Nguồn năng lượng từ chất thải thực vật

Thứ năm, 4/1/2018 | 10:12 GMT+7
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, glycine - một axit amin tìm thấy trong chất thải thực vật, có thể tạo ra điện khi bị ép hoặc chạm.
 
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Limerick (UL), Ireland, glycine có thể tạo ra điện khi bị chèn ép. Điện năng tạo ra bởi axit amin này đủ để cung cấp cho các thiết bị điện tử thông thường, như điện thoại thông minh, máy dò chuyển động, hoặc bộ điều khiển không dây cho máy chơi game video.
 
Sarah Guerin, tác giả công trình nghiên cứu này cho biết: "Thực sự thú vị khi biết rằng một phân tử nhỏ như vậy có thể tạo ra nhiều điện năng". Các nhà nghiên cứu giải thích rằng, họ đã tình cờ phát hiện ra khả năng tạo ra dòng điện của glycine khi sử dụng các mô hình máy tính để dự đoán phản ứng điện của các tinh thể khác nhau.
 
Việc sử dụng các vật liệu áp điện để sản xuất năng lượng không phải là mới, nhưng glycine lại có nhiều lợi thế khác. Nó có thể được thu hồi trong hầu hết các chất thải nông, lâm nghiệp. Ngoài ra, glycine không chứa chì hoặc lithium, hai yếu tố độc hại đối với con người.
 
"Kết quả nghiên cứu này mở ra khả năng áp dụng trên quy mô công nghiệp việc tạo ra năng lượng tái tạo với giá rẻ", Luuk van der Wielen, Giám đốc Đại học Limerick giải thích.
Theo: TKNL