện năng “tiết kiệm được” sẽ góp phần giảm áp lực cung ứng điện, nâng cao năng lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… Tóm lại, Cuộc thi Tuyên truyền viên Tiết kiệm điện không chỉ dừng lại ở việc tìm ra những tác phẩm đoạt giải, mà quan trọng hơn là thúc đẩy phong trào “Toàn dân tiết kiệm năng lượng”, từng bước biến ý thức thành hành động, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện.

PV: Thứ trưởng có lời nhắn gửi gì tới cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về việc thực hành TKĐ, thực hiện nghiêm Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường TKĐ?  

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long: Để đưa Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về Tiết kiệm điện vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả, tôi muốn nhắn nhủ với cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội rằng:

Thứ nhất, hãy coi việc tiết kiệm điện là một nếp nghĩ, một thói quen – “Tiết kiệm điện – thành thói quen”. Từ việc tắt những thiết bị điện không cần thiết đến sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, chúng ta đều có thể góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống điện và tối ưu chi phí trong sinh hoạt cũng như sản xuất.

Thứ hai, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhưng nguồn cung còn hạn chế, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp quy trình quản lý năng lượng; áp dụng các giải pháp kiểm toán, giám sát điện năng chặt chẽ. Cách làm này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, mà còn gia tăng năng lực cạnh tranh và uy tín với người tiêu dùng.

Thứ ba, với tầm nhìn “Chuyển dịch xanh - tương lai xanh”, mỗi người dân hãy cùng chung tay thực hành tiết kiệm điện trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa để các mô hình, thói quen tiết kiệm năng lượng có thể nhân rộng trong cộng đồng, từ trường học, cơ quan, đến khu dân cư.

Thứ tư, chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể và tổ chức xã hội cần phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền, hướng dẫn, tạo môi trường thuận lợi giúp người dân tiếp cận nhanh chóng hơn với kiến thức và công nghệ tiết kiệm điện.

Nếu mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều biến tiết kiệm điện thành hành động tự giác, thường xuyên, thì thành quả sẽ vô cùng to lớn - vừa góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, hướng tới một tương lai xanh và thịnh vượng cho đất nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyên Long