Ông Đỗ Thanh Thái tâm sự chia sẻ với Cán bộ Truyền thông của PC Quảng Ninh về những năm tháng công tác cống hiến cho sự nghiệp phát triển của ngành Điện.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhà riêng tại tổ 8, khu 1, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, vị Phó Giám đốc năm xưa không giấu được niềm vui. Ông tâm sự, cứ gần đến dịp kỷ niệm ngày Truyền thống ngành Điện 21/12 hàng năm, lòng tôi lại bồi hồi, xúc động nhớ về những năm tháng kiên cường cùng đồng chí, đồng nghiệp cống hiến cho ngành Điện Quảng Ninh.
Nhìn vóc dáng và tác phong nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào, khỏe khoắn, không ai nghĩ ông sinh năm 1939, đã vượt xa cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”. Sau đôi chén trà thơm, cùng qua vài câu hỏi thăm, giữa bậc cao niên và hậu bối chúng tôi đã không còn khoảng cách mà cảm thấy thấy gần gũi và thân thiện vô cùng. Những câu chuyện tưởng chừng chẳng mấy ăn nhập gì với nhau nhưng lại gợi cho ông Đỗ Thanh Thái nhớ về những cột mốc lịch sử, cùng kỷ niệm không bao giờ quên. Với nét mặt rạng rỡ, ông hào hứng kể: Nhà máy điện Cột 5 thuộc khu mỏ Hòn Gai năm xưa, do Pháp xây dựng từ năm 1920 đến năm 1926 thì hoàn thành. Mục đích nhằm có điện phục vụ cho việc khai thác than của bọn chủ mỏ thuộc Công ty than Bắc Kỳ, cùng với âm mưu khai thác than của đất nước ta đưa về làm giàu cho chính quốc.
Từ 1920 - 1954, lúc đầu Nhà máy chỉ có 07 lò hơi loại nhỏ 4 tấn/giờ và 04 tổ máy phát điện có công suất 1000kW/máy. Tổng công suất lắp đặt ban đầu là 4000kW. Đến năm 1939, bọn chủ tư bản Pháp cho lắp thêm 02 lò hơi loại 07 tấn/giờ và 01 máy phát điện 4000kW, nâng tổng công suất lắp đặt lên 8000kW. Nhưng thực tế vận hành đạt 4000 đến 6000kW. Hệ thống lưới điện sau Nhà máy gồm 04 máy biến áp loại 1.250 kVA và gần 40 km đường dây 30kV. Đội ngũ công nhân Nhà máy điện Cột 5 lúc bấy giờ khoảng 150 người, đại đa số làm lao động nặng nhọc như đẩy xỉ, súc than đốt lò. Số công nhân kỹ thuật được lấy từ Hải Phòng, Nam Định hoặc các trường dạy nghề khác. Bọn cai ký, đốc công được thực dân Pháp đào tạo tại nơi khác để làm tay sai đắc lực. Năm 1953 nhu cầu khai thác than ngày càng lớn, do đó bọ chủ nhà máy đã mua them thiết bị từ Pháp sang và lắp thêm máy 6000kW, nâng tổng công suất của Nhà máy lên khoảng 14.000kW nhằm mục đích cung cấp điện cho việc khai thác than khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả.
Giai đoạn trước năm 1954, những người công nhân Nhà máy điện Cột 5 lúc đó cũng cùng chung cảnh sống cơ cực như hàng ngàn công nhân khu mỏ khác. Thường xuyên bị cúp phạt tiền lương, đời sống khốn khó ở những lán trại lụp sụp, làm ra điện nhưng phải đốt đèn dầu. Trong những ngày khủng khiếp của nạn đói năm 1945, hơn 40 công nhân Nhà máy điện Cột 5 đã chết đói thê thảm.
Nhà máy điện Cột 5 sau những trận ném bom ác liệt của đế quốc Mỹ vẫn hiên ngang bên bờ Vịnh Hạ Long.
Bên cạnh đó là cảnh sống xa hoa của bọn chủ mỏ, của tầng lớp cai ký, những bữa tiệc linh đình thừa thãi, những chiếc ô tô bóng loáng với hàng chục người phục vụ như vú em, đầu bếp… Nghịch cảnh đó đã làm trào dâng lên khí thế “tức nước vỡ bờ”, làm tăng thêm nỗi uất hận của người dân mất nước và kiếp sống nô lệ. Được Đảng lãnh đạo và chỉ lối đưa đường, những người công nhân Nhà máy điện Cột 5 đã sớm giác ngộ về lý tưởng giai cấp công nhân, một lòng đi theo cách mạng vùng lên đấu tranh, chống áp bức bóc lột của bọn chủ mỏ và bộ máy cai trị của bọn thực dân Pháp. Ngọn lửa đấu tranh được thể hiện bằng các cuộc đình công rầm rộ, bước đầu là đình công tại khu vực Cẩm Phả, sau lan rộng ra Hòn Gai.
