Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Từ thực tế nhiều dự án phát triển nguồn điện lớn, nhất là các nhà máy nhiệt điện than bị chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025 được cảnh báo là rất lớn, trong khi đó việc đầu tư, hoàn thành các dự án điện gió, điện mặt trời lại khá nhanh, vừa tận dụng được nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên, vừa góp phần gia tăng công suất nguồn điện cho hệ thống. Việc đẩy nhanh tiến độ đưa Công trình trạm biến áp 220kV Ninh Phước và đường dây đấu nối trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận về đích trước 6 tháng so với kế hoạch đề ra là thực tế.
Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (NLTT), như điện gió, điện mặt trời, với khả năng phát triển có thể lên tới 13.000 MW điện gió và khoảng hơn 8.000 MW điện mặt trời. Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng tái tạo của cả nước nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh, góp phần đảm bảo năng lượng quốc gia. Các Nghị quyết 31/CP và Nghị quyết 115/CP của Chính phủ cũng đã đồng ý xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Tính đến hết tháng 5/2020, Ninh Thuận đã cấp phép đầu tư cho 34 dự án điện mặt trời với khoảng 3.500MW (trong đó có 21 dự án với công suất hơn 1.300 MW đã hoàn thành phát điện) và 3 dự án điện gió cũng đã được đầu tư, hoàn thành với khoảng 230 MW. Theo dự kiến, đến cuối năm 2020, tổng nguồn phát điện đưa vào vận hành trên địa bàn Ninh Thuận là 2.680 MW, sản lượng điện phát có thể đạt 3,5 tỷ kWh.
Trước đây, do phụ tải điện của tỉnh Ninh Thuận chưa đến 100MW nên hệ thống lưới điện truyền tải khá hạn chế nên khi phát triển các dự án NLTT trên địa bàn, việc đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ là vô cùng quan trọng. Vì vậy, song song với việc phát triển các dự án nguồn điện, hệ thống lưới điện truyền tải các cấp điện áp từ 110kV/220kV đến 500 kV cũng đã được đầu tư đồng bộ. Cụ thể, đến nay có 03 dự án truyền tải điện ở cấp điện áp 500 kV đã và đang được triển khai (trong đó có 2 dự án do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đầu tư, 1 dự án của Tập đoàn Trung Nam - doanh nghiệp tư nhân đầu tư); 03 dự án 220kV và 06 dự án 110kV của ngành điện đang triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tất cả các dự án này sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay nhằm góp phần giải quyết cơ bản các vướng mắc liên quan đến việc giải toả công suất của các nhà máy điện NLTT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thời gian qua.
Phát biểu tại Lễ gắn biển công trình Trạm biến áp 220kV Ninh Phước và các đường dây đấu nối (là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025) sáng hôm 02/7 vừa qua, ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến hết tháng 6/2020, Ninh Thuận đã đưa vào vận hành hơn 1.500MW điện mặt trời và 181MW điện gió, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế này, Ninh Thuận xác định “xây dựng lưới điện truyền tải là đột phá của đột phá của Ninh Thuận”. Công trình Trạm biến áp 220kV Ninh Phước là công trình quan trọng, cấp bách để tăng cường giải phóng công suất nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh với mức công suất tăng thêm khoảng 500 MVA.
Ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết, "tỉnh xác định NLTT là đột phá, nhưng xây dựng các công trình truyền tải điện là đột phá của đột phá. Dự án 220kV Ninh Phước và đường dây đấu nối có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần giải tỏa công suất và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Do đó, trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo tất cả các ngành, các địa phương bằng mọi biện pháp, tháo gỡ khó khăn để đưa công trình vào vận hành đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng".
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao việc hoàn thành vượt 6 tháng so với kế hoạch, kịp thời đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả công trình trạm biến áp 220kV Ninh Phước và các đường dây đấu nối trong bối cảnh dịch covid-19. Cụ thể, công trình TBA 220kV Ninh Phước và hơn 4,6 km đường dây 220kV đấu nối được khởi công vào cuối năm 2019 với hợp đồng 12 tháng. Tuy nhiên, theo yêu cầu của chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ trước 6 tháng nhằm kịp giải tỏa công suất các dự án điện NLTT - đặc biệt là các dự án điện mặt trời để kịp thời cấp điện trong cao điểm hè nên liên danh nhà thầu thi công xây lắp là CTCP Licogi 16 và CTCP Điện lực Licogi 16 - dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, những khó khăn lớn nhất trong giải phóng mặt bằng cũng đã được tháo gỡ.
