Khai thác địa nhiệt điện là cách tốt nhất để giải quyết khủng hoảng năng lượng hiện nay ở Indonesia và Philippines. (Ảnh: Corbis)
Lester Brown, Chủ tịch Viện chính sách trái đất có trụ sở ở Washington, nói: "Khi nói đến Indonesia và năng lượng, tôi nghĩ ngay tới địa nhiệt. Indonesia có hơn 500 ngọn núi lửa, trong số này 130 ngọn đang hoạt động. Nền kinh tế Indonesia có thể hoạt động hoàn toàn dựa vào nguồn năng lượng địa nhiệt..."
Nhiều trở ngại
Giá dầu mỏ cao, nhu cầu năng lượng tăng và cơ sở hạ tầng yếu kém trong ngành năng lượng khiến cho việc tìm cách khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt của Indonesia và Philippines trở nên cấp thiết hơn.
Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng này không phải là dễ. Các dự án khai thác địa nhiệt bao gồm việc khoan các giếng sâu trong lòng đất để lấy hơi và nước nóng chạy tuabin. Đây là một quá trình vốn tốn kém lại càng khó khăn hơn bởi những thủ tục quan liêu và các trở ngại khác ở Indonesia và Philippines.
Dự án Bedugul của Indonesia, khai thác các ngọn núi lửa ở đảo Bali để sản xuất 175MW điện, tương đương với nửa nhu cầu điện của hòn đảo du lịch này, đã bị đình trệ vì người dân địa phương theo Ấn Độ giáo sợ kế hoạch này có thể ảnh hưởng tới vùng đất thiêng và nguồn nước từ các hồ gần đó.
Phần lớn lượng điện ở Bali hiện nay được dẫn về từ đảo Java kế bên bằng dây cáp dưới biển. Những người ủng hộ dự án cho rằng kế hoạch này có ý nghĩa quan trọng vì đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng lớn ở Bali, trung tâm du lịch của Indonesia.
Ni Made Widiasari, chuyên gia của Công ty Năng lượng Bali, hãng thực hiện dự án này, nói: "Chúng tôi hy vọng dự án sẽ tiến triển, không chỉ vì các nhà đầu tư mà còn vì tương lai của Bali".
Ở Philippines, nước sản xuất năng lượng địa nhiệt lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, một trong những trở ngại chính đối với khai thác địa nhiệt là lượng axít cao trong hơi nước và nước nóng có thể ăn mòn các đường ống dẫn chúng.
Paul Aquino, Chủ tịch Tập đoàn Khai thác Năng lượng PNOC, hãng đang khai thác 9 mỏ hơi nước với công suất 1.199MW (60% công suất địa nhiệt của Philippines), cho rằng Philippines khó có thể đạt mục tiêu nâng công suất địa nhiệt của nước này từ 1.931MW hiện nay lên 3.131MW vào năm 2013 và vượt qua Mỹ trở thành nước sản xuất năng lượng địa nhiệt lớn nhất toàn cầu.
Hiện nay, năng lượng địa nhiệt chiếm khoảng 18% nhu cầu năng lượng của Philippines. Aquino nói: "Chúng tôi đã khai thác các khu vực có nguồn địa nhiệt lớn nhất". Ông cho biết thêm nhiều khu vực chưa khai thác có tiềm năng địa nhiệt lớn nhất của Philippines lại nằm trong các công viên bảo tồn thiên nhiên.
Catherine Maceda, nữ phát ngôn viên Liên minh năng lượng có thể phục hồi, tổ chức thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, cho rằng Philippines cần thông qua dự luật năng lượng để mang lại sự minh bạch và những ưu đãi lớn hơn.
Trong khi Tổng thống Philippines, Gloria Macapagal Arroyo, cho rằng việc thông qua dự luật này là cấp thiết, các chính trị gia khác lại tranh cãi khiến việc thông qua dự luật này bị trì hoãn.
Nhưng cần thiết
Các mạng lưới điện ở Philippines và Indonesia đang bị quá tải. Nhu cầu điện của Philippines ước tính tăng trung bình 4,8%/năm, còn Indonesia đang chịu cảnh mất điện vào giờ cao điểm.
Indonesia hiện chỉ sản xuất được 850MW từ địa nhiệt, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng điện của nước này, trong khi ước tính tiềm năng năng lượng địa nhiệt của Indonesia là 27.000MW.
Chính phủ Indonesia muốn tập trung sử dụng nhiều các nhà máy điện chạy bằng than hơn nữa để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Bộ trưởng Năng lượng, Purnomo Yusgiantoro, cho biết nước này có thể sản xuất được 9.500MW điện từ địa nhiệt vào năm 2025.
Bất chấp những trở ngại và các dự án bị đình trệ, giá năng lượng cao đang thôi thúc các hãng xem xét khai thác năng lượng địa nhiệt. Một số hãng muốn mở rộng các dự án hiện nay hay nỗ lực thực hiện các dự án mới ở Indonesia.
Các hãng năng lượng Medco Energi Internasional và Star Energy của Indonesia đang xem xét thực hiện các dự án đầu tư mới. Chevron, hãng sản xuất năng lượng địa nhiệt tư nhân lớn nhất thế giới, có kế hoạch tăng gấp đôi số dự án khai thác địa nhiệt ở Indonesia và Philippines vào năm 2020, bất chấp phải đầu tư nhiều vốn.
Mất khoảng 7-8 năm để một nhà máy điện địa nhiệt đi vào sản xuất tính từ thời điểm thăm dò khai thác. Ngoài các chi phí khoan thăm dò và xây nhà máy, còn có các khoản khác như làm đường tới các nhà máy, vốn hay nằm ở những khu vực miền núi xa xôi.