Bước sang giai đoạn từ năm 1954, cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc ta đã đi đến thắng lợi, bằng chiến thắng lấy lừng là chiến dịch Điện Biên Phủ. Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc thắng lợi, hòa bình được lập lại. Tuy nhiên đất nước tạm thời bị chia cắt, nhưng với truyền thống đấu tranh anh dũng và tinh thần bất khuất của giai cấp công nhân vùng mỏ, công nhân điện Cột 5 bước vào cuộc đấu tranh mới với một niềm tin phấn khởi cao độ. Từ năm 1955, khu mỏ được giải phóng, hòa bình đã trở lại trên toàn miền Bắc, đất nước bước vào giai đoạn xây dựng CNXH tiến tới thống nhất đất nước. Từ người công nhân bị áp bức nô lệ dưới ách thực dân đế quốc, nay là chủ nhân của đất nước. Công nhân Nhà máy điện Cột 5 lại phấn khởi đem hết sức mình đóng góp vào việc ổn định và phát triển nguồn điện phục vụ cho việc khai thác than của đất nước.
Với tình thần vượt khó khăn, dám nghĩ dám làm của người công nhân điện Cột 5 lại càng được phát huy. Đội ngũ cán bộ của Nhà máy vẫn có đủ trình độ điều hành, điển hình như bác Đỗ Văn Sớ - một cán bộ quản lý lão thành, bác Vũ Đình Bông là kỹ sư điện được phân công đến nhà máy sau ngày giải phóng. Dòng điện từ Nhà máy điện Cột 5 vẫn ngày đêm tỏa sáng.
Đến năm 1958, do nhu cầu khai thác than của khu mỏ ngày càng lớn, công suất nhà máy quá thấp, thường xuyên chỉ phát từ 3000 - 4000kW, đặc biệt là hệ thống lò hơi thiếu nghiêm trọng. Chính phủ ta đã có chủ trương đề nghị Ba Lan giúp đỡ xây dựng thêm 02 lò hơi với công suất 32 tấn/giờ. Năm 1960 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng, đưa công suất của nhà máy lên 9000 đến 10.000kW. Lúc này một số trạm biến áp và đường dây tải điện từ 2 đến 35kV đã được phát triển thêm nhiều, điện không chỉ phục vụ cho sản xuất than mà còn phục vụ cho một số ngành thủ công nghiệp, chiếu sáng và các khu dân cư, xóm chợ… Cũng trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) Nhà nước đã khẳng định là phải tăng cường đầu tư cho ngành điện, một số nhà máy do Liên Xô giúp đỡ được xây dựng thêm, các tuyến đường dây 110kV đã được hình thành tại Quảng Ninh, tuyến đường dây 110kV Uông Bí - Mông Dương và trạm 110kV Mông Dương đã được xây dựng và hoàn thành vào năm 1965.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, mặc dù bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, hòng làm tê liệt nền kinh tế XHCN, ngăn chặn chi viện của hậu phương cho tiền tuyến. Âm mưu xảo quyệt của chúng là đánh vào các cơ sở trọng điểm, trong đó đặc biệt là các nhà máy điện, trạm điện…
Đối với tỉnh Quảng Ninh, mục tiêu quan trọng của địch là Nhà máy điện Cột 5, trạm 110kV Mông Dương mới được xây dựng, cùng các tuyến đường dây điện cao thế… Giặc Mỹ cho máy bay đủ các loại bắn phá ngày đêm tại nhà máy, hàng trăm tấn bom đạn được rải xuống trên một diện tích rất nhỏ hẹp, đã làm hư hại một số thiết bị máy móc như: Lò hơi, hệ thống bảng điều khiển, đường dây, trạm điện, một số CBCN đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giữ vững dòng điện. Với khẩu hiệu “Địch đến ta đánh, địch đi ta lại sản xuất”, trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù, CBCNV Nhà máy điện Cột 5 vẫn bám máy, bám lò giữ vững dòng điện thân yêu, điện Cột 5 vẫn tỏa sáng trên các bến cảng, hầm mỏ Quảng Ninh.
