Hồ Trị An có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Trong ảnh: Một góc thủy điện Trị An hiện hữu. Ảnh: CTV
Tổng công suất của các dự án này dự kiến gần 5.400MWp trên diện tích hơn 7,1 ngàn hécta thuộc địa bàn các địa phương như: Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất…
* Tiềm năng lớn
Hồ Trị An là hồ nước nhân tạo nằm trên sông Đồng Nai, hiện có dung tích toàn phần 2,765 tỷ m³, dung tích hữu ích 2,547 tỷ m³ và diện tích mặt hồ 323km². Hồ được thiết kế để cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Trị An, có công suất 400MW với sản lượng điện hàng năm 1,7 tỷ kWh.
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Công thương Đồng Nai, số giờ nắng trung bình năm ở khu vực này khoảng trên 1.900 giờ và tổng xạ trung bình theo phương ngang tại khu vực dự án là 5,11 kWh/m²/ngày. Đây được đánh giá là khu vực có tiềm năng khá tốt để phát triển các nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời
Hơn thế nữa, theo dự báo nhu cầu công suất phụ tải của Đồng Nai đến năm 2020 và năm 2025 lần lượt là 2.650MW và 4.100MW. Xét phạm vi khu vực các tỉnh phía Nam, theo điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu phụ tải khu vực miền Nam các năm 2020, 2025, 2030 lần lượt là 19.666MW, 29.415MW, 42.521MW. Do đó, nhu cầu điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng Nai và các địa phương lân cận là rất lớn.
Ông Trần Minh Đạt, Trưởng phòng Kỹ thuật và quản lý năng lượng (Sở Công thương) chia sẻ, việc đầu tư các nhà máy ĐNLMT trên khu vực lòng hồ Trị An sẽ góp phần tăng nguồn cung cấp điện cho Đồng Nai và khu vực phía Nam, góp phần ổn định hệ thống điện và an ninh năng lượng quốc gia.
Đồng thời việc đầu tư này cũng phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đáp ứng cam kết của Chính phủ đối với Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).
Ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty thủy điện Trị An nhận định, bên cạnh việc đầu tư xây dựng thêm 2 tổ máy của dự án thủy điện Trị An mở rộng, nâng công suất của nhà máy thêm 200MW, việc đầu tư các dự án ĐNLMT tại khu vực hồ Trị An sẽ phát huy tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực này, giảm tổn thất khi phát điện, truyền tải, cũng như hạn chế tình trạng thiếu điện vào dịp cao điểm, nhất là vào mùa khô.
* Nhiều dự án có công suất lớn
Theo Sở Công thương Đồng Nai, các dự án ĐNLMT sẽ phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện chi tiết theo quy định của pháp luật trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi của mỗi dự án.
Trong 8 dự án ĐNLMT trên lòng hồ Trị An được tỉnh trình lên Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt bổ sung có dự án Điện mặt trời Trị An do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư gồm: Điện mặt trời Trị An 1 và Điện mặt trời Trị An 2.
Dự án được chia thành 2 khu vực với tổng diện tích khoảng 176,4 hécta, bao gồm: diện tích trên mặt hồ, vùng bán ngập, phần mái đập và trên mặt đất tự nhiên. Tổng công suất dự kiến của dự án khoảng 126MWp.
Hiện dự án này đã được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, bổ sung dự án và phương án đấu nối vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Ngoài ra, có dự án Nhà máy điện mặt trời nổi Trị An Đồng Nai do Công ty TNHH Phước An (tỉnh Vĩnh Phúc) liên doanh với một số công ty đề xuất tại phần lớn diện tích nằm trên mặt hồ Trị An thuộc địa giới hành chính của huyện Định Quán với tổng công suất dự kiến lắp đặt 1.000MWp trên 1.610 hécta. Dự án Nhà máy điện mặt trời nổi hồ Trị An do Công ty TNHH tư vấn công nghệ và đầu tư THT (Hà Nội) đề xuất tại huyện Định Quán với công suất dự kiến khoảng 1.500MWp trên gần 1.700 hécta.
Dự án điện mặt trời Hồ Trị An do Công ty cổ phần Le Delta (Hà Nội) đề xuất tại huyện Vĩnh Cửu với công suất khoảng 1.000MWp trên diện tích khoảng hơn 1.200 hécta. Dự án Nhà máy điện mặt trời VNT trên hồ Trị An do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đề xuất tại một số xã thuộc các huyện Thống Nhất, Định Quán với công suất dự kiến khoảng 600MWp. Các dự án còn lại đều có công suất khoảng 50MWp trở lên.
Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, so về quy mô, công suất, hầu hết dự án nêu trên là những dự án lớn so với nhiều dự án ĐNLMT khác trong khu vực và trên cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án này vẫn đang trong quá trình được Bộ Công thương xem xét, thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay Đồng Nai vẫn chưa có dự án ĐNLMT lớn nào được phê duyệt chính thức. Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và có phương án, kế hoạch triển khai phù hợp đối với các dự án ĐNLMT được Chính phủ phê duyệt trên địa bàn tỉnh.