Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia đã thu hồi toàn bộ nhiệt phát ra của các nhà máy để phục vụ lại chính hoạt động sản xuất bên trong.
Tiết kiệm năng lượng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp như: tiết giảm chi phí sản xuất, vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh, năng lực ứng dụng công nghệ, cũng như uy tín thương hiệu trong bối cảnh sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đang trở thành tiêu chí trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.
Trên cơ sở "Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021" được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE hoặc 6 triệu kWh điện/năm trở lên hiện cả nước hiện có 3.068 cơ sở, hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp này có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ) thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.
Doanh nghiệp quan tâm đến tiết kiệm năng lượng
Thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã quan tâm đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính doanh nghiệp. Cùng với đầu tư thay thế thiết bị, công nghệ để giảm trực tiếp nguồn năng lượng đầu vào cho sản xuất, doanh nghiệp còn đặc biệt quan tâm tới các nguồn năng lượng mới và tái tạo như điện mặt trời hay thu hồi nhiệt dư để sản xuất điện…
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (khu công nghiệp Amata Biên Hòa, Đồng Nai) là một doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thời gian qua, công ty đã áp dụng nhiều biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, giúp giảm 30% chi phí năng lượng cho sản xuất và giảm 35% lượng phát thải khí CO2 mỗi năm.
Nguyễn Phước Hiếu - Giám đốc Công ty cho biết: Công ty chủ động thực hiện kỹ thuật thu hồi toàn bộ nhiệt phát ra của các nhà máy để phục vụ lại chính hoạt động sản xuất bên trong. Cụ thể, năm 2022 công ty đã thu hồi gần như toàn bộ năng lượng từ khí nóng của lò đốt nhôm cho dây chuyền sơn và hệ thống sấy lá thép, Toshiba lắp đặt hệ thống lấy khi nóng đi trên mái nhà và qua bộ trao đổi nhiệt sử dụng quạt hút khí nóng từ lò nhôm và quạt tuần hoàn nhiệt nên có thể điều chỉnh nhiệt độ mong muốn một cách dễ dàng.
“Nếu như lò đốt trước đây phải đốt bằng điện trở nhiệt thì hiện tại việc thu hồi sức nóng từ những công đoan đang phát nóng ra ngoài đã giúp công ty gần như loại trừ 100% những công đoạn dùng điện năng” – ông Nguyễn Phước Hiếu thông tin.
Hay Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là một trong những doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm luôn coi việc phát triển bền vững là một trong những sứ mệnh quan trọng hàng đầu gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh. Với cam kết đầu tư lâu dài và phát triển bền vững tại địa phương công ty đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Crystal Martin Việt Nam lắp đặt 100% máy may có động cơ hiệu suất cao.
Anh Nguyễn Văn Sĩ - Trưởng nhóm phát triển bền vững, Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam chia sẻ, nhà máy Crystal Martin đặt mục tiêu hướng tới năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0 và đến năm 2030 là giảm 35% thải lượng CO2, do vậy nhà máy đưa ra rất nhiều giải pháp về tiết kiệm năng lượng.
"Các nhóm giải pháp mà nhà máy đưa ra gồm: Thứ nhất là về sử dụng năng lượng hiệu quả, công ty triển khai rất nhiều các dự án tối ưu hóa cũng như tiết kiệm năng lượng liên quan đến vận hành hệ thống như lắp đặt 100% máy may có động cơ hiệu suất cao; Sử dụng nồi hơi điện thay thế cho nồi hơi truyền thống nhằm giảm phát thải khí CO2; Sử dụng biến tần trong các hệ thống máy nén khí, chiller, máy bơm để tới ưu hóa việc sử dụng phù hợp với nhu cầu phụ tải. Thứ hai là lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà. Hiện tại Công ty đã triển khai được 2 dự án năng lượng mặt trời mái nhà nhà trên tòa B và tòa C và trong tương lai dự kiến sẽ phủ kín tất cả các mái nhà bằng tấm pin năng lượng mặt trời và có thể đạt được mục tiêu là 30% lượng điện tiêu thụ thông qua năng lượng mặt trời mái nhà. Thứ ba là tiến hành triển khai các dự án thu hồi các nguồn năng lượng như: thu hồi nhiệt, thu hồi khí lạnh và thu hồi khí nóng từ các hệ thống máy nén khí, phòng Chiller và tái sử dụng trong nhà máy" - Anh Sĩ cho biết thêm.
Tôn vinh doanh nghiệp đi đầu thực hiện tiết kiệm năng lượng
TKNL là một trong các biện pháp để doanh nghiệp giữ được chi phí sản xuất thấp và tồn tại được trong môi trường cạnh tranh toàn cầu là áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong toàn bộ dây chuyền sản xuất kinh doanh. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trong thời gian vừa qua đã có hiệu quả rất lớn, giúp giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Mới đây, trong khuôn khổ chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3), Bộ Công Thương phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) phát động Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2023. Thời gian nhận hồ sơ tham gia giải thưởng đến hết ngày 15/11/2023. Dự kiến công bố và trao giải tháng 12 năm 2023.
Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp được Bộ Công Thương phối hợp Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức lần đầu tiên năm 2017. Tính đến nay, giải thưởng đã thu hút sự tham gia của hơn 140 doanh nghiệp với 720 giải pháp tiết kiệm năng lượng. 56 cá nhân cũng đã được Bộ Công Thương và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam vinh danh.
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ Tịch VECEA - Đại diện Ban tổ chức Giải thưởng cho biết: “Giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh các mô hình, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, qua đó tạo hiệu ứng về mặt xã hội, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa đất nước”.