Thời kỳ này, Nhà máy đã lớn mạnh về mọi mặt, tổng số CBCNV lên tới hơn 500 người bao gồm: 05 phân xưởng, 01 đội, 02 chi nhánh và 04 phòng nghiệp vụ. Số lượng đảng viên lên tới gần 100 đồng chí, là Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ thị xã Hòn Gai. Lực lượng tự vệ được biên chế thành một tiểu đoàn, đặc biệt có 01 đại đội vừa sản xuất vừa trực chiến tại đồi pháp C5. Nhiều CBCN tiêu biểu cho ý chí quyết chiến quyết thắng và sự hy sinh dũng cảm trong sản xuất như liệt sỹ Võ Quốc Quyền - Giám đốc nhà máy cùng với 18 đồng chí là CBCNV của Nhà máy đã ngã xuống để bảo vệ dòng điện được an toàn.
Đến năm 1972, giặc Mỹ lại điên cuồng đánh phá miền Bắc XHCN với quy mô lớn hơn, đặc biệt chúng đã sử dụng máy bay B52 ném bom dải thảm vào thành phố Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội. Nhà máy điện Hòn Gai lại trở thành một mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ thù. Đặc biệt, trận đánh bom ngày 09/5/1972 và trận ngày 12/9/1972 Nhà máy gần như bị phá hỏng hoàn toàn. Đầu năm 1973, Bộ Điện than và Công ty Điện lực miền Bắc đã cho giải thể nhiệm vụ của Nhà máy và chuyển thành Sở quản lý Điện Quảng Ninh. Từ đây chính thức nhiệm vụ của những người công nhân Nhà máy điện Cột 5 bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Nguyên Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Thái chia sẻ: Bước vào giai đoạn mới, cái khó của thời điểm ấy là lưới điện của địa phương đều trong tình trạng xuống cấp vì vừa phải trải qua công cuộc kháng chiến chống Mỹ, lại tiếp tục phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, nên ngành muốn đầu tư phát triển hệ thống lưới điện lại thiếu vốn. Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn và vất vả, các thế hệ CBCNV-NLĐ đã chắt chiu từng đồng vốn được cấp trên phân bổ để tập trung phát triển lưới điện nông thôn. Đặc biệt, ngoài việc hoàn thiện hệ thống lưới điện trên địa bàn các khu vực trung tâm của tỉnh, Công ty còn đề xuất, tham mưu với ngành và địa phương tiếp tục đầu tư, xây dựng các tuyến đường dây, cùng hệ thống trạm biến áp để đưa điện lưới quốc gia về tới các huyện, các xã trong tỉnh nhằm giúp đồng bào các dân tộc sớm có cơ hội tiếp cận với ánh sáng của Đảng, cũng như nâng cao dân trí, thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, Công ty còn chủ động phối hợp với các cấp, các ngành chức năng tham mưu xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ninh nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, vận hành và phát triển hệ thống lưới điện phù hợp với thực tiễn địa phương.
Trong câu chuyện tuôn dài mãi, tôi tạm dừng lời ông và hỏi: Vậy sau khi nghỉ hưu, bác có nắm bắt thông tin về đơn vị cũ ? Ngừng một lát, rồi nhấp một ngụm trà, ông Nguyễn Thanh Thái hào hứng nói: “Có chứ, mặc dù đã về nghỉ chế độ hơn 20 năm rồi, nhưng hàng năm, tôi vẫn dành thời gian để trở về với nơi tôi đã dành cả những năm tháng làm việc để cống hiến. Gần đây, khi tuổi đã cao, thì vào dịp cuối năm Công ty thường cho xe đón tôi lên gặp gỡ các cụ hưu. Qua những lần gặp gỡ như vậy, được chứng kiến và nghe từ anh em, tôi thấy giờ đây lưới điện của Quảng Ninh phát triển lớn mạnh quá. Đặc biệt, hiện nay, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã có đội ngũ CBCNV-NLĐ được đào tạo bài bản về chuyên ngành, vững vàng về nghiệp vụ để làm chủ thiết bị, công nghệ máy móc, nhất là công nghệ thông tin. Những lần về thăm Công ty, thấy mọi người ăn mặc lịch thiệp, nhiệt tình, cởi mở và trách nhiệm với khách hàng, với anh em đồng nghiệp là tôi thấy vui mừng lắm”.
Cuộc trò chuyện với kỹ sư Nguyễn Thanh Thái – Nguyện Phó Giám đốc Điện lực Quảng Ninh trôi qua thật nhanh. Được ông chia sẻ, chúng tôi lại càng thêm biết thêm được lịch sử của ngành Điện Quảng Ninh và càng biết ơn, trân trọng những cống hiến của những thế hệ cha anh đi trước, khi đã vượt qua biết bao khó khăn để đặt nền móng cho sự lớn mạnh của Công ty Điện lực Quảng Ninh ngày hôm nay. Và trên tất cả, ngành Điện đã thực sự trở thành động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh không ngừng phát triển.