Với 13 năm giữ cương vị Trưỏng Truyền tải điện, Bùi Văn Kiên luôn quan tâm đến công tác kỹ thuật an toàn, bảo hộ lao động và phòng chống cháy nổ (KTAT, BHLĐ, PCCN). Đây là công việc rất khó khăn và nhạy cảm. Công tác này đòi hỏi người chỉ huy, lãnh đạo phải tậm tâm với công việc, người công nhân trực tiếp vận hành phải có trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình, năng động, thực hiện đúng quy trình, quy phạm đối với nhiệm vụ vận hành trạm và lưới điện.
Trong nhiều năm trở lại đây, Truyền tải điện Ninh Bình luôn là một trong những đơn vị đi đầu phong trào xây dựng trạm xanh - sạch - đẹp và đường dây kiểu mẫu của Công ty Tuyền tải điện 1. Đạt được như vậy là nhờ thực hiện tốt công tác tổ chức. Đơn vị đã thành lập các hội đồng, các ban có liên quan đến công tác KTAT, BHLĐ, PCCN, đó là Hội đồng bảo hộ lao động; Hội đồng kiểm tra kỹ thuật an toàn; Hội đồng thi đua khen thưởng. Đồng thời, chuyên môn phối hợp với công đoàn xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV) đến từng tổ, đội sản xuất; Cử cán bộ có trình độ, có kinh nghiệm trong công tác lâu năm làm cán bộ chuyên trách về KTAT, BHLĐ, PCCN và mạng lưới ATVSV.
Trưởng Truyền tải điện Ninh Bình mời tôi và anh Lê Xuân Hải - Phó trưởng phòng An toàn của Công ty Truyền tải Điện 1 tới thăm trạm 220 kV Ninh Bình. Bước qua cổng chính của Trụ sở Truyền tải điện vài chục mét là đến Trạm. Từ cổng vào có hai hàng cây xanh được cắt tỉa xinh xắn, xung quanh Nhà điều hành là những bồn hoa các loại đang khoe sắc, các khoảng trống dưới chân cột trong Trạm được thiết kế trồng cỏ xanh, trông rất thoáng, tạo cảm giác dễ chịu hơn khi đi dưới những hàng cột với các đường dây mang điện kêu ù ù, thỉnh thoảng lại có những tiếng lách tách phát ra từ trên đường dây và sứ. Lê Xuân Hải và Vũ Văn Lộc - Phó trưởng Truyền tải điện Ninh Bình chỉ cho chúng tôi xem các bồn cát cùng dụng cụ phòng chống cháy nổ của Trạm, anh Lộc bảo: Mặc dù chưa phải dùng đến, nhưng các phương tiện, dụng cụ phục vụ cho phòng chống cháy nổ đều được kiểm tra thường xuyên, ngay cả các thao tác PCCN, công nhân vận hành Trạm cũng phải được luyện tập thuần thục.
Tại Trạm 220 kV Ninh Bình, tôi gặp lại Trương Xuân Bình, người được biệt phái để trực chính trong ca trực đóng điện Trạm 500 kV Nho Quan hồi năm 2005. Trông Bình vẫn nhanh nhẹn như ngày nào cầm tổ hợp điện thoại để nhận lệnh, thực hiện các thao tác đóng điện cho một trong những TBA lớn của miền Bắc. Anh tâm sự: Trạm Ninh Bình luôn vận hành ổn định là nhờ thực hiện tốt công tác kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ. Lãnh đạo Trạm luôn đôn đốc, nhắc nhở, tổ chức cho CBCNV thường xuyên kiểm tra toàn bộ hệ thống vận hành của Trạm để kịp thời phát hiện, xử lý những hiện tượng có thể gây ra sự cố. Nhiều năm qua, Trạm không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Trưởng Truyền tải Ninh Bình cho biết thêm: Căn cứ vào yêu cầu sản xuất, hằng năm, đơn vị đều lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị KTAT, BHLĐ, PCCN theo đúng quy định của Nhà nước; lập phương án đại tu, bảo dưỡng các thiết bị và hệ thống cứu hỏa. Không riêng Trạm Ninh Bình mà các Trạm thuộc Truyền tải Ninh Bình đều thực hiện tốt công tác KTAT, BHLĐ, PCCN.
Trao đổi về vấn đề kế hoạch, Bùi Văn Kiên cho biết: Truyền tải điện Ninh Bình đều có kế hoạch và phương án phòng chống cháy nổ, bão lụt, cụ thể là: Đối với khối Trạm, tổ chức diễn tập mỗi quý 1 lần, có kết hợp với công an PCCC của địa phương; 6 tháng 1 lần đối với khối đường dây và một năm 1 lần đối với Truyền tải Ninh Bình. Đặc biệt là mùa mưa bão, công tác kế hoạch phải được lập cụ thể, chi tiết đến từng hạng mục vận hành của Trạm và đường dây. Các khiếm khuyết có nguy cơ gây sự cố đều được lên kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng trước mùa mưa lũ. Đi đôi với việc lập kế hoạch phục vụ công tác vận hành Trạm và đường dây là việc lập kế hoạch chi tiết cho việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghị định 106/NĐ - CP về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp; lập kế hoạch định kỳ về công tác bồi huấn, kiểm tra quy trình KTAT, BHLĐ hằng năm trong toàn đơn vị.
Chúng tôi đã đi gần hết các khu vực được coi là quan trọng của Trạm. Tôi có cảm giác như mình đang ở một công viên nào đó. Vừa đi, Bùi Văn Kiên vừa kể cho chúng tôi nghe về hoạt động sản xuất của Truyền tải điện Ninh Bình. Anh cho rằng, vấn đề tổ chức thực hiện là quan trọng nhất. Bởi vì tổ chức thực hiện là trực tiếp với công việc, đồng thời biết được kết quả hoàn thành nhiệm vụ với thời gian ngắn nhất. Việc tổ chức thực hiện đồng bộ các phương pháp trong công tác quản lý đã tạo cho người lao động chấp hành nghiêm chỉnh chế độ bảo hộ lao động, thực hiện tốt quy trình, quy phạm, nội quy lao động và kiểm tra tình trạng an toàn hệ thống vận hành trạm, đường dây. Đây là mấu chốt trong công tác lãnh đạo, chỉ huy đã góp phần đưa đơn vị đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong thời gian vừa qua.
Bùi Văn Kiên ngước nhìn bầu trời bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 2 với những đám mây đen đang ùn về từ phía đông, anh nói: Đã muộn rồi, nếu còn sớm thì ta sẽ đi thăm đường dây. Nhưng thôi, hẹn dịp khác vậy, vì địa bàn quản lý của Truyền tải điện Ninh Bình rộng lắm, trải dọc suốt 5 tỉnh, đi bằng ô tô cả tuần chưa hết được các trạm và đường dây. Còn về thành tích thì… nhiều năm nay Truyền tải điện Ninh Bình luôn là đơn vị đứng trong tốp dẫn đầu về phong trào xây dựng Trạm xanh, sạch, đẹp và Đường dây kiểu mẫu của Công ty Điện lực1, đồng thời là đơn vị được Tập đoàn Điện lực Việt Nam khen ngợi về thực hiện tốt công tác KTAT, BHLĐ và PCCN.
|
Một góc Trạm biến áp 220 kV Ninh Bình
|