Đèn đường sẽ tự động giảm ánh sáng khi không có phương tiện lưu thông.
Loại đèn này đã được Na Uy lắp đặt trên 8km đường cao tốc ở tỉnh Buskerud. Cơ chế hoạt động của đèn là tự động giảm độ sáng 20% khi không có ô tô, xe đạp hoặc người đi bộ lưu thông.
Khi có xe di chuyển trên đoạn đường, qua các radar cảm biến nối với đèn, thiết bị này sẽ phát sáng 100% công suất.
Loại đèn đường này giúp tiết kiệm 2.100 kWH/tuần, tương đương năng lượng cần dùng để là quần áo trong 21 tiếng hay xem tivi trong 4 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, việc sử dụng đèn LED còn hỗ trợ giảm lượng khí thải CO2 nhiều hơn so với đèn huỳnh quang và đèn halogen.
Thời gian qua, Na Uy đã đẩy mạnh việc lắp loại đèn đường nói trên. Năm 2017, loại đèn chiếu sáng tự động tương tự đã được lắp đặt tại phía tây quốc gia Bắc Âu này.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đã và đang triển khai xây dựng hệ thống đèn đường thông minh của riêng mình, trong đó có Đan Mạch và Phần Lan.
Mỗi năm, châu Âu tiêu tốn 13 tỷ USD tiền điện cho hệ thống đèn đường. Số tiền khổng lồ này chiếm đến 40% chi phí năng lượng của chính phủ. Nguồn năng lượng này tương đương với việc phát thải 40 triệu tấn khí thải CO2, bằng với lượng khí thải của 20 triệu xe ô tô.
Châu Âu từng có kế hoạch sẽ tắt hệ thống đèn đường tại các khu vực dân cư và nông thôn từ sau nửa đêm. Nhưng giờ đây, với công nghệ đèn đường thông minh, châu Âu có thể sẽ tránh được điều này.
Theo: Khoa học