Ông Hà Bạch Hải, Phó Tổng Giám đốc CTCP Licogi 16, cho biết, "từ thực tế tính từ ngày san lấp đến thi công và đóng điện hôm 29/6 vừa rồi thì chúng tôi chỉ có hơn 4 tháng thi công thôi. Liên danh Licogi-16 và Điện lực Licogi-16 đã cố gắng hết sức, lúc nào trên công trường cũng có khoảng 150-180 công nhân làm việc 2-3 ca trên công trường để đưa tiến độ của Trạm 220kV Ninh Phước vào theo đúng tiến độ để ra của EVNNPT và Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung".
Trên thực tế, đối với các công trình truyền tải điện thì khó khăn lớn nhất luôn là công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Khởi công gần 3 tháng nhà thầu mới có thể thi công do vướng đền bù. Thậm chí, ngay ở vị trí số 1 trên tuyến đường dây 220kV đấu nối vào trạm, thời điểm dân đồng ý cho giải tỏa chỉ trước lúc đóng điện vài ngày. Ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc BQL các công trình điện miền Trung, cho biết, "công tác đền bù GPMB kể các đối với các dự án NLTT thì cũng phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, chỉ có giải pháp là tăng cường vận động, vận động nhiều cấp để người dân hiểu. Ví dụ như dự án TBA 220kV Ninh Phước này đi qua 2 huyện - cả phần trạm và 10 vị trí móng đường dây là của huyện Ninh Phước – thì gần như người dân đồng thuận ngay từ thời điểm ban đầu. Nhưng còn 2 vị trí ở huyện Thuận Nam thì liên quan đến khu vực có các dự án điện mặt trời nhiều cho nên người dân cũng bị ảnh hưởng liên quan đến việc bồi thường của các nhà đầu tư tư nhân ở đấy.. vì họ so sánh giá trị đền bù của các chủ đầu tư khác so với ngành điện.. Chúng tôi cũng phải tìm cách giải thích với người dân, và địa phương họ cũng rất kiên quyết".
Ông Nguyễn Phùng Dũng - Giám đốc Truyền tải điện Ninh Thuận cho biết, kể khi hoàn thành, đóng điện, trung bình mỗi ngày đã có thêm khoảng 270MW công suất điện NLTT được truyền tải lên hệ thống qua TBA 220kV Ninh Phước. Hiện tại Truyền tải Điện Ninh Thuận đang quản lý, vận hành 2 trạm biến áp 220kV là Tháp Chàm và Ninh Phước. Sau gần 2 năm khẩn trương thực hiện các biện pháp kỹ thuật, đơn vị này đã thực hiện vận hành an toàn, giải tỏa công suất của 10 nhà máy điện năng lượng tái tạo với gần 1.200MW công suất (trong đó có 9 dự án điện mặt trời và 01 dự án điện gió) hòa vào hệ thống điện quốc gia.
Ông Nguyễn Phùng Dũng - Giám đốc Truyền tải điện Ninh Thuận cho biết, "trong 2 năm vừa qua,Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã quan tâm chỉ đạo rốt ráo trong việc xây dựng các công trình để giải tỏa công suất và TBA 220kV Ninh Phước vào đã góp phần giải tỏa nguồn công suất rất lớn cho khu vực này".
Theo EVN, khu vực Ninh thuận và Bình Thuận là địa bàn tập trung rất lớn các dự án điện mặt trời và điện gió, đặc biệt là điện mặt trời thời gian qua phát triển với tốc độ rất nhanh, dẫn tới tình trạng một phần công suất chưa huy động được hết khả năng do lưới truyền tải. Do đó, việc đưa các công trình truyền tải điện quan trọng do Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia thực hiện, như trạm 500 kV Vĩnh Tân, các trạm 220kV Phan Rí, 220kV Tháp Chàm và gần đây nhất là trạm 220 Ninh Phước vào hoạt động sẽ giải quyết cơ bản việc giải toả công suất năng lượng tái tạo lên lưới điện quốc gia. Đồng thời, góp phần giảm tổn thất điện năng và tăng cường cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới. Mặt khác, các dự án lưới điện phân phối cấp 110kV trở xuống cũng đang được khẩn trương đầu tư xây dựng và nâng cấp để có thể đảm bảo giải tỏa tối đa công suất các nhà máy điện NLTT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và khu